CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thấy gì từ việc mua ròng đột biến của khối ngoại?

Invest Global 08:53 28/04/2022

Việc khối ngoại liên tiếp kéo dài chuỗi mua ròng trở lại, thậm chí có những phiên với khối lượng “đột biến” là động thái đáng chú ý trong thời gian gần đây. Điều này không chỉ hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư trong nước khi thị trường liên tục giảm sâu, mà còn thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự hấp dẫn cũng như sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, nhà đầu tư nước ngoài đã đổi vị thế mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong 5 tuần gần đây với giá trị 3.589 tỷ đồng (khoảng 155 triệu USD).

Đi ngược... nhận định

Có thể thấy, năm 2021 đánh dấu một năm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đầy thăng hoa nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, khối ngoại lại đẩy mạnh rút ròng với tổng giá trị đạt gần 60.000 tỷ đồng, nối tiếp xu hướng bán ròng từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát.

img-3185-1651053343-4872-1651053480.jpg

Khối ngoại liên tiếp kéo dài chuỗi mua ròng trở lại, thậm chí có những phiên với khối lượng “đột biến”. (Ảnh minh họa)

Dự báo về xu hướng của khối ngoại trong năm 2022, nhiều công ty chứng khoán chung nhận định, khả năng khối ngoại mua ròng trở lại là rất khó khi các yếu tố bán ròng vẫn duy trì, nhất là trong bối cảnh các nước phát triển đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ dưới áp lực lạm phát. Mặc dù Việt Nam đang có lạm phát tương đối thấp và đồng nội tệ tương đối mạnh, song ít nhiều vẫn chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trái với những nhận định đó, ngay từ đầu năm 2022, khối ngoại liên tục có động thái mua ròng trở lại. Đáng chú ý, từ phiên ngày 13/4 đến nay, trong lúc thị trường liên tục giảm mạnh, khối ngoại đã mua ròng liên tiếp với khối lượng lớn.

Đặc biệt, trong phiên 26/4, thị trường có cú “quay xe” ngoạn mục nhờ dòng tiền bắt đáy, đưa VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, sau khi xuống sâu nhất 1.261,4 điểm ngay trong phiên sáng.

Một điều khá bất ngờ là nhà đầu tư nước ngoài cũng nhảy vào bắt đáy rất mạnh với sức mua lớn, khoảng 34,4 triệu đơn vị, cao nhất kể từ ngày 25/1. Giá trị mua ròng hơn 1.022 tỷ đồng trên toàn thị trường, gấp 4 lần phiên trước đó.

Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng tới 1.043 tỷ đồng, với khối lượng hơn 37 triệu cổ phiếu, trong đó có hàng loạt mã giảm sâu như VNM (93 tỷ đồng), DGC (74 tỷ đồng), DPM (65 tỷ đồng), BVH (49 tỷ đồng), DCM (47 tỷ đồng)…

Cũng trong phiên 26/4, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (Đài Loan) cũng đã phát hành ròng 46 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng gần 600 tỷ đồng - con số kỷ lục từ trước tới nay và toàn bộ số tiền này đều được giải ngân mua cổ phiếu của Việt Nam.

Ước tính, từ đầu tháng 4 đến nay, 3 quỹ ETF lớn nhất thị trường tạm thời là DCVFM VNDiamond ETF, DCVFM VN30 ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF đã giải ngân thêm khoảng gần 2.000 tỷ đồng vào TTCK Việt Nam.

Theo quan sát, chuỗi phiên mua ròng liên tục của khối ngoại trên sàn HoSE đã kéo dài sang phiên thứ 6. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, sàn này có 5 phiên có giá trị mua ròng cổ phiếu của khối ngoại đạt ngưỡng nghìn tỷ đồng.

Đây cũng là động thái đáng chú ý vì ngắt quãng chu kỳ bán ròng kéo rất dài trước đó. Hàng chục tháng qua vẫn có vài ngày khối ngoại dừng bán ròng, nhưng đây là chuỗi ngày mua ròng liên tục dài nhất.

Niềm tin vào chứng khoán Việt

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những số liệu về kinh tế sau quý I/2022 rất tích cực, cho thấy sự phục hồi đáng kể của nền kinh tế. Trên thị trường, thời điểm hết quý I, thanh khoản bình quân vẫn cao hơn thanh khoản năm 2021 khoảng 18% - 20%. Đặc biệt, trong 4 tuần gần đây, dù thanh khoản xuống thấp, song vẫn cao gấp 4 lần so với cả năm 2019. Điểm sáng là tổng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ở mức 52 tỷ USD. Nếu so với các nước ở Đông Nam Á, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đang ở mức rất cao, đứng khoảng thứ 2, thứ 3 khu vực. Và theo dõi 4 tuần gần đây, số tiền của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường đang tăng.

Kết quả mới nhất tại Báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh Doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho thấy, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam đang tiếp tục gia tăng.

Vừa qua, Công ty môi giới chứng khoán ASPS (Asia Plus Securities) của Thái Lan đã khuyến nghị tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index được đánh giá tương đối ổn định trước những bất ổn của thế giới.

Ông Petri Deryng, người đứng đầu Pyn Elite Fund (Phần Lan) cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022 cũng như 2023. Cùng với định giá phù hợp sẽ là những yếu tố khiến TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

“P/E forward của Việt Nam năm 2022 chỉ là 13,3, thấp hơn P/E forward 17,7 của Thái Lan, điều này có vẻ không hợp lý. Với lợi nhuận tăng trưởng vượt trội, chứng khoán Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với mức định giá P/E cao hơn”, ông Petri Deryng nêu quan điểm.

Hiện tại, mức điều chỉnh khá mạnh thời gian qua đã đưa P/E VN-Index về khoảng 14.x – mức định giá được đánh giá tương đối rẻ. Cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và việc khối ngoại đang đẩy mạnh mua ròng trở lại cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển trong thời gian tới.

Nhìn chung, mặc dù khối ngoại đã dứt 6 phiên liên tiếp để quay lại bán ròng trong phiên 27/4, song khối lượng bán vẫn khá thấp so với lực mua trong các phiên gần đây. Điều này mang tới hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ cho thị trường. Bởi lẽ khi nhà đầu tư trong nước chán nản, chỉ “nhăm nhe” muốn cắt lỗ, giảm áp lực, trái lại khối ngoại liên tục mua ròng. Không chỉ vậy, việc các quỹ ETF do Dragon Capital quản lý đang hút vốn khá mạnh những ngày gần đây được đánh giá là tín hiệu tích cực, góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư khi thị trường liên tục giảm sâu. Những điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự hấp dẫn cũng như sự phát triển lành mạnh và bền vững của TTCK Việt Nam trong dài hạn.

Châu Giang

Ý kiến chuyên gia