CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thị trường nội địa: Bệ đỡ cho doanh nghiệp bứt tốc

Invest Global 09:51 18/06/2020

Khi các thị trường xuất khẩu gần như “đóng băng”, đẩy mạnh khai thác “sân nhà” là định hướng đúng giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất - kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19, nhất là đối với DN nhỏ và vừa.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hơn 80% sản phẩm thời trang từ lụa của Công ty cổ phần thương mại HANHSILK (HANHSILK) đều xuất khẩu sang thị trường châu Âu, còn khoảng 20% tiêu thụ trong nước. Bà Lương Thanh Hạnh, CEO HANHSILK cho biết: “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến việc giao thương xuất khẩu hàng hoá bị đình trệ, hàng hoá không xuất khẩu được, như nhiều DN khác, công ty cũng chịu tổn thất rất lớn. Do đó, ngay lập tức, chúng tôi đã phải lên phương án tập trung vào thị trường nội địa để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm”.

Ngay khi quay lại “sân nhà”, đơn vị này đã phát triển mạnh về thương mại điện tử và đã được người tiêu dùng đón nhận. Một phần do các sản phẩm đều được xuất khẩu ra nước ngoài nên được đánh giá cao về chất lượng, đó là một lợi thế. Cùng với đó, DN cũng bán giá tốt nhất đến tay người tiêu dùng để cho rất nhiều “Người Việt Nam được dùng hàng Việt Nam”… Nhờ vậy, tình hình tiêu thụ sản phẩm của DN dần phục hồi mặc dù có sự suy giảm mạnh về quy mô.

Các DN chuyển hướng kinh doanh nhằm thích ứng với yêu cầu của thị trường nội địa

Tương tự, khoảng 20 - 30% DN sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ tại các làng nghề gỗ như ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) vẫn còn hoạt động và đang chuyển sang các dòng sản phẩm tiêu thụ nội địa thay vì các sản phẩm xuất khẩu như trước kia. Các DN đã thực hiện rà soát và thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh từ bán hàng, marketing, sản xuất đến tài chính… để phù hợp với bối cảnh sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa hiện nay.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, Việt Nam là một trong những nước thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên về lâu dài, khi DN hướng về thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, DN làm chủ thị trường đất nước, giảm phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài.

Đối với những DN có quy mô lớn, thị trường nội địa sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu. Dù vậy, việc hướng về “sân nhà” cũng tạo được cho DN một thị trường ổn định để duy trì sản xuất, duy trì lao động, khi thị trường thế giới ổn định hơn thì đây sẽ là nền tảng để DN bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ. Đặc biệt là trong thời gian trước mắt, thị trường thế giới còn rất nhiều biến động, đó là trở ngại để các DN xuất khẩu hàng hóa - ông Nam nhận định.

Ở góc độ DN, nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm nội nói chung không thua sản phẩm ngoại ở chất lượng nhưng thua về “độ phủ” thương hiệu lên nhận thức của người tiêu dùng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, trước mắt, để có thể làm tốt việc mở rộng thị trường nội địa, DN cần đảm bảo đạt chuẩn hàng hóa đề giữ uy tín, cũng cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội. Trong thời điểm khó khăn, ngoài việc xây dựng thương hiệu tốt, chất lượng hàng hóa hướng đến yếu tố “xanh” là sự ưu tiên hàng đầu giúp DN giữ được thị trường.

Trong khi tình hình xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục, thị trường nội địa được đánh giá có độ ổn định và đặc biệt có “sức chống chịu” tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu. Với dân số gần 100 triệu, tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ. Việc thay đổi chiến lược sang hình thức online, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa sẽ giúp DN tạo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Bên cạnh nỗ lực của DN, Chính phủ đã có những biện pháp để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường nội địa. Trong đó, Chính phủ đã kịp thời đưa ra nhiều gói hỗ trợ tín dụng cho các DN và tới nay quy mô gói tín dụng đã lên tới 650.000 tỷ đồng. Đồng hành chia sẻ khó khăn cho DN, các Bộ ngành cũng đều có những chính sách cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi… cho DN; Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất Chính phủ giảm giá điện, tiền điện 10% trong 3 tháng cho DN và người dân… nhằm tháo gỡ một phần khó khăn, giúp DN hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19. 

5 tháng đầu năm 2020, cả nước có có 26.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. DN hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng…