CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết đủ vốn lãi suất thấp cho nền kinh tế

Invest Global 08:51 11/04/2020

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid - 19 diễn ra sáng nay (10/4).

Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết đủ vốn với lãi suất thấp cho nền kinh tế

Sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì ổn định vĩ mô, trong đó tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Trong công tác điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để ứng phó với các tác động quốc tế cũng như diễn biến trong nước. Trong 3 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, tỷ giá VND biến động trong biên độ khoảng 1,3 - 1,5%; có thể nói là ổn định so với sự biến động rất mạnh của tỷ giá các đồng tiền một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thị trường ngoại hối của Việt Nam hoạt động thanh khoản được đảm bảo, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng.

“Ngân hàng Nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết liên quan đến các diễn biến bất lợi. Từ đầu năm đến nay, chúng ta chưa phải can thiệp ngoại tệ vào thị trường. Với nguồn lực dự trữ của Việt Nam hiện nay trên 84 tỷ đô la, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nhấn mạnh.

“Thời gian tới, ngành ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước quyết tâm và tập trung các nỗ lực để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa để đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện tiếp tục các giải pháp phục hồi sau dịch bệnh”, Thống đốc nói.

Về điều hành tín dụng và lãi suất, Thống đốc cho biết, đến ngày 31/3/2020, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm. Đây là tín hiệu tương đối khả quan vì tín dụng hầu như không tăng trong 2 tháng đầu năm, đến tháng 3 đã có bước tăng trưởng tích cực.

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900 nghìn tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng dự báo khoảng 11-14%.

Trong bất cứ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hoạt động ngân hàng để đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.

Chủ động thực hiện ngay các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Để đối phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Ngân hàng Nhà cũng đã chỉ đạo, có các giải pháp rất mạnh về lãi suất, ban hành các quy định đầy đủ.

Về lãi suất, từ cuối năm 2019 và đặc biệt từ tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động kịp thời điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành ở mức giảm khá mạnh từ 0,5-1% các mức lãi suất điều hành. Bên cạnh việc tập trung đáp ứng vốn tín dụng cho người vay vốn, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện một số các biện pháp ngay để hỗ trợ DN và người dân, đặc biệt là ban hành Thông tư 01 tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ kể cả khoản gốc và lãi đối với khoản vay đến hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23/1/2020 (là ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố dịch) cho đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch mà không bị chuyển nợ quá hạn không phải trả gốc, lãi trong giai đoạn này và vẫn tiếp tục được vay mới.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai minh bạch các thủ tục điều kiện với khách hàng và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Đây là những giải pháp quan trọng, cần thiết để hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp và khách hàng vay vốn tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh còn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Thông đốc cho biết sẽ tiếp tục chủ động chỉ đạo trực tiếp chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc các tổ chức tín dụng yêu cầu tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, tổ chức triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; Tiếp tục yêu cầu cắt giảm chi phí hoạt động, lương, thưởng, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, không chia cổ tức bằng tiền mặt, tập trung mọi nguồn lực nhằm giảm mạnh lãi suất cho vay, miễn giảm phí thanh toán qua hoat động ngân hàng, qua đó hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn.

Chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, các đơn vị có liên quan trên địa bàn toàn quốc nắm bắt khó khăn, vướng mắc, qua đó kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với doanh nghiệp, người dân.

Thống đốc cũng cho biết thêm, sau khi Ngân hàng Nhà nước làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng, các đơn vị đã đồng thuận rất cao để giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới.

Kết quả triển khai cho đến nay, đối với các tổ chức tín dụng, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng, cho vay mới với doanh số cho vay khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước thì tác động của dịch với đối với dư nợ của hệ thống ngân hàng hiện nay là khoảng 2 triệu tỷ đồng, tức là 23% dư nợ hiện hữu của hệ thống ngân hàng có thể chịu tác động của dịch bệnh. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đồng hành cùng với khách hàng vay vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp, người dân vay vốn để tiếp tục có các giải pháp triệt để và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với trên 40.000 khách hàng với dư nợ tín dụng khoảng 1400 tỷ đồng. Cho vay mới với hơn 275.000 khách hàng, doanh số cho vay là khoảng 12.000 tỷ đồng. 

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước với sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đảm bảo cung ứng và cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho nền kinh tế với lãi suất thấp hơn; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị tường trong nước và quốc tế để có các điều chỉnh về chính sách tiền tệ mạnh hơn nữa nếu cần thiết. Ngành ngân hàng cũng sẽ khẩn trương xem xét chỉnh sửa các quy định của pháp luật nếu cần để đáp ứng nhanh các yêu cầu phòng chống dịch bệnh trong hệ thống ngân hàng.

An Hạ