CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư tiếp tục gây tranh cãi

Invest Global 15:18 14/08/2023

Sau nhiều lần trì hoãn và tiếp thu ý kiến các đơn vị, đề xuất mới nhất của Bộ Giao thông vận tải vẫn không tránh khỏi nhiều quan điểm trái chiều...

Tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thí điểm thu phí 9 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025. Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm.

Tại tờ trình mới nhất gửi Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí, với hiệu quả và tính khả thi cao hơn phương án thu theo cơ chế giá; đồng thời, bổ sung loại phí này vào Danh mục Phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí. 

Trong đề xuất mới nhất, thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được áp dụng theo cơ chế phí và do Chính phủ quyết định. Phí này được áp dụng trên tất cả các tuyến đường do Nhà nước đầu tư thay vì thí điểm trong 5 năm với 9 tuyến cao tốc như đưa ra trước đó.  

“Số tiền phí thu được sẽ nộp ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách, trong đó, ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đồng thời, thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác”, Bộ Giao thông vận tải lý giải trong đề xuất.

NHIỀU QUAN ĐIỂM TRÁI CHIỀU, CẦN TÍNH TOÁN KỸ LƯỠNG

Theo Bộ Giao thông vận tải, mức thu phí được xác định trên ba nguyên tắc cơ bản.

Nguyên tắc thứ nhất, phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc;

Nguyên tắc thứ hai, được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước;

Nguyên tắc thứ ba, được tính toán theo từng đoạn, tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế xã hội theo từng khu vực.

Nguyên tắc phân chia số tiền thu được đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phân chia theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư tham gia vào dự án.

Như vậy, nếu Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư được Quốc hội ban hành, những tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư thời gian qua không thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí mà chỉ quản lý, bảo trì, cũng có thể nằm trong danh sách thu phí, bao gồm: đường Láng - Hòa Lạc dài 30 km; đường Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) dài 64 km; đường Nội Bài - Nhật Tân dài 15 km; đường Mai Dịch - Thanh Trì (Vành đai 3 - TP.Hà Nội) dài 28 km...

Tuy nhiên, nhiều quan điểm trái chiều về việc thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy ghi nhận.

Đưa ra lý lẽ phản bác và cho rằng không nên thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), Bộ Giao thông vận tải viện dẫn lý do nhu cầu xây dựng hàng nghìn km đường cao tốc sắp tới đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nhưng ngân sách hạn hẹp, khó khăn tái đầu tư.

PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế.
PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế.

"Thực tế cho thấy, dù nguồn lực rất có hạn, không đủ nhưng việc sử dụng lại không có hiệu quả. Theo số liệu của Đoàn giám sát Quốc hội, sai phạm tại các dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 lên đến gần 32.000 tỷ đồng.

Trong khi nguồn lực có hạn, lại đầu tư lãng phí, thất thoát, thiếu hiệu quả, hay rất nhiều đường cao tốc chưa làm đã hỏng, chất lượng rất kém là điều đáng bàn”.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, do nguồn lực Nhà nước có hạn cho nên phải huy động bằng rất nhiều hình thức khác như PPP, BOT chứ không phải đổ dồn gánh nặng lên ngân sách.

Đầu tư PPP thời gian vừa qua để lại rất nhiều khuyết tật, khiến nhà đầu tư không mặn mà với hình thức này nên phải sớm tháo gỡ và hoàn thiện chính sách.

Hơn nữa, trong bối cảnh trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp, người dân cực kỳ khó khăn, đặc biệt với doanh nghiệp tư nhân và người lao động thu nhập thấp, Chính phủ hiện đang tiết kiệm chi tiêu, Quốc hội thông qua chính sách giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ nền kinh tế, rõ ràng, việc bổ sung khoản phí mới là chưa phù hợp.

Ngoài ra, khi ban hành một chính sách mới, các cơ quan chức năng phải đưa ra mục tiêu rõ ràng, phải khảo sát cụ thể, phân tích tác động, hệ quả, chứ không thể thông tin chung chung.

Một điểm nữa cần lưu ý là hiện tất cả các loại xe ô tô đã đăng ký lưu hành đều phải nộp phí sử dụng đường bộ, kể cả xe không tham gia giao thông, nhằm bảo trì và nâng cấp đường bộ. Đến nay lại thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư chắc chắn sẽ gây quan ngại vì phí chồng phí.

Mặt khác, Nhà nước đầu tư bằng tiền thuế của dân, nay người dân sử dụng lại thu thêm lần nữa là vô lý, chồng chéo.

“Thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư bị phản đối nhiều năm, phí này không nên thu chứ không phải lùi. Lùi có nghĩa rằng phí này là hợp lý nhưng vì điều kiện khó khăn chưa nên thu. Với những phân tích nêu trên, tôi cho rằng rõ ràng không nên thu”, ông Long nhìn nhận.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư là điều cần thiết do đem lại nhiều lợi ích nhưng cần giảm phí bảo trì đường bộ và minh bạch rõ nguồn thu.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết bởi nếu không thu phí, phương tiện sẽ tập trung gây ùn tắc tuyến đường, hay có thể phá vỡ phương án tài chính của các công trình khác khi đổ dồn sang chạy trên tuyến này. Chẳng hạn, việc dừng trên tuyến đường TP. HCM - Trung Lương cho thấy nhiều bất hợp lý. Do đó, Nhà nước cần thu phí để có thêm nguồn vốn để đẩy mạnh việc đầu tư ở các tuyến khác.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

"Nhà nước nên đấu giá quyền thu phí công khai, minh bạch và giao cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí hưởng bao nhiêu phần trăm để chi trả chi phí tổ chức thu, còn lại nộp vào ngân sách để hoàn vốn cho công trình.

Nhà nước cũng cần xem xét thu phí ở tuyến nào và không thu tuyến nào, chứ không nhất thiết phải thu trên tất cả các tuyến do Nhà nước đầu tư".

Dù đồng tình nhưng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng cần phải xem xét kỹ thu những tuyến đường nào, thu phí ở mức bao nhiêu, cần nghiên cứu để có mức thu phù hợp với khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp. Phí do Nhà nước định giá nhưng cũng phải dựa trên cơ sở tính toán chi phí đầu tư, lưu lượng phương tiện và hài hòa với mức thu phí của những tuyến đường có thể lựa chọn thay thế.

VÌ SAO CẦN PHẢI THU PHÍ CAO TỐC DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ?

Chia sẻ gần đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ được đưa vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ. “Trên thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng, để đầu tư cho hạ tầng cần huy động rất nhiều phương thức, trong đó có phương pháp Nhà nước đầu tư xây cao tốc rồi thu phí để hoàn vốn”, ông Huy cho hay.

Khi Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới, song song vẫn có các tuyến đường quốc lộ. Người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc hoặc đường quốc lộ. Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tính toán mức thu phí một cách khoa học, minh bạch, đảm bảo chi trả của người dân. Cùng với đó, tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, từ các chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành…

Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay nhu cầu đầu tư hạ tầng đường bộ cao tốc rất lớn...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2023 phát hành ngày 14-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư tiếp tục gây tranh cãi - Ảnh 1

Ý kiến chuyên gia