CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thứ trưởng Bộ Công Thương nói gì về con số nhập siêu 2 tỷ USD?

Invest Global 08:50 19/06/2021

Liên quan tới con số Việt Nam nhập siêu 2 tỷ USD trong tháng 5/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân chủ yếu là nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, xuất khẩu nên không đáng quan ngại và không có gì bất thường. 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt hơn 131 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 131,6 tỷ USD (tăng gần 37% so với cùng kỳ). Nhưng khác với 4 tháng trước Việt Nam xuất siêu 1,63 tỷ USD thì sang tháng 5 đã nhập siêu 2 tỷ USD. Tính chung 5 tháng Việt Nam nhập siêu gần 370 triệu USD.

Việt Nam nhập siêu 2 tỷ USD tháng 5/2021.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong 5 tháng qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí quý IV năm nay... nên nhập khẩu tăng là tất yếu.

Với nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nhóm trong 5 tháng đầu năm đạt gần 8,5 tỷ USD, chiếm gần 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Do vậy, cán cân thương mại thâm hụt không phải do gia tăng nhập khẩu các mặt hàng không được khuyến khích.

Năm 2021, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với 2020. Thường những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sẽ tăng, nên cán cân thương mại hàng hoá có thể sẽ cân bằng lại vào những tháng tới.

"Do vậy, nhập siêu trở lại trong tháng 5 là không đáng quan ngại và không có gì bất thường, bởi nhập siêu chủ yếu do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, tới 90%", ông Hải nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại.

Bộ Công Thương cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết từ các hiệp định FTA, xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tháo gỡ các rào cản thâm nhập thị trường mới.

Trả lời câu hỏi về vấn đề xuất khẩu bền vững, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Mặt khác, Việt Nam cũng phải làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu…

Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này.

Nhập khẩu đường Thái Lan giảm 75% nhờ áp thuế chống bán phá giá 

Liên quan tới tác động của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng đường mía Thái Lan, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã có Quyết định 1578 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía xuất xứ từ Thái Lan.

Bộ Công Thương đã xem xét kỹ lưỡng việc phá giá hay trợ cấp của phía Thái Lan thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, tác động kinh tế xã hội, kể cả tác động tới các doanh nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm đường mía.

Kết quả điều tra cho thấy, đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã bán phá giá ở mức 42,99 %, được trợ cấp mức 4,65 %. Tổng cộng mức độ bán phá giá và trợ cấp là 47,64%.

Nguyên nhân chính của việc ngành mía đường trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian qua là do lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan gia tăng đột biến lên tới 1,3 triệu tấn năm 2020 và tăng 330,4% so với năm 2019.

Kể từ khi áp thuế sơ bộ (2/2021), Bộ Công Thương đánh giá, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường.

Cụ thể, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 cho tới thời điểm này giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110 nghìn tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28 nghìn tấn, giảm 75%. Việc này đã làm giảm tác động cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước và từ đó giúp giá đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100 - 200 nghìn đồng/tấn. Qua đó, giúp người nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía.

Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường, tại nhiều địa phương, người nông dân đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía cho niên vụ 2021 – 2022 sắp tới. Bên cạnh đó, cung - cầu trên thị trường được ổn định, giá đường trong nước có nhích lên nhưng trong mức độ chấp nhận được và cũng trong phương án tính toán.

Nhật Linh