CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân 24 tỉnh, thành phố gồm: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang, Long An, Phú Yên, Kiên Giang, Ninh Thuận.
Công điện nêu rõ: "Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng nhanh và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, diện tích sầu riêng đã đạt gần 180.000 ha, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 3,2 tỷ USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Diện tích sầu riêng tăng bình quân 19,5%/năm trong giai đoạn 2015 - 2024 và tiếp tục có xu hướng mở rộng nhanh".
Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam ở một số thời điểm gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quy mô xuất khẩu, giá trị gia tăng, lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguyên nhân chính là do một số quốc gia đã áp dụng thêm một số biện pháp kiểm soát bổ sung đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp; tình trạng mở rộng, gia tăng nhanh diện tích sầu riêng tại một số địa phương đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng.
Để chủ động ứng phó với những khó khăn trên, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm sản xuất, xuất khẩu sầu riêng ổn định, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung phát triển sầu riêng theo Đề án cây ăn quả chủ lực đến năm 2025, 2030, đảm bảo cung cầu và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước, xuất khẩu. Đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường mới cho sầu riêng Việt Nam.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo hướng minh bạch, khả thi, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế; hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, bền vững (hoàn thành trong quý 3/2025).
“Bộ Nông nghiệp và Môi trường Tiăng tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, bảo quản và truy xuất nguồn gốc; chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh. Phối hợp với Hải quan Trung Quốc (GACC) về công nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và phòng thử nghiệm; thống nhất quy trình thông quan thuận lợi”, Công điện nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo lực lượng kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu bảo đảm nhân lực, thiết bị trong cao điểm thu hoạch; nâng cao năng lực các phòng thử nghiệm phục vụ xuất khẩu. Tái cơ cấu ngành hàng sầu riêng theo hướng nâng chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững; mở rộng diện tích vùng trồng hiệu quả, tăng sản phẩm chế biến sâu, giảm phụ thuộc xuất khẩu quả tươi.
Triển khai chương trình giám sát chặt chẽ việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm dịch từ gốc. Phối hợp với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng chuỗi liên kết bền vững, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, xây dựng thương hiệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc chặt chẽ.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia cho sầu riêng Việt Nam, phát triển hệ thống nhận diện và tiêu thụ qua kênh bán lẻ, thương mại điện tử, quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và kết nối doanh nghiệp.
Bộ Tài chính chỉ đạo tạo thuận lợi thông quan sầu riêng, nghiên cứu hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế cho doanh nghiệp chế biến, bảo quản và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch.
Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý gian lận mã số vùng trồng, vi phạm xuất khẩu; phối hợp đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng và thị trường.
Về phía địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành có vùng trồng sầu riêng quản lý diện tích trồng mới hợp lý, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, kiểm soát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; khuyến khích chuỗi liên kết, đầu tư vào chế biến sâu, kho lạnh, logistics; đẩy mạnh giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng hệ thống giám sát nội bộ.
Theo Công điện, Văn phòng Chính phủ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.