CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thủ tướng: Có chính sách đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên công nghệ gia hàng đầu

Invest Global 09:11 21/07/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nội vụ xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.

Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06, đề cập tại phiên họp lần thứ 3 sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ nửa cuối năm vào ngày 20/7.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, đến nay còn 75 nhiệm vụ chậm tiến độ được giao thuộc trách nhiệm của 9 bộ, ngành. Thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy KHCN, ĐMST, CĐS chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nguồn nhân lực còn hạn chế.

Hành chính còn rườm rà, người dân, doanh nghiệp còn vất vả; việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm, mới đạt 18%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình còn thấp (mục tiêu đề ra năm 2025 là 80% nhưng mới đạt 39,51%, các tỉnh mới đạt 15,21%). Công tác hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền chưa hiệu quả, xuất hiện tình trạng "cò làm giấy tờ"…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với phương châm "bộ máy tinh gọn - dữ liệu kết nối - quản trị thông minh", Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương 2 cấp phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ ngành, cơ quan, địa phương mình, bảo đảm "đúng đủ sạch sống".

Đồng thời, khẩn trương thiết lập công cụ quản lý trực quan, hệ thống chỉ số (KPI) định lượng để đánh giá các nhiệm vụ được giao liên quan phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.

"Về chỉ đạo, điều hành, đây là khâu then chốt, nói đi đôi với làm, làm có kết quả, tạo chuyển biến rõ nét trong thực tế, làm đến cùng, làm ra sản phẩm, chấm dứt tình trạng đánh trống bỏ dùi", Thủ tướng yêu cầu.

Đối với nhóm rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, sửa đổi Nghị định số 82/2024 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm thủ tục đầu tư nhanh chóng; đề xuất cơ chế khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai các sản phẩm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học; triển khai chiến lược thu hút nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050, hoàn thành trong tháng 9.

Đối với nhóm phát triển KHCN, ĐMST - động lực quan trọng, then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 7; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài KHCN, ĐMST, CĐS trong và ngoài nước; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc, hoàn thành trong tháng 8...

Chấm dứt ngay tình trạng "cò làm giấy tờ"

Đối với Đề án 06, Bộ Công an đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, sớm hoàn thành 40/61 tiện ích trên nền tảng VNeID phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xã hội; triển khai liên thông đơn thuốc từ các bệnh viện đến hệ thống điều phối dữ liệu y tế, nhà thuốc để tích hợp đồng bộ trên VNeID, người dân được liên thông dữ liệu đơn thuốc và nhận thuốc tại nhà, thí điểm từ tháng 8 và triển khai chính thức trong tháng 9.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết, ít nhất 30% chi phí tuân thủ, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh trong năm 2025.

"Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng "cò làm giấy tờ" tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công", Thủ tướng nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về kinh phí và nguồn nhân lực, Thủ tướng giao Bộ Tài chính bố trí đủ ngân sách Nhà nước theo đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương; ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, liên ngành, liên vùng, có tính đột phá và lan tỏa.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần tổ chức triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đúng đối tượng với lãi suất thấp gói tín dụng 500.000 tỷ đồng nhằm thúc đẩy đầu tư vào KHCN, ĐMST, CĐS và hạ tầng chiến lược.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ, dự án KHCN, ĐMST, CĐS có mục tiêu, sản phẩm đầu ra cụ thể, khả thi, tránh dàn trải, hình thức; ưu tiên các dự án CĐS phục vụ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo trực tuyến trên nền tảng "bình dân học vụ số".

"Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nội vụ đề xuất danh sách tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KHCN, ĐMST, CĐS và Đề án 06 trình Thủ tướng xem xét, khen thưởng, động viên kịp thời", Thủ tướng cho hay.

Doanh nghiệp - Doanh nhân