CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thủ tướng sắp dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS

Invest Global 09:34 04/07/2025

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách Nước đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS...

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hoà Liên bang Brazil Lula da Silva, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hoà Liên bang Brazil từ ngày 4 đến ngày 8/7/2025.

Trả lời phỏng ván báo chí về chuyến công tác này của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều biến chuyển mạnh, chuyến công tác lần này của Thủ tướng, với các hoạt động đa dạng cả trên bình diện song phương và đa phương, sẽ tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Chuyến thăm cũng đồng thời thiết thực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

"Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách Nước đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, một cơ chế hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn cả về kinh tế và chính trị", Thứ trưởng cho biết.

Theo bà, việc Việt Nam trở thành Nước đối tác của BRICS, cũng như tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khẳng định vai trò và đóng góp trách nhiệm tại các cơ chế đa phương với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên BRICS.

Với chủ đề “Tăng cường hợp tác phương Nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn,” Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025 là một trong những sự kiện đa phương quan trọng, có sự tham dự của khoảng 20 Lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng thư ký Liên hợp quốc và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết chuyến thăm sẽ là dịp để Việt Nam chuyển tải 3 thông điệp lớn, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp nối các hoạt động đối ngoại đa phương cấp cao sôi động của Đảng, Nhà nước Việt Nam từ đầu năm đến nay, chuyến công tác là dịp để Việt Nam một lần nữa khẳng định thông điệp của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển cũng như quyết tâm và khát vọng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Chủ đề của Hội nghị là những vấn đề được cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước đang phát triển quan tâm hiện nay như tăng cường chủ nghĩa đa phương, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững trên cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường...

Việc tham dự Hội nghị cũng là cơ hội để Việt Nam tham gia chủ động, tích cực vào quá trình thúc đẩy quản trị toàn cầu bao trùm, bền vững, nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức hiện nay, cũng như trao đổi kinh nghiệm, quan điểm, tầm nhìn, thực tiễn về phát triển, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với ưu tiên và lợi ích của ta.

Thứ hai, ở góc độ song phương, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp, chuyến thăm tiếp tục khẳng định Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy” của bạn bè quốc tế.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ là một “cầu nối” đối ngoại quan trọng nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Brazil cũng như nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam ở khu vực Trung và Nam Mỹ.

Cuối cùng, chuyến thăm là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các khu vực có nhiều tiềm năng, thu hút tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các quốc gia thành viên BRICS, các quốc gia khách mời tham dự Hội nghị Thượng định BRICS là những quốc gia có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống của Việt Nam. Brazil là nước có quan hệ Đối tác chiến lược, có những thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu bổ trợ, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.

Với Brazil, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh sau hơn 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển tốt đẹp.

Brazil hiện  là đối tác chiến lược toàn diện quan trọng, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh với kim ngạch hai chiều năm 2024 đạt gần 8 tỷ USD.

Tiếp nối thành công của các chuyến thăm cấp cao gần đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 (tháng 11/2024) và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Brazil Lula da Silva (tháng 3/2025), hai bên tiếp tục duy trì, thúc đẩy nhiều cơ chế đối thoại song phương, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp.

Các lĩnh vực hợp tác quan trọng khác như nông nghiệp, năng lượng, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... cũng được các nhà lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm, là những trụ cột quan trọng cho Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước giai đoạn 2025-2030.

"Đặc biệt hơn, chuyến thăm sẽ là cơ hội để hai nhà lãnh đạo trao đổi các định hướng lớn nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thực hiện hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp hiện nay", Thứ trưởng cho biết.

BRICS là một nhóm gồm nền kinh tế mới nổi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới. Nhóm này được thành lập năm 2009 với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, sau đó kết nạp thêm Nam Phi, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Indonesia.

Tháng 6/2025, Việt Nam trở thành Nước Đối tác thứ 10 của BRICS, bên cạnh Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan.