CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thương chiến tăng nhiệt khi Trung Quốc cảnh báo sẽ trả đũa các nước về phe Mỹ cô lập Bắc Kinh

Invest Global 09:13 22/04/2025

Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định nước này quyết tâm và đủ năng lực bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước việc Mỹ tăng thuế quan.

Hôm 21/4, Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ đáp trả các nước đứng về phía Mỹ mà gây tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh, khiến các nước khác bị cuốn vào căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất.

"Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ bên nào đạt được thỏa thuận [với Mỹ] mà gây tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ không chấp nhận và kiên quyết đáp trả. Trung Quốc quyết tâm và đủ năng lực bảo vệ quyền và lợi ích của mình", Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.

Bắc Kinh cũng cảnh báo nguy cơ các nước đều trở thành nạn nhân khi thương mại quốc tế trở về thời "luật rừng", nơi chỉ kẻ mạnh nhất sống sót.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng. Ảnh: ChatGPT

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thể hiện thiện chí hợp tác với tất cả các bên và “bảo vệ sự công bằng quốc tế”, đồng thời nêu tên các hành động của Mỹ là “lạm dụng thuế quan” và “đơn phương bắt nạt”.

Lời cảnh báo của Trung Quốc được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là có kế hoạch sử dụng các cuộc đàm phán về thuế quan nhằm gây sức ép với các đối tác của Mỹ hạn chế giao dịch với Trung Quốc.

Chính quyền Trump mới đây đã tạm hoãn áp thuế quan mới lên các nước trong vòng 90 ngày, đồng thời tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%. Đáp trả lại, Trung Quốc đã nâng thuế quan lên 125% đối với hàng hóa nhập từ Mỹ.

Theo CNBC, giới phân tích không kỳ vọng hai cường quốc sẽ sớm đạt được một thỏa thuận, dù Tổng thống Trump tuần trước cho biết thỏa thuận như vậy sẽ đạt được trong vòng 3-4 tuần tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước đã công du 3 nước gồm Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Trong tuyên bố của Trung Quốc sau các cuộc gặp của ông Tập với lãnh đạo 3 nước trên, ông Tập đều kêu gọi nỗ lực chung để phản đối thuế quan và "hành động bắt nạt đơn phương".

Trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân ngày 14/4, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: "Chiến tranh thương mại và chiến tranh thuế quan không có bên thắng, chủ nghĩa bảo hộ không có lối thoát. Cần kiên định bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, giữ gìn bền vững sự ổn định của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, giữ gìn bền vững môi trường quốc tế cởi mở và hợp tác".

Trung Quốc phản ứng với thuế quan Mỹ

Kể từ khi ông Trump áp thuế quan lên Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu (2017-2021), Trung Quốc đã tăng trao đổi thương mại với Đông Nam Á, hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc theo khu vực. Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh tính theo nước đơn lẻ.

Sau khi nâng thuế lên 125% đối với hàng hóa Mỹ, Trung Quốc đã tuyên bố không đáp trả thuế quan Mỹ nữa, cho rằng mọi hành động tăng thuế từ phía Mỹ là vô nghĩa và Bắc Kinh sẽ "phớt lờ" chúng.

Bắc Kinh tuyên bố hạn chế xuất khẩu khoáng sản thiết yếu và đưa một số công ty Mỹ vào danh sách hạn chế làm ăn với đối tác Trung Quốc. Để xuất khẩu khoáng sản quan trọng, các công ty Trung Quốc sẽ phải có giấy phép đặc biệt, qua đó hạn chế Mỹ tiếp cận các khoáng sản cần cho bán dẫn, hệ thống phòng thủ tên lửa và pin năng lượng mặt trời.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng yêu cầu các hãng hàng không của nước này không tiếp nhận thêm máy bay từ Boeing và dừng mua các thiết bị, phụ tùng liên quan đến máy bay từ các công ty Mỹ.

Thay vì tiếp tục tăng thuế lên hàng hóa Mỹ, Trung Quốc lại nhắm đến các biện pháp phi thuế quan, bao gồm mở các cuộc điều tra chống độc quyền đối với các công ty Mỹ như công ty dược DuPont và hãng công nghệ Google.

Bắc Kinh cũng đáp trả bằng cách hướng các biện pháp hạn chế các dịch vụ của Mỹ, bao gồm du lịch, các dịch vụ pháp lý, tư vấn và tài chính.

Theo ước tính của Nomura, Trung Quốc nhập khẩu dịch vụ của Mỹ gấp 10 lần trong vòng 2 thập kỷ qua, đạt 55 tỷ USD vào năm ngoái, giúp Mỹ đạt thặng dư thương mại dịch vụ 32 tỷ USD với Trung Quốc.

Mới đây, Trung Quốc cho biết sẽ giảm nhập khẩu phim ảnh Mỹ và cảnh báo công dân nước này không đi du lịch hay học tập ở Mỹ.

Nói về giải pháp cho chiến tranh thương mại, GS. Lâm Nghị Phu, Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc mới, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết, các nước nên hợp tác, cùng nhau "đáp trả Mỹ".

Dù không loại trừ khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ tách rời hoàn toàn về kinh tế, nhưng ông Lâm kỳ vọng hai nước sẽ vẫn giao thương với nhau do sự phụ thuộc của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đối với Trung Quốc.

Ở một diễn biến khác, Bộ Thương mại Trung Quốc tuần trước đã bổ nhiệm ông Lý Thành Cương (Li Chenggang), 58 tuổi, cựu Trợ lý Bộ trưởng Thương mại, làm nhà đàm phán thương mại mới của Trung Quốc, thay thế ông Vương Thụ Văn. Theo đó, Ông Lý sẽ trở thành thành viên chủ chốt trong nhóm đàm phán thương mại của Trung Quốc khi Bắc Kinh giải quyết các xung đột với Mỹ.

Ông Lý Thành Cương hiện là Đại sứ Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã khởi kiện Mỹ lên WTO về việc chính quyền Trump tăng thuế quan.