CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tích cực “bơm” vốn cho nền kinh tế

Invest Global 14:33 24/11/2021

Quan điểm của cơ quan điều hành thời gian tới là sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống tiêu dùng chính đáng của người

Kích cầu tín dụng với lãi suất ưu đãi

Cùng với việc dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát ở nhiều địa phương, đất nước bước vào giai đoạn thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đang bắt nhịp trở lại. Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cá nhân và doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đang rất tích cực đưa gói tín dụng với lãi suất ưu đãi ra thị trường khi nhu cầu vốn vay gia tăng trở lại vào dịp cuối năm. Như VietinBank ra mắt “Giải pháp tài chính toàn diện ngành thương mại phân phối” chia sẻ với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. OCB triển khai gói hỗ trợ tín dụng 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,99%/năm dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ với doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm. Eximbank dành 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD (lãi suất từ 5,1%/năm đối với VND và 2%/năm với USD) cho các DNNVV có nhu cầu bổ sung vốn lưu động…

Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cũng thông tin, trong năm 2021, BIDV triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay đối với khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch. Đặc biệt, chương trình “Đồng hành cùng ngành Y, chung tay vượt đại dịch” của BIDV đã dành riêng gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng (gồm vay phục vụ tiêu dùng gói 5.000 tỷ đồng và vay phục vụ nhu cầu nhà ở 20.000 tỷ đồng) cho đối tượng là các cán bộ y tế đang công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc. Trong khoảng hơn ba tháng triển khai, ông Lâm cho hay, ngân hàng đã giải ngân được trên 4.000 tỷ đồng. Riêng phần 5.000 tỷ đồng tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống, không tài sản đảm bảo dành cho đối tượng này đã giải ngân gần hết gói.

tich cuc bom von cho nen kinh te Các ngân hàng đang nỗ lực cung ứng vốn rẻ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi

Lãnh đạo một số nhà băng chia sẻ, việc tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, áp dụng trong thời gian nhất định và tập trung cho từng đối tượng khách hàng là giải pháp hiệu quả hơn rất nhiều thay vì lãi suất giảm cào bằng cho toàn bộ khách hàng.

Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỷ đồng - tăng 8,72% so với cuối năm 2020. Theo bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế. “Tín dụng lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng trưởng khá, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn - trụ cột quan trọng - đạt trên 2,48 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ toàn hệ thống”, bà Giang cho biết. Các TCTD cũng đã cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với thời điểm trước dịch với doanh số luỹ kế đạt trên bảy triệu tỷ đồng.

Quan điểm của cơ quan điều hành thời gian tới là sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi thì các TCTD càng phải quan tâm đẩy mạnh khoa học công nghệ để ứng dụng mạnh mẽ hơn trong các hoạt động thanh toán, cho vay trực tuyến. Bên cạnh việc giao dịch tại quầy, theo lãnh đạo một NHTMCP, việc mang sản phẩm dịch vụ lên các kênh số (website, ứng dụng trên di động) để khách hàng có thể thực hiện được tối đa các nhu cầu qua online sẽ giúp khách hàng giảm thiểu thủ tục, gia tăng cơ hội tiếp cận kênh tín dụng chính thức một cách dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.

Chỉ tăng room cho TCTD hoạt động an toàn

Trước nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp cuối năm gia tăng, một trong những quan tâm hiện nay của thị trường là việc các ngân hàng có được NHNN cấp thêm room tín dụng hay không?

Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng nhận định, báo cáo tài chính quý III/2021 của các nhà băng công bố cho thấy, chất lượng tài sản không chịu ảnh hưởng quá mạnh, đây sẽ là cơ sở để NHNN sớm cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng có chất lượng tài sản và chỉ số an toàn tốt.

Dưới góc độ NHTM, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho rằng, quý IV/2021 cầu tín dụng tăng mạnh, NHNN có thể sẽ điều chỉnh bổ sung thêm room tín dụng cho một số nhà băng nếu như có khả năng sử dụng vốn tốt, chất lượng tài sản tốt. TS. Cấn Văn Lực cũng kiến nghị, trong bối cảnh cần thúc đẩy phục hồi kinh tế, NHNN nên cân nhắc xem xét việc tăng hạn mức tín dụng cho một số NHTM, song cũng đảm bảo là không tăng quá nhiều, chạy khoảng từ 12-14% là hoàn toàn phù hợp.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong điều hành của NHNN. Nhiều năm qua, NHNN hết sức quan tâm và điều hành tín dụng theo hướng gắn với chỉ tiêu định hướng từ đầu năm nhưng có điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế. Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát để có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nếu cần thiết một cách linh hoạt nhất.

Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, được ghi nhận là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, con số này thấp hơn chỉ tiêu 4% Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm 2022 là khá lớn do sức ép tăng giá nhiều loại nguyên vật liệu, hàng hóa cơ bản như xăng dầu khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Bởi vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cần phải thận trọng, song cũng rất linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Đó cũng là quan điểm điều hành của NHNN. Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương diễn ra hồi tháng 9/2021, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, cơ quan quản lý có thể tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, dựa trên nguyên tắc TCTD có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng cao hơn. NHNN luôn duy trì quan điểm tăng trưởng tín dụng bắt buộc phải gắn với duy trì chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn cho vay để tránh rủi ro nợ xấu và đảm bảo an toàn cho thị trường tiền tệ, hoạt động của các TCTD cũng như cả nền kinh tế.

Quan điểm điều hành của NHNN sẽ tiếp tục theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cố gắng sử dụng các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế trong đó có chỉ tiêu tín dụng, điều hành phù hợp để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế trước những tác động tiêu cực của đại dịch và phục hồi sớm nền kinh tế.

Ý kiến chuyên gia