CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

‘Tiếp sức’ đồng bộ để doanh nghiệp thoát rủi ro và hưởng lợi năm 2025

Invest Global 08:57 02/01/2025

Có những khó khăn, rủi ro vẫn chực chờ đến với các doanh nghiệp sản xuất nội địa trong năm mới 2025, từ thị trường tiêu thụ, cạnh tranh thấp, khó tiếp cận tín dụng, nặng gánh chi phí và thủ tục… Cho nên, rất cần chuyển biến mới từ cơ quan quản lý và hoạch định chính sách với việc “tiếp sức” đồng bộ, sát sườn hơn nữa, khơi thông các lợi thế, để có thể thoát rủi ro và hưởng lợi trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Khánh Trang (ở Tp.HCM), nói rằng để các doanh nghiệp (DN) sản xuất nội địa vượt qua khó khăn và được hưởng lợi, có đà tăng trưởng tốt thì khâu chính sách nên “tiếp sức” sát sao với thực tế sản xuất kinh doanh của họ.

Vẫn lo lận đận trên “ao làng”

Trao đổi với VnBusiness, ông Tuấn chỉ rõ bài học từ việc nhiều DN rút lui khỏi thị trường trong năm 2024 đã cho thấy chưa thể yên tâm về khả năng phục hồi của không ít ngành sản xuất trong nước. Họ gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, sức ép cạnh tranh gay gắt trên “sân nhà” từ hàng nhập khẩu giá rẻ, vẫn khó tiếp cận vốn vay…

-8681-1735687702.png

Những khó khăn, rủi ro vẫn chực chờ đến với các DN sản xuất nội địa trong năm 2025 và họ cần được “tiếp sức” đồng bộ hơn từ khâu chính sách.

“Vì thế, các nhà quản lý và khâu hoạch định chính sách phải lưu tâm nhiều đến những vấn đề này trong năm 2025 để hỗ trợ tốt hơn. Còn không, các DN sản xuất nhỏ và vừa sẽ tiếp tục loanh quanh, lận đận trên “ao làng” và khó vươn ra “biển lớn” như mong đợi”, ông Tuấn bày tỏ.

Đây cũng là mối quan tâm, trăn trở chung của nhiều DN sản xuất tại Tp.HCM cho năm mới 2025. Nếu thiếu đi chính sách “tiếp sức” cần thiết, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi ổn định và có được tốc độ tăng trưởng tốt. Như việc họ vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng và mức sinh lời của đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Thậm chí, họ còn có xu hướng thu hẹp sản lượng khi chưa xây dựng được khả năng cạnh tranh vững chắc trên thị trường.

Nên nhắc thêm, trong báo cáo thường niên kinh tế Tp.HCM được phát hành vào gần cuối tháng 12/2024, khi bàn về triển vọng kinh tế 2025, nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Tp.HCM và Cục Thống kê Tp.HCM có khuyến nghị Chính phủ cần phải nhanh chóng xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng mức giảm trừ gia cảnh. Điều này vừa hỗ trợ người dân vượt qua những cú sốc về giá cả và vừa thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tránh để nền kinh tế rơi vào vòng xoáy “tiêu dùng thấp-tổng cầu thấp-thu nhập thấp-tiêu dùng thấp”.

Nhìn ở góc độ của một thành phố lớn như Tp.HCM, nhóm nghiên cứu nêu trên cũng gợi ý là cần phải tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các DN trong nước. Thứ nhất, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các DN vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng để duy trì và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.  Do đó, Thành phố cần phải tìm ra những giải pháp để hỗ trợ các DN tiếp cận được tín dụng.

Thứ hai là Tp.HCM cần đẩy nhanh quá trình tinh gọn bộ máy hành chính để giảm thiểu thời gian, chi phí cho DN trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh. 

Không chỉ là vấn đề ở cấp độ địa phương như nêu trên, đối với DN ở các ngành hàng sản xuất trong cả nước cũng đang cần hóa giải những vướng mắc, rủi ro mà họ đối mặt. Và nếu có chính sách tiếp sức kịp thời và đồng bộ, sẽ giúp họ thoát khỏi rủi ro dễ dàng hơn, thậm chí tăng trưởng tốt hơn.

Như trong báo cáo phân tích mới đây về DN ngành phân bón Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán TPS lưu ý một trong những rủi ro chính của ngành hàng này trong năm 2025 là tiêu thụ phân bón, ngoài việc chịu ảnh hưởng của giá cả nguyên liệu đầu vào thì còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như: Biến động tỷ giá, chi phí vận chuyển, các quy định hạn chế sử dụng phân bón, lãi suất cao hay sự chậm hỗ trợ từ các chính phủ có thể ảnh hưởng quyết định gieo trồng của nông dân.

Chờ chuyển biến mới sát sườn hơn

Trong khi đó, xét về việc hưởng lợi, đưa ra dẫn chứng về việc dự thảo sửa đổi thuế Giá trị gia tăng (VAT) đưa phân bón vào diện chịu thuế 5% (Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với dự thảo) và luật ban hành sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2025, phía TPS nhận định sẽ là “điểm sáng” giúp thúc đẩy lợi nhuận và tăng tính cạnh tranh về giá bán cho các DN phân bón.

Bởi lẽ, việc đưa trở lại đánh thuế ngành phân bón 5% sẽ giúp các công ty phân bón hưởng lợi đáng kể từ giảm giá thành sản phẩm do được khấu trừ thuế tăng doanh thu hoặc có thể tăng được biên lợi nhuận nếu các công ty vẫn duy trì giá bán.

Hoặc như với các DN trong ngành hóa chất cơ bản, theo giới phân tích, trong năm 2025 sẽ đối mặt một trong những rủi ro chính là việc tiếp tục tăng giá điện trong tương lai làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh với sản phẩm các nước khác.

Điều đáng nói, do đặc thù sản xuất ngành hóa chất chuyên sử dụng lò điện nên chi phí điện năng tiêu thụ khá lớn. Chi phí điện chiếm 40% chi phí giá vốn trong sản xuất xút do quá trình điện phân. Và đối với phốt pho vàng (tùy thuộc công suất lò) thì chi phí điện năng chiếm tới 70% giá thành sản xuất photpho vàng.

Trong khi đó, giá điện Việt Nam đã tăng 7,5% trong năm 2023 và đến tháng 10/2024 đã điều chỉnh tăng thêm 4,8%. Rồi đến tháng 11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Điện sửa đổi, theo đó giá điện sẽ tăng theo cơ chế thị trường. Điều này có thể làm giảm sức cạnh tranh của DN nội địa trong ngành hóa chất với hàng nhập khẩu.

Hay như lĩnh vực chế biến thủy sản, khi bắt đầu bước vào năm 2025, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), kiến nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương cần tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho ngành hàng chủ lực này.

Chẳng hạn như thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) nhằm điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam. Hoặc như thúc đẩy các hoạt động mở rộng thị phần tại khu vực các nước Trung đông và thị trường Halal (các quốc gia Hồi giáo).

Ngoài ra, theo ông Nam, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đơn cử như Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục chỉ đạo ưu đãi lãi vay USD dưới 4% cho các DN xuất khẩu. Còn Bộ Tài chính cần giải quyết vướng mắc về thủ tục hoàn thuế Giá trị gia tăng đối với các dự án đầu tư mở rộng, dự án mới có phát sinh doanh thu.

Suy cho cùng, từ phản ánh, kiến nghị của DN, hiệp hội và các nhà nghiên cứu đang cần các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách tiếp tục suy ngẫm để có chuyển biến mới trong việc “tiếp sức” đồng bộ, sát sườn hơn cho các DN sản xuất trong nước thoát khỏi rủi ro và có thể hưởng lợi trong năm mới 2025.

                                                                                          Thế Vinh