CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
CTCP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) đã công bố Báo cáo tài chính quý 3/2024 khi quá hạn gần 1 tháng, với số lỗ sau thuế hợp nhất là 286 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty lỗ 110 tỷ đồng.
LỖ GỘP 7/9 QUÝ TỪ 2022 ĐẾN NAY
Pomina giải thích nguyên nhân là do nhà máy thép Pomina 3 (POM 3) và nhà máy Pomina 1 (POM 1) vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu chi phí quản lý, chi phí lãi vay. Công ty vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc, có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.
Có thể thấy, dù doanh thu chỉ suy giảm nhẹ khoảng 3% so với cùng kỳ nhưng Pomina vẫn tiếp diễn tình trạng bán hàng dưới giá vốn, với lỗ gộp quý này là 32 tỷ đồng.
Tính trong 9 quý từ quý 3/2022 đến nay, công ty lỗ gộp tới 7 quý, đặc biệt lỗ gộp liên tiếp 3 quý đầu năm 2024.
“Cú đấm” tiếp theo trong quý 3/2024 là chi phí tài chính tăng đột biến lên 206 tỷ (gồm 169 tỷ lãi vay).
Tính chung 9 tháng đầu năm, Pomina đạt 1.576 tỷ đồng doanh thu – giảm 47% và lỗ ròng 791 tỷ đồng. Nếu không có sự cải thiện đột biến về lợi nhuận trong quý cuối, Pomina sẽ có 3 năm lỗ liên tục với các khoản lỗ trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Điều này khiến cho con số lỗ lũy kế tính đến ngày 30/09/2024 đã lên tới 2.356 tỷ đồng và ăn mòn vốn chủ sở hữu còn hơn 500 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu lên 17,4 lần.
VIETINBANK ĐANG LÀ CHỦ NỢ LỚN NHẤT
Pomina đang có gần 5.500 tỷ đồng nợ và thuê tài chính ngắn hạn, cùng 719 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Phần lớn tài sản đang đọng lại ở chi phí xây dựng dở dang cho dự án lò cao và lò EAF (thuộc nhà máy POM 3) với giá trị 5.823 tỷ đồng. Đây là dự án luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại KCN Phú Mỹ.
2 chủ nợ (vay ngắn hạn) lớn nhất của Pomina là BIDV CN Tp.HCM (gần 1.700 tỷ) và Vietinbank CN Tp.HCM (hơn 2.600 tỷ). Các khoản vay được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và cổ phần.
Khoản vay dài hạn để đầu tư dự án lò cao cũng được tài trợ bởi Vietinbank, tổng số tiền được giải ngân là 1.035 tỷ đồng và tài sản đảm bảo là chính dự án này.
Pomina cũng cho biết nguyên nhân chậm nộp BCTC quý 3/2024 là do một trong các nhà máy gặp sự cố hệ thống server nên dữ liệu nhập chậm, dẫn đến việc thu thập về số liệu bị trễ.
Một sự kiện nổi bật trong quý 3 diễn ra vào ngày 10/9/2024. Pomina chính thức ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư với đối tác chiến lược là Công ty Thép Nansei Nhật Bản, và ký MOU (biên bản ghi nhớ) với một nhà đầu tư chuyên nghiệp khác – không tiết lộ tên - nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025.
Tại ĐHCĐ bất thường tháng 3/2024, Pomina từng công bố kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong đó, dự kiến thành lập một pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ khoảng 2.700 - 2.800 tỷ đồng (chiếm 40% cơ cấu vốn) và vốn vay ngân hàng khoảng 4.000 tỷ đồng (chiếm 60% cơ cấu vốn).
Trong đó, Pomina sẽ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của các nhà máy POM 1 và POM 3, nhằm đổi lấy 35% vốn điều lệ. Nhà đầu tư khác sẽ góp bằng tiền mặt để nắm giữ 65% cổ phần còn lại.
Theo kết quả định giá tài sản của hãng kiểm toán AFC và hãng tư vấn Savills, tổng giá trị tài sản của 2 nhà máy đem góp vốn là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, POM 1 được định giá là 336 tỷ đồng và POM 3 được định giá gần 6.358 tỷ đồng.
Công ty kỳ vọng thu hồi lại khoảng 5.100 - 5.800 tỷ đồng từ pháp nhân mới sau khi đã trừ đi phần vốn góp theo kế hoạch. Pomina cho biết sẽ dùng số tiền thu hồi được từ pháp nhân mới để trả nợ cho ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) khoảng 3.757 tỷ đồng và trả nợ cho nhà cung ứng khoảng 1.343 tỷ đồng.
Đây là phương án tái cấu trúc mới sau khi POM tạm dừng kế hoạch huy động 700 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phần (hơn 20% vốn điều lệ) cho đối tác Nansei (Nhật Bản). Theo kế hoạch ban đầu, số tiền huy động được từ đợt bán vốn này sẽ được dùng để khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho Công ty.
Hiện chưa có thêm thông tin mới về dự án tái cấu trúc.