CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn

Invest Global 14:20 09/04/2024

(Xây dựng) – Ngày 8/4, Bộ Xây dựng tổ chức Tọa đàm về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Tọa

(Xây dựng) – Ngày 8/4, Bộ Xây dựng tổ chức Tọa đàm về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Tọa đàm.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Tọa đàm.

Tập trung cụ thể hóa các chính sách lớn

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết: Về quan điểm, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể hóa các đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách lớn gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn, nguồn lực, kinh phí vá các quy định khác có liên quan nhằm đảm bảo chất lượng và tính khả thi.

Bên cạnh đó, quan điểm về đẩy mạnh phân cấp phân quyền đã được Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chỉ đạo xuyên suốt trong các dự thảo Luật. Từ đó, đưa ra các điều khoản để kiểm soát, giám sát việc thực hiện để tạo sự thống nhất trong triển khai từ Trung ương đến địa phương.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đóng góp ý kiến.

Luật sẽ được xây dựng trên cơ sở thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn tại Chương II Luật Xây dựng năm 2014 trong một luật với tên gọi “Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn”. Trong đó, tập trung bổ sung, hoàn thiện, giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch

Việc hoàn thiện văn bản pháp luật chính là cơ sở để xử lý nghiêm vi phạm về lâp, thâm định, phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch. Đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển đô thị bền vững…

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan đánh giá, đóng góp ý kiến các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi xây dựng luật; mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với các luật khác; phân cấp phân quyền cho các tổ chức, cá nhân; kinh phí, lựa chọn tổ chức tư vấn, trách nhiệm, điều kiện, năng lực; chính sách của nhà nước về quyền khai thác, tiếp cận thông tin trong quá trình quản lý, tổ chức quy hoạch phân khu.

Tại Tọa đàm, đại diện Vụ Quy hoạch - Kiến trúc trình bày khái quát dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Dự thảo đã được chỉnh lý, cập nhật thêm các nội dung.

Dự thảo gồm 5 chương, 61 điều; đề cập một số điểm mới như: Tăng cường phân cấp phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; quy định rõ về quy hoạch không gian ngầm; bổ sung quy định chặt chẽ điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, nguồn lực bảo đảm thực hiện quy hoạch, cụ thể hơn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn…

Có lộ trình trong việc đơn giản hóa lập quy hoạch phân khu

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đã đóng góp thêm nhiều ý kiến. Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cần phải khẳng định rõ sự cần thiết của việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Việc ban hành sẽ giúp đồng bộ các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; cụ thể hóa các nhiệm vụ đã được xác định. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của quy hoạch đô thị nông thôn ở các vấn đề về tốc độ đô thị hóa; chất lượng đổi mới, hội nhập; nông thôn phát triển đặc thù.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn TS. KTS Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam.

Bộ cần cụ thể hóa thêm về cơ sở pháp lý, bổ sung thêm các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; làm rõ thuật ngữ về nông thôn; giải thích vấn đề quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị va nông thôn; xem xét và tìm hiểu sâu thêm về điều chỉnh cục bộ, nội dung về chuyên gia tham gia Hội đồng thẩm định; làm rõ nội hàm cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước của các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, phải có lộ trình trong việc đơn giản hóa về lập quy hoạch phân khu đô thị, nên xem xét việc đô thị loại III vẫn phải lập quy hoạch phân khu.

Còn theo TS. KTS Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, cần có thêm yêu cầu các đồ án quy hoạch phải thể hiện được tính tầm nhìn, chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường. Về vấn đề nông thôn, cần xác định điểm tiến tới trở thành đô thị, hình thành khu sản xuất công nghệ cao, điểm tăng thành phần phi nông nghiệp của khu dân cư nông thôn.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan - nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

“Bộ cần xem xét các khái niệm về điểm dân cư nông thôn, khu dân cư nông thôn, để người thực hiện hiểu rõ khái niệm này. Bên cạnh đó cũng cần làm đậm nét hơn về tính liên kết giữa đô thị và nông thôn, phải đề cập trong quy hoạch để người làm quy hoạch biết hướng mà thực hiện”, ông Hải đề xuất.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan - nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, dự thảo Luật rất cần phải làm rõ các khái niệm, giải thích từ ngữ quy định tại Điều 3. Trong đó, tập trung làm cụ thể hóa khái niệm quy hoạch đô thị và nông thôn, nông thôn, khu dân cư đô thị, khu đô thị mới. Về cấp độ quy hoạch đô thị, nên phân biệt cấp độ theo quy mô quy hoạch.

Đồng thời, cần giải thích chặt chẽ về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng; có quy định liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên, có đánh giá tác động môi trường; xem xét về trình tự lập quy hoạch; bổ sung thêm một số chỉ tiêu trong khu vực hướng tới phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh; xác định rõ phần ngoại thị của thành phố trung tâm và phần ngoại thị của thành phố trực thuộc thành phố.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn KTS. Lã Thị Kim Ngân - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Về nội dung điều chỉnh quy hoạch, theo KTS. Lã Thị Kim Ngân - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ cần quan tâm đến điều chỉnh cấp độ quy hoạch; cần phải điều tiết trong việc lập quy hoạch phân khu. Mô hình phát triển đô thị phải tạo đặc trưng phát triển mang tính bản sắc, phù hợp với đặc trưng từng vùng miền.

Cũng tại Tọa đàm, các chuyên gia đã đề xuất thêm về công tác quản lý; xem xét về tỷ lệ đô thị hóa; bổ sung thêm nội hàm xác định mục tiêu, tầm nhìn, kế hoạch, tổ chức không gian; bổ sung nội hàm, xây dựng cơ chế chính sách về điều chỉnh cục bộ quy hoạch; lưu ý về xây dựng không gian ngầm; làm rõ nội dung về hạ tầng kinh tế xã hội trong quy hoạch xã…

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết: Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu nội dung chuyên gia, nhà khoa học đề xuất. Từ đó, quy định rõ ràng hơn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn Toàn cảnh Tọa đàm.

Sau Tọa đàm lần này, Bộ sẽ tổ chức Tọa đàm tại khu vực phía Nam; làm việc với các Ủy ban của Quốc hội để rà soát, trước khi báo cáo Chính phủ. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm nội dung để có các phương án tốt hơn cho các vấn đề còn nhiều ý kiến.

Khung pháp lý