CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tránh để doanh nghiệp xuất khẩu bị động trước tín hiệu thị trường

Invest Global 09:16 16/11/2022

Giữa bối cảnh thiếu hụt đơn hàng, thiếu vốn, lãi suất gia tăng, tỷ giá USD tăng và nhiều biến động khác trong thời điểm cuối năm này, các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng. Và để tránh bị động cho doanh nghiệp trước tín hiệu thị trường, các cơ quan quản lý cũng nên thường xuyên cập nhật về biến động, xu hướng, cơ hội và thách thức ở các thị trường xuất khẩu lớn.

Bà Phấn, phụ trách kinh doanh tại một công ty da giày ở Tp.HCM, cho biết đến giữa tháng 11, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn gặp nhiều khó khăn đang bủa vây. 

Sản xuất đang chậm lại

“Cụ thể là đơn hàng giảm sút trầm trọng so với các năm trước, giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa liên tục leo thang đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Cho nên, lợi nhuận của công ty năm nay sẽ thấp khi mà đầu ra của sản phẩm vừa bị thu hẹp, lại không thể tăng giá tương ứng”, bà Phấn chia sẻ.

-3947-1668508074.jpg

Các yếu tố tiêu cực trên thị trường quốc tế đã bắt đầu tác động rõ hơn đến sản xuất trong nước.

Theo bà Phấn, đa phần các DN da giày hiện thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động. Khó khăn còn có khả năng sẽ kéo dài đến giữa năm 2023. Một số ít công ty vẫn ổn định được sản xuất kinh doanh là nhờ có những mặt hàng độc quyền mà nhu cầu người tiêu dùng các nước đang cần. 

Cũng theo bà Phấn, để cùng chia sẻ khó khăn do bị thua lỗ về tỷ giá, nên có những đối tác còn yêu cầu công ty giảm giá đơn hàng đã ký. Để duy trì việc làm cho công nhân nên công ty buộc phải chấp nhận, nhưng sẽ khó để duy trì nếu tình trạng này kéo dài. 

Nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta, lĩnh vực sản xuất bắt đầu chậm lại. Điểm nhấn trong tháng 10 vừa qua là số đơn hàng và sản lượng bắt đầu tăng chậm lại rõ ràng hơn, cả đơn hàng trong nước và xuất khẩu (XK). Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu giảm và tác động từ thị trường quốc tế, một số DN tăng đơn hàng là nhờ giảm giá bán và tìm ra khách hàng mới.

Theo Yuanta, chỉ số tâm lý kinh doanh đã giảm xuống mức thấp khi nhu cầu giảm. Các yếu tố tiêu cực trên thị trường quốc tế đã bắt đầu tác động rõ hơn đến sản xuất trong nước. 

Còn theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán ACB (ACBS), chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) toàn cầu và nhiều khu vực như ASEAN, Eurozone, Mỹ, Úc cũng giảm do lo ngại suy thoái và áp lực lạm phát.

ACBS nhấn mạnh điều quan trọng trong thời gian tới là phải theo dõi chặt chẽ lĩnh vực sản xuất vì tình hình kinh tế xấu đi ở một số thị trường XK chủ chốt của Việt Nam (Mỹ và EU, chiếm 42,5% tổng kim ngạch XK trong 10 tháng đầu năm 2022) có thể dẫn đến số lượng đơn đặt hàng giảm đi khi mùa cuối năm đang đến là thời điểm XK thường tăng công suất để đáp ứng nhu cầu trong các ngày lễ.

Tình trạng đơn hàng giảm sút nghiêm trọng trong nửa quý cuối của năm 2022 và vào đầu năm 2023 của nhiều lĩnh vực XK chủ lực cũng là điều mà Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã nêu ra trong báo cáo mới đây gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

Không để doanh nghiệp khó chồng khó

Trong đó, Ban IV và các hiệp hội DN đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất nhập khẩu lớn. Kèm theo đó là các đánh giá về cơ hội, thách thức để DN có các kế hoạch thích ứng phù hợp nhằm khắc phục phần nào các khó khăn của DN đặc biệt là giảm sự bị động về tín hiệu thị trường.

Trong việc bị động của DN cũng cần đề cập đến vấn đề lãi lãi suất. Giới chuyên gia cho rằng, các DN vẫn đang đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, và có thể sắp tới phải chịu thêm lãi suất vay vốn ngắn hạn tăng. Khó chồng khó khiến nhiều DN lo ngại chi phí đầu vào tiếp tục bị đẩy tăng lên. 

Yuanta đánh giá lãi suất tại các ngân hàng thương mại vẫn đang chịu nhiều áp lực và không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng thêm lãi suất điều hành lần nữa, khi nhu cầu vốn của nhiều DN vẫn ở mức cao trong khi room tín dụng của năm nay gần như đã được các ngân hàng thương mại sử dụng hết và khả năng huy động từ kênh trái phiếu ở thời điểm hiện tại còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ACBS dự báo hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được cấp vào đầu năm 2023 cùng với nhu cầu tiền mặt tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ lớn có thể làm cạn kiệt thanh khoản và gây áp lực tăng lãi suất vào đầu năm 2023.

Ngoài vấn đề nêu trên, để các DN XK tránh bị động trước tín hiệu thị trường không mấy khả quan, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, các DN cần chủ động theo dõi các biến động trên thế giới, cập nhật về tình hình lạm phát, tỷ giá, lãi suất, dịch bệnh và xung đột…

Như lưu ý của ông Dũng, đây là vấn đề rất quan trọng, có thể giúp DN điều chỉnh tốt hơn, lựa chọn thị trường XK, nhập khẩu ít bị biến động nhất, đồng thời đa dạng hóa phương thức thanh toán. Bên cạnh đó, với các DN nhập khẩu cũng cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, nhất là tìm kiếm các sản phẩm nội địa, giảm bớt chi phí từ nhập khẩu.

Mặt khác, các DN cần đề cao hơn nữa tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi. Nhất là xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô, thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây.

                  Thế Vinh

Ý kiến chuyên gia