CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Số liệu Cục Thống kê, Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2025 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng trong 5 năm qua.
"Điều này cho thấy, cùng với các lợi thế sẵn có của Việt Nam trong thời gian qua, môi trường chính trị, kinh tế của Việt Nam ổn định, lao động dồi dào, cùng với các lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh danh, đã tạo sức hút cho các nhà đầu tư nước ngoài…", bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiệp xây dựng, Cục Thống kê nhấn mạnh.

Báo cáo công bố của Cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,28 tỷ USD, tăng 9,4%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 161,55 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 73,5%.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD. Đây cũng là thị trường Việt Nam xuất siêu sang lớn nhất, đạt 62,0 tỷ USD tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số 7,63 tỷ USD xuất siêu 6 tháng đầu năm 2025, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,54 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,17 tỷ USD.
Với những con số trên cho thấy khi Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất là FDI.
Trả lời Nhadautu.vn về nhận định dòng vốn FDI 6 tháng cuối năm khi Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng đối với Việt Nam, Trưởng ban Thống kê công nghiệp xây dựng Phí Thị Hương Nga cho rằng, biện pháp thuế quan của Mỹ không chỉ gây khó khăn cho Việt Nam mà thương mại toàn cầu cũng trở nên khó đoán định hơn. Có thể chi phí sẽ gia tăng, Hợp đồng xuất nhập khẩu giảm, điều này ảnh hướng đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam cũng như vốn FDI toàn cầu…

Đối với Việt Nam, theo bà Nga, mức thuế 20% mới chỉ là mức thuế sơ bộ, chưa có mức cụ thể đối với từng mặt hàng, tuy nhiên điều này có thể tạo ra thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam.
Thách thức là tăng chi phí, khó khăn hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn. Nhưng đây là vạch xuất phát để các doanh nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, thu hút FDI vào linh vực đầu tư mà Việt Nam đang có lợi thế về thuế quan, hoặc đang được thức đây bởi các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn liên tục được cải thiện, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn cùng với nguồn nhân công giá rẻ, thuận lợi trong chuỗi cung ứng...
"Đây là yếu tố để Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới", Trưởng ban Thống kê công nghiệp xây dựng Phí Thị Hương Nga quả quyết.
Tuy nhiên, bà Nga lưu ý thêm, các nhà đầu tư trên thế giới đang tiếp tục quan sát tình hình. Do vậy, cũng cần có thời gian để đánh giá sâu hơn về vấn đề này…