CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG) – “Việt Nam nên có một tư duy mới để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ ưu đãi chuyển sang hỗ trợ, trong đó, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và hướng tới những mục tiêu ưu tiên của nền kinh tế”, TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Vốn FDI vào khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM tăng gấp đôiVốn FDI đăng ký điều chỉnh trong tháng 5 cao nhất từ đầu năm 2024Thế khó hậu thuế tối thiểu toàn cầu
KTSG: Trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lên thực trạng nhiều doanh nghiệp FDI lớn đến Việt Nam thăm dò môi trường đầu tư nhưng lại chọn nước khác. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phía doanh nghiệp đưa ra yêu cầu hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, còn Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này(*). Ông bình luận như thế nào về những thông tin trên?
– TS. Huỳnh Thanh Điền: Khi doanh nghiệp FDI đầu tư ở một nước đang phát triển như Việt Nam, mục tiêu lớn nhất của họ là sản xuất hàng hóa với chi phí thấp nhất và xuất khẩu đi khắp thế giới một cách thuận lợi nhất.
Vậy nên, họ sẽ lựa chọn các quốc gia, một là có hỗ trợ, ưu đãi tốt, chủ yếu là ưu đãi về thuế suất; hai là có điều kiện sản xuất thuận lợi, gồm hạ tầng sản xuất, hạ tầng kết nối như đường sá, cảng biển…; ba là lao động trẻ, giá nhân công rẻ, có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ; bốn là sự thông thoáng trong nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa.
Sau khi sáng kiến về thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là thuế tối thiểu toàn cầu) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng được nhiều quốc gia hưởng ứng, các quốc gia thu hút FDI buộc phải nghiên cứu và đưa ra các phương án hỗ trợ, ưu đãi thay thế cho ưu đãi thuế. Câu chuyện hỗ trợ bằng tiền mặt đã được nhiều quốc gia áp dụng hoặc nghiên cứu nhưng hình thức thực hiện là thông qua hỗ trợ chi phí đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công nghệ và nghiên cứu phát triển, còn hiện tại, chưa có quốc gia nào hỗ trợ theo cách đưa tiền mặt trực tiếp cho doanh nghiệp.
Nói như vậy để thấy, thông tin doanh nghiệp FDI đưa ra yêu cầu hỗ trợ bằng tiền mặt nêu trên cần được công khai chi tiết và phân tích, mổ xẻ kỹ càng hơn, một mặt, để tìm ra phương án tốt nhất hỗ trợ cho doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam, mặt khác, tìm ra những điểm yếu trong môi trường đầu tư của chúng ta để khắc phục. Chúng ta buộc phải đặt ra cả khả năng doanh nghiệp nhận thấy môi trường đầu tư chưa thuận lợi nên đưa ra một yêu cầu khó đáp ứng để chưa đầu tư hoặc chưa tiếp tục mở rộng đầu tư.
KTSG: Nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam đã chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1-1-2024, nghĩa là, chúng ta cần tính tới phương án ưu đãi bù cho doanh nghiệp, để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Ý kiến của ông như thế nào?
– Từ trước tới nay, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đều được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức rất cao trong thời gian dài và không công khai. Đã vậy, trước đây, một số địa phương được đưa ra chính sách riêng để thu hút FDI, chẳng hạn, Bình Dương từng miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp FDI trong thời gian tối đa năm năm kể từ ngày kinh doanh có lãi. Tính tới hết năm 2023, sau 35 năm tiếp nhận dòng vốn FDI, Việt Nam đã thu hút được trên 438 tỉ đô la Mỹ vốn FDI.
Chỉ khi hệ sinh thái phụ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI được tổ chức chặt chẽ, “ăn sâu bám rễ” tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI mới buộc phải duy trì cam kết lâu dài với chúng ta.
Tuy nhiên, do chỉ tập trung vào ưu đãi thuế, trong hàng chục năm qua, xuất hiện tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp nội địa phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, cao hơn nhiều lần mức ưu đãi cho doanh nghiệp FDI.
Các khoản chi phí ngoài thuế cũng nặng nề hơn với doanh nghiệp trong nước, chẳng hạn, chi phí đóng góp, chi phí môi trường… Theo ước tính của Bộ Tài chính, sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong năm 2024, 112 tập đoàn nước ngoài có thể phải nộp bổ sung thuế, giúp ngân sách thu thêm hơn 14.000 tỉ đồng.
Chính sách ưu đãi thuế không có sự chọn lọc phù hợp cũng khiến chất lượng đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp FDI không đồng đều, bao gồm cả những dự án với công nghệ cũ, lạc hậu, bị từ chối ở nhiều quốc gia, tiềm ẩn mối nguy về rác công nghệ trong thời gian sắp tới.
Khi mới mở cửa hội nhập, phải xây dựng nền tảng kinh doanh, nhân lực, công nghệ từ những bước đầu, chúng ta buộc phải dùng ưu đãi thuế để thu hút vốn FDI. Hiện tại, trình độ của nền kinh tế, dù sao, cũng đã tiến lên một bước mới và chúng ta cũng không thể áp dụng ưu đãi thuế vì đã tham gia thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam nên có một tư duy mới để thu hút vốn FDI, từ ưu đãi chuyển sang hỗ trợ, trong đó, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và hướng tới những mục tiêu ưu tiên của nền kinh tế.
Nhận diện điểm yếu
KTSG: Vậy thưa ông, điều quan trọng nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi ở môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay là gì và chúng ta có lợi thế đáp ứng tới đâu? Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, theo ông, chúng ta nên đưa ra những hỗ trợ theo hướng nào?
– Chúng ta đang có rất nhiều lợi thế. Việt Nam đang thuộc tốp những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Việt Nam nằm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được dự báo là trung tâm phát triển của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế ngày càng khốc liệt và khó đoán, sự ổn định về chính trị và mối quan hệ thân thiện với tất cả các quốc gia khiến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đó là lợi thế đầu tiên.
Thứ hai là nền kinh tế của chúng ta hội nhập kinh tế rất tốt. Tính đến tháng 5-2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 16 FTA đã ký kết, 3 FTA đang đàm phán với các khu vực kinh tế châu Mỹ, châu Âu, Đông Á…
Thứ ba, Việt Nam đang nỗ lực minh bạch hóa môi trường kinh doanh, nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.
Dù vậy, điểm thứ tư mới là quan trọng nhất mà tiếc thay, đó là điểm yếu nhiều năm của nền kinh tế Việt Nam: điều kiện sản xuất. Khi doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, họ cần một hệ sinh thái hỗ trợ cho việc sản xuất của họ.
Việt Nam cần xác định rõ, chúng ta không thể dùng lợi thế về thuế để thu hút FDI. Ảnh minh họa: Lê ToànTheo cách trực tiếp, doanh nghiệp FDI sản xuất một mặt hàng tại Việt Nam sẽ cần một chuỗi các doanh nghiệp phụ trợ làm ra từ bao bì, sách hướng dẫn tới các linh kiện, phụ kiện tạo nên mặt hàng đó. Tôi từng tiếp xúc với một số doanh nghiệp FDI hoạt động ở quận 9, TPHCM và hỏi vì sao họ không hỗ trợ doanh nghiệp nội trên địa bàn. Họ trả lời là họ muốn hợp tác vì dùng sản phẩm của doanh nghiệp sở tại sẽ có chi phí thấp hơn so với sản phẩm của doanh nghiệp FDI nhưng doanh nghiệp của chúng ta chưa đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của họ. Rõ ràng, sau hơn 35 năm trải thảm đỏ, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI vẫn còn rất khiêm tốn.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp FDI muốn hoạt động trơn tru, hiệu quả phải kết nối được với nhóm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phục vụ việc sản xuất kinh doanh như suất ăn công nghiệp, văn phòng phẩm, các dịch vụ thuế phí, hỗ trợ pháp lý… Ngay cả nhu cầu này doanh nghiệp Việt cũng chưa hẳn đáp ứng được. Điều đó mới dẫn tới tình trạng tỉnh nào cũng quy hoạch khu công nghiệp nhưng rất ít tỉnh thu hút được doanh nghiệp đến lấp đầy các khu công nghiệp đó. Hoặc để lấp đầy, các tỉnh lại phải dựa vào ưu đãi hết cỡ về thuế suất như đã đề cập ở trên.
Về phía các dịch vụ dùng chung cho khối doanh nghiệp FDI, cũng như doanh nghiệp nội địa, không phủ nhận rằng Việt Nam đã tích cực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đường sá, kho bãi, bến cảng, sân bay… Vấn đề đang tồn tại là đầu tư dàn trải, đầu tư với tầm nhìn ngắn hạn, đường cao tốc chỉ có hai làn xe thì khó có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong tương lai, hàng không chưa đáp ứng thích đáng nhu cầu vận chuyển hành khách, chưa nói đến việc vận chuyển hàng hóa.
Đáng nói, với các hình thức hợp tác công tư cho các hạ tầng dùng chung, chúng ta chủ yếu chọn phương thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao), tạo ra nhiều khoản phí đường bộ, khiến chi phí logistics tại Việt Nam thuộc vào nhóm kém cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Chúng ta phải xác định rõ, chúng ta không thể dùng lợi thế về thuế để thu hút FDI. Vậy phương án thay thế là gì? Việt Nam còn nhiều quỹ đất để quy hoạch và xây dựng những khu kinh tế, khu công nghiệp bài bản, có kết nối hạ tầng tốt. Chúng ta có thể làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư. Cần dùng cả chính sách, hạ tầng, nhân lực và cả sự năng động của các nhà quản lý, điều hành để tạo thêm sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cách tiếp cận khác trong chính sách thu hút FDI
KTSG: Nhiều quan điểm cho rằng, việc điều chỉnh chính sách ưu đãi FDI khi tham gia thuế tối thiểu toàn cầu đồng thời là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh sách thu hút FDI nói chung. Tư duy theo hướng này, theo ông, chúng ta nên làm thế nào?
– Câu chuyện thu hút FDI phải được đặt trong bối cảnh chung của cả nền kinh tế. Việt Nam phải có một chiến lược tổng thể phát triển nền kinh tế, theo đó, xác định lợi thế so sánh, lựa chọn những ngành mà chúng ta đang có ưu thế nhất để thúc đẩy, đồng thời, tìm ra những ngành Việt Nam có nhiều tiềm năng để khuyến khích đầu tư, ví dụ như ngành bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Khi đã chọn được những ngành, những lĩnh vực ưu tiên, phải phân tích mối quan hệ giữa chúng với các ngành phụ trợ trực tiếp và hệ sinh thái hỗ trợ nói chung. Ví dụ, để phát triển công nghệ bán dẫn, phải có máy quang khắc, vật liệu bán dẫn, các trung tâm nghiên cứu phát triển cho việc thiết kế vi mạch, tạo ra những vật liệu mới… Những khu công nghệ cao để phát triển ngành bán dẫn phải đặt ở các đô thị lớn, đảm bảo các điều kiện hạ tầng điện, nước và các dịch vụ đi kèm.
Từ đó, chúng ta đưa ra một quy hoạch phát triển chung, địa phương nào phát triển ngành nào, để hỗ trợ cần củng cố, xây dựng mới cơ sở hạ tầng ra sao, tạo ra một hệ sinh thái đồng bộ để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi nhất.
Việc xác định những ngành, những lĩnh vực ưu tiên đầu tư cũng là tiền đề để Việt Nam lựa chọn trọng điểm thu hút FDI và thiết kế chính sách phù hợp với mục tiêu trên. Với những ngành, những lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh, doanh nghiệp trong nước chưa đủ trình độ công nghệ và nguồn lực để theo đuổi, cần mời gọi các doanh nghiệp FDI tham gia. Cùng với đó, chúng ta cần hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng, dần dần có thể tiếp thu học hỏi công nghệ. Đối với những ngành, những lĩnh vực doanh nghiệp Việt đã có thể tự làm, phải tạo điều kiện tối đa cho khối tư nhân trong nước. Việc thiết kế chính sách, xây dựng tiêu chí thu hút FDI cần dựa trên nền tảng này.
Trên thực tế, ưu đãi thuế chưa hẳn là vấn đề mà các doanh nghiệp FDI quan tâm hàng đầu. Họ đều là tập đoàn đa quốc gia, có thể dễ dàng thực hiện các thao tác về kỹ thuật để đóng thuế ở những quốc gia, vùng lãnh thổ có thuế suất ưu đãi. Họ quan tâm tới điều kiện sản xuất kinh doanh thuận tiện, thông thoáng, hệ sinh thái phụ trợ đầy đủ, toàn diện tạo ra chi phí sản phẩm thấp. Đó mới là điều quan trọng, cần lưu ý nhất hiện nay.
KTSG: Trung Quốc, Hàn Quốc đều là những quốc gia sử dụng nguồn đầu tư FDI rất thành công. Liệu chúng ta có thể học được bài học gì từ họ, thưa ông?
– Trước đây, khi Hàn Quốc thu hút FDI để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, họ cũng hỗ trợ, ưu đãi rất nhiều nhưng đi kèm điều kiện các doanh nghiệp FDI phải sử dụng yếu tố đầu vào hoặc những sản phẩm phụ trợ do doanh nghiệp của Hàn Quốc sản xuất. Doanh nghiệp FDI càng lớn mạnh thì hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa của Hàn Quốc sẽ càng lớn mạnh theo.
Việt Nam không thể học theo cách làm của Hàn Quốc, bởi chúng ta đã có những cam kết về bình đẳng trong thương mại giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Dù vậy, vẫn phải tìm cách đi theo con đường của Hàn Quốc, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp FDI, thông qua các chương trình hỗ trợ do các bộ, ngành Việt Nam đề xuất.
Về trường hợp của Trung Quốc, trong giai đoạn 1978-2001, Trung Quốc tập trung thu hút doanh nghiệp FDI thiên về xuất khẩu, chủ yếu là gia công, chế tạo, thâm dụng lao động nhưng hạn chế doanh nghiệp FDI tiếp cận thị trường nội địa.
Khi doanh nghiệp Trung Quốc đã học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ sản xuất, sau năm 2001, Trung Quốc tạo điều kiện để doanh nghiệp nội địa liên doanh với FDI, mở cửa thị trường cho doanh nghiệp FDI trong khi giúp doanh nghiệp nội địa tiếp cận công nghệ tiên tiến, cập nhật nhất.
Làn sóng doanh nghiệp FDI rời khỏi thị trường Trung Quốc hiện nay một phần là do hệ lụy của xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc, một phần khác là do quốc gia tỉ dân này không còn quá khuyến khích cho những lĩnh vực mà doanh nghiệp Trung Quốc đã vững mạnh.
Đối với Việt Nam, thay đổi trong tư duy và chính sách thu hút FDI còn là cách duy trì sự hiện diện của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia lớn. Chỉ khi hệ sinh thái phụ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI được tổ chức chặt chẽ, “ăn sâu bám rễ” tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI mới buộc phải duy trì cam kết lâu dài với chúng ta.
(*) https://vietnamfinance.vn/bao-dong-lan-song-dich-chuyen-dau-tu-ra-khoi-viet-nam-cua-loat-ga-khong-lo-the-gioi-d112962.html