CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

TS Nguyễn Quốc Việt nói về 'bức tranh' kinh tế cuối năm 2024

Invest Global 10:04 21/10/2024

TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, bên cạnh những gam màu tươi sáng, bức tranh kinh tế những tháng cuối năm vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu tâm.

Tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng năm 2024 khá tích cực, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng những tháng cuối năm. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS Nguyễn Quốc Việt: Bức tranh kinh tế tư nhân đã khởi sắc TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR. Ảnh NH

GDP quý III ghi nhận mức tăng trưởng 7,04% so với cùng kỳ năm trước và GDP 9 tháng tăng 6,82%, vượt xa so với kỳ vọng của các dự báo trước đó. Theo ông, động lực tăng trưởng đó đến từ đâu?

Theo phân tích của chúng tôi trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách kinh tế công bố, động lực của sự tăng trưởng quý III và 9 tháng năm 2024 chủ yếu đến từ thương mại toàn cầu kéo theo những lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và xuất khẩu.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ của Việt Nam đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD. Trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là những mặt hàng công nghệ cao như: Máy vi tính, điện thoại thì đều tăng trưởng 2-3 con số trong suốt 3 quý vừa qua.

Bên cạnh đó, sự tăng trở lại của ngành da giày, dệt may và lĩnh vực nông nghiệp cũng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý là lĩnh vực nông nghiệp, trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế thì khu vực này đóng vai trò như “bệ đỡ”, còn trong giai đoạn hiện nay thì có sự tăng trưởng ổn định, bền vững, sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực nông nghiệp cho thấy những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với khu vực nông nghiệp đã bắt đầu phát huy hiệu quả và đạt được những kết quả nhất định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh những động lực tích cực, nhiều dự báo vẫn cho rằng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024 vẫn đối diện với nhiều thách thức. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Đúng như vậy, tăng trưởng kinh tế bên cạnh những gam màu tươi sáng, thì bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn còn những gam màu phải lưu ý, ví dụ như trong bối cảnh phức tạp, phân mảnh của địa chính trị thế giới có thể kéo theo xu thế thương mại không bền vững, không đi theo xu thế toàn cầu hoá của kinh tế thế giới, điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của những nền kinh tế mới nổi, trong đó có kinh tế Việt Nam, điều này có thể khiến kinh tế Việt Nam gặp phải những khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, khi có những rủi ro, nhất là cả những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ làm cho các chi phí đẩy trong hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam tăng lên, kèm theo đó là những yếu tố liên quan đến sự biến động của sự thay đổi chính sách tiền tệ và chính sách tài chính của các nền kinh tế thế giới, điều này có thể làm giảm động lực cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam – trong khi đây lại đang là một trong những động lực chính của nền kinh tế trong nước, do đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng những tháng cuối năm.

Trong năm 2024, sẽ đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu. Động lực của sự tăng trưởng quý III và 9 tháng năm 2024 chủ yếu đến từ thương mại toàn cầu kéo theo những lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và xuất khẩu. Ảnh: ST

Ngoài ra, sự khôi phục của các thị trường trong nước thời gian qua cũng là yếu tố đóng góp cho động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 9 tháng. Nhưng động lực này vẫn đang được đánh giá chưa thực sự bền vững, và không có sự tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng trước Covid - 19, nếu trừ yếu tố lạm phát thì cầu tiêu dùng tăng đâu đó chỉ khoảng 5%, bằng một nửa so với trước dịch Covid-19. Như vậy, để thực sự khắc phục bất ổn cầu tiêu dùng trong nước và cầu tiêu dùng thế giới, Việt Nam vẫn cần lưu tâm đến sự phát triển bền vững của thị trường trong nước, trong đó bao gồm cả lĩnh vực du lịch, mua sắm, tăng cường khả năng chi tiêu của người dân, đảm bảo thu nhập người dân để họ yên tâm với việc tích luỹ và tiêu dùng trong tương lai. Muốn làm được như vậy thì việc cải cách chính sách thuế trong thời gian tới cũng cần lưu tâm để đảm bảo cho Việt Nam có một tầng lớp tiêu dùng trung lưu, qua đó đóng góp cho lĩnh vực tăng trưởng, tiêu dùng trong nước, đảm bảo động lực tăng trưởng ở cả “hai chân” là kinh tế đối ngoại và kinh tế nội địa được cân bằng.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua cũng đã có những tín hiệu tích cực, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào tăng trưởng giai đoạn tới?

Trước hết, chúng ta thấy rất rõ qua số liệu của Tổng cục Thống kê quý III và 9 tháng, có sự gia tăng mạnh mẽ của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại thị trường, đặc biệt là tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân đã gấp đôi so với các nguồn vốn từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực kinh tế nhà nước, dù nửa đầu năm 2024 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam có sự tăng trưởng và bứt phá ngoạn mục so với trước đây và so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, hay nguồn vốn đầu tư công vào nền kinh tế cũng gia tăng để tạo cơ hội cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bức tranh so sánh như vậy thì sự quay trở lại thị trường và tăng mức vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực tư nhân đã cho thấy bức tranh tương đối sáng rõ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.

Tôi cũng đồng tình với khảo sát của Ban Kinh tế tư nhân thời gian gần đây đã nhận định, sự phục hồi của kinh tế tư nhân đã sáng rõ, tạo sự hứng khởi cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy từ báo cáo kinh tế vĩ mô, khi so sánh nguồn thu ngân sách nhà nước từ khu vực tư nhân trước và sau Covid-19 thì thấy, tỷ lệ đóng góp của khu vực tư nhân vào ngân sách nhà nước đã tăng lên đáng kể trong bối cảnh tỷ trọng đóng đóng góp của khu vực FDI và khu vực kinh tế nhà nước có giảm đôi chút. Tất cả điều đó cũng mang đến hy vọng, bức tranh tươi sáng hơn, hứng khởi, tự tin hơn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước thời gian tới. Đây sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến chuyên gia