CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành có khả năng tạo giá trị gia tăng cao

Invest Global 15:36 27/06/2024

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan toả đến các ngành kinh tế khác.

Sáng 27/6, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý Dược, Cục Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức Hội thảo chương trình phát triển công nghiệp hóa dược thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Triển khai thực hiện Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội thảo thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành có khả năng tạo giá trị gia tăng cao Ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất, Phó Trưởng Ban soạn thảo Chương trình hóa dược phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất, Phó Trưởng Ban soạn thảo Chương trình hóa dược cho biết: Với mục tiêu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Hóa dược, Cục Hóa chất phối hợp với Cục Quản lý Dược, Cục Y Dược cổ truyền tổ chức Hội thảo với mong muốn phát triển chuỗi sản phẩm từ hóa dược.

Trước đó, ngày 9/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045“. Tại Quyết định nêu trên, Thủ tướng đã phê duyệt Danh mục các Chương trình, Dự án ưu tiên thực hiện, trong đó, một Dự án (Dự án Luật Dược sửa đổi) và hai Chương trình (Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược do Bộ Công Thương chủ trì và Chương trình tổng thể phát triển, phát huy tiềm năng dược liệu do Bộ Y tế chủ trì).

Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược (thời hạn trình ban hành năm 2024), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3366/QĐ/BCT ngày 28/12/2023 về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược. Dự thảo 1 của Chương trình đã được họp lấy ý kiến của Ban soạn thảo và Tổ biên tập.

Tại hội thảo, ông Phùng Mạnh Ngọc bày tỏ, ngoài các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, chúng tôi cũng mong muốn thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ để phát triển các sản phẩm từ hóa dược. Sự kết hợp của các bên nói trên là mối quan tâm của Chính phủ về phát triển các doanh nghiệp dược nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. "Với mục đích này, chúng tôi hi vọng có được nhiều đề xuất, đóng góp của các quý vị đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp trong và ngoài nước về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hóa dược nước ta”, Cục trưởng Cục Hóa chất nói.

Thông tin thêm tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Hoàng Quốc Lâm chỉ ra: Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành kinh tế có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác.

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành có khả năng tạo giá trị gia tăng cao Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hóa Dược Việt Nam với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đáp ứng nhu cầu về dược chất và các sản phẩm hỗ trợ bào chế thuốc cho ngành công nghiệp dược cấp độ 4 theo phân loại của WHO (sản xuất được nguyên liệu làm thuốc và thuốc phát minh) và đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và thể chất khác.

Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cũng nhìn nhận, mục tiêu chung là từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hóa dược sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước, tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm như cao chiết và tinh dầu giàu hoạt chất, dược chất. Xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam về nguyên liệu hóa dược; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả chất lượng nguyên liệu hóa dược.

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành có khả năng tạo giá trị gia tăng cao Ông Hoàng Quốc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030, ông Hoàng Quốc Lâm cho biết: Thứ nhất, phấn đấu đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu nguyên liệu hóa dược (dược chất, tá dược, chất chiết dược liệu giàu hoạt chất) cho sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Thứ hai, xây dựng 3 khu công nghiệp tập trung về dược - sinh học, dược phẩm và y - dược ở trong nước. Thứ ba, xây dựng 1 Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hóa dược. Thứ tư, triển khai xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc giá về nguyên liệu hóa dược.

Về mục tiêu định hướng đến năm 2045, theo Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu hóa dược cho sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm; tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật của một số Trung tâm, cơ sở nghiên cứu của ngành Hóa dược Việt Nam phát triển ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới, phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ vào sản xuất trong lĩnh vực này; công nghiệp hóa dược của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao, có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị ngành dược phẩm toàn cầu. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về nguyên liệu hóa dược.

Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành có khả năng tạo giá trị gia tăng cao Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Cũng tại Hội thảo, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có đánh giá về một số điểm mới của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Tạ Mạnh Hùng, chiến lược tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, cụ thể: Về cung ứng thuốc từ “cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc…” thành “cung ứng chủ động, kịp thời thuốc…” và “Bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc …”. Nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần đảm bảo cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế.

Ngoài ra, phát triển công nghiệp Dược Việt Nam đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc phát minh, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số, thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hiện trạng ngành hóa dược Việt Nam cũng như định hướng phát triển dược liệu và các vùng trồng dược liệu Việt Nam; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hóa dược của nước ta; định hướng đầu tư phát triển của một số doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực này;… Qua đó, nhiều đề xuất, ý kiến góp ý đã được đưa ra để góp phần hoàn thiện Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược, sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.