CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vải thiều Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia

Invest Global 08:32 01/06/2023

Vải thiều đang chuẩn bị bước vào chính vụ thu hoạch năm 2023, tuy vậy, khi xuất khẩu ra thị trường thế giới gặp phải sự cạnh tranh từ sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc và gần đây là Campuchia. Làm cách nào để trái vải thiều đứng vững được ở thị trường nước ngoài là câu hỏi nhận được sự quan tâm nhất lúc này?

Dự kiến năm nay, Bắc Giang sẽ xuất khẩu khoảng 99 nghìn tấn vải thiều, chiếm 55% sản lượng. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, giá vải thiều đang dao động ở mức từ 22.000 - 39.000 đồng/kg, dự báo tiếp tục tăng khi vào chính vụ.

Vẫn thấp thỏm lo ở thị trường Trung Quốc

Tuy vậy, tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, việc tiêu thụ vải thiều gặp khó khăn như chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao, lo ngại ùn tắc tại cửa khẩu, việc chiếu xạ tại Hà Nội để sang thị trường Mỹ đang trong quá trình triển khai…

-5368-1685530815.jpg

Vải thiều Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan và cả Campuchia.

Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; đề nghị Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục giúp tỉnh Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều vào thị trường các nước; hỗ trợ mời gọi các tập đoàn bán lẻ ở các nước đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang.

Với thị trường Trung Quốc, Bắc Giang đề nghị Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc trao đổi với cơ quan của Trung Quốc tạo điều kiện bố trí kho, bãi tập kết vải thiều, giải quyết thủ tục hành chính, ưu tiên thông quan, phân luồng riêng cho các xe chở vải thiều khi nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, năm 2022 miền Bắc có 52 ngàn ha diện tích trồng vải thiều, Tây Nguyên có 3 ngàn ha, tổng cộng cả nước 55 ngàn ha, mới bằng 10% diện tích trồng vải của Trung Quốc. Vải thiều chủ yếu được xuất tới Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Về thị trường Trung Quốc, năm 2021 xuất khẩu vải thiều của Việt Nam đạt kim ngạch 48 triệu USD, song năm 2022 giảm xuống còn gần 28 triệu USD (giảm 42%), nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc thực hiện “zero COVID”, đóng biên giới làm xuất khẩu gặp khó khăn. Do vậy, năm 2023, Trung Quốc bỏ chính sách “zero COVID”, đây được xem là cơ hội lớn cho vải thiều Việt Nam.

Về khả năng cạnh tranh của vải thiều Việt Nam với vải thiều Trung Quốc, ông Nguyên cho hay thời vụ thu hoạch của Trung Quốc là từ tháng 2 đến tháng 7, do vậy vải thiều Việt Nam vẫn có cửa lớn vào thị trường này. Song, vải thiều Việt Nam cần nâng cao chất lượng như tăng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc qua Việt Nam mua bán.

"Quan trọng nhất là sản phẩm vải Việt Nam phải đạt chất lượng, khuyến khích trồng vải trái to, hạt nhỏ để cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc nội địa, Thái Lan cũng như các nước khác", ông Nguyên khuyến cáo. 

Không dễ tìm thêm thị trường mới

Bên cạnh đó, để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trái vải thiều Việt Nam cần tìm thêm thị trường mới. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, mặt hàng quả vải của Việt Nam chưa thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Ai Cập do Ai Cập chưa mở cửa với mặt hàng này. Ai Cập trồng được vải nhưng sản lượng nhỏ, chủ yếu tiêu thụ trong nước, người dân cũng ít có điều kiện sử dụng mặt hàng này do giá khá cao.

Về xúc tiến thương mại, ông Hưng cho rằng, cần lưu ý giai đoạn mùa vải của nước ta ngắn, thường chỉ kéo dài từ giữa tháng 5 đến tháng 7, trùng với giai đoạn mùa thu hoạch nhiều loại trái cây của Ai Cập như nho, mận, đào, lựu.. nên trên thị trường có nhiều sự lựa chọn, nhu cầu tiêu thụ quả vải cũng bị hạn chế hơn nếu giá cả không cạnh tranh.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập khuyến nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Nông nghiệp Ai Cập để thúc đẩy mở cửa thị trường cho quả vải và nhãn Việt Nam.

Trong khi đó, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Áo đánh giá, thông thường mặt hàng vải của Việt Nam có các sản phẩm là vải tươi đóng hộp và chế biến khô (long nhãn). Các sản phẩm tươi chỉ nhập khẩu vào Áo theo thời vụ (vải từ tháng 6 đến tháng 7) và có thời gian bảo quản rất ngắn (khoảng 10 ngày) nên nhập khẩu số lượng không lớn và qua một nước thứ 3 hoặc theo đường hàng không.

Đây là mặt hàng “Việt Nam bị cạnh tranh nhiều với Thái Lan, Trung Quốc và gần đây là Campuchia”, vị đại diện Thương vụ Việt Nam tại áo cho biết, mặc dù quả vải Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia có quả to, hạt to và không thơm như hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó,  Thương vụ Việt Nam tại Áo khuyến nghị, doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ giấy tờ làm thủ tục hải quan, có thể cung cấp thêm các giấy tờ chứng nhận chất lượng, hàm lượng, sản phẩm, phương thức canh tác và thu hoạch có tính thân thiện với môi trường, chỉ dẫn địa lý để nêu bật tính chuyên biệt của sản phẩm Việt Nam.

Lê Thúy