CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vai trò của tiến bộ công nghệ đối với minh bạch và sự phát triển của thị trường chứng khoán

Invest Global 09:12 16/07/2025

Sự xuất hiện của công nghệ không chỉ như một công cụ, mà là một người bạn đồng hành của sự minh bạch, giúp khôi phục lại sự công bằng vốn cần được đảm bảo trên thị trường.

Ảnh minh họa: KeyMedia.I. Mở đầu: Niềm tin là nền móng của thị trường

Thị trường chứng khoán – dù có thể định lượng bằng chỉ số, vốn hóa hay thanh khoản – nhưng cốt lõi vẫn được vận hành bởi một thứ vô hình: niềm tin của nhà đầu tư. Và niềm tin ấy chỉ được nuôi dưỡng nếu thị trường minh bạch.

Tại Việt Nam, những vụ việc sai phạm như thao túng giá, thông tin nội gián, hay báo cáo tài chính sai lệch không chỉ là lỗi kỹ thuật – mà là những vết thương thực sự với lòng tin của hàng triệu người dân đang mang giấc mơ tài chính.

Gần đây, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương triển khai một loạt giải pháp đồng bộ, hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ đánh giá quan trọng vào tháng 9/2025. Trong lộ trình này, minh bạch hóa thông tin chắc chắn sẽ là một trụ cột cốt lõi – không chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, mà còn để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và nâng cao tính chuyên nghiệp cho toàn bộ hệ sinh thái thị trường.

Trong bối cảnh ấy, công nghệ xuất hiện không chỉ như một công cụ, mà là một "người bạn đồng hành" của sự minh bạch, giúp khôi phục lại sự công bằng vốn cần được đảm bảo trên thị trường.

II. Ứng dụng công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước

Trong bối cảnh yêu cầu nâng hạng thị trường ngày càng trở nên cấp thiết, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Tổng cục Thuế và Kiểm toán Nhà nước đang từng bước chuyển mình từ vai trò giám sát thụ động sang chủ động định hình minh bạch thông tin, thông qua việc ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích hành vi.

Một ví dụ điển hình là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử và phân tích dữ liệu giao dịch: thông qua việc kết nối dữ liệu giữa cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan, các giao dịch bất thường – như tạo doanh thu ảo bằng cách “mua bán hóa đơn”, hay chuyển giá nội bộ giữa các pháp nhân liên quan – có thể được phát hiện và xử lý kịp thời. Hệ thống phân tích dữ liệu lớn của các Đơn vị nhà nước Quản lý thuế hiện nay không chỉ ghi nhận mà còn mô hình hóa quan hệ sở hữu chéo giữa các tổ chức, giúp nhận diện các cụm công ty có hành vi giao dịch đáng ngờ, từ đó hạn chế việc thao túng lợi nhuận hay che giấu nghĩa vụ thuế.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong năm 2025 đã tiên phong thử nghiệm AI trong hoạt động kiểm toán ngân hàng, với kết quả rất tích cực. Thuật toán AI không chỉ giúp rút ngắn thời gian chọn mẫu và phân tích dữ liệu, mà còn tự động phát hiện sai phạm tiềm tàng bằng cách so sánh dữ liệu với quy định pháp lý và tiền lệ phát hiện cũ – từ đó tăng độ chính xác và khách quan trong báo cáo kiểm toán.

Sự chủ động đầu tư công nghệ này giúp các cơ quan chức năng không chỉ “phát hiện khi có sai phạm”, mà còn dự báo, ngăn chặn từ sớm các nguy cơ tiềm tàng, góp phần củng cố niềm tin thị trường, tạo dựng một môi trường đầu tư minh bạch – yếu tố sống còn nếu Việt Nam muốn nâng hạng lên thị trường mới nổi.

III. Ứng dụng công nghệ của các đơn vị kiểm toán

Với hoạt động kiểm toán doanh nghiệp, nếu như mô hình truyền thống, các kiểm toán sẽ lựa chọn mẫu và tiến hành kiểm toán trên các giao dịch được lựa chọn, thì nay , với AI/Big Data, kiểm toán viên có thể rà soát 100% giao dịch (thay vì chỉ kiểm tra mẫu). Thuật toán có thể phát hiện các giao dịch doanh thu, chi phí bất thường hoặc chu kỳ khép kín nghi vấn.

Các đơn vị kiểm toán lớn như BIG 4 là những đơn vị chủ động và có ngân sách lớn cho các khoản đầu tư của mình vào các hệ thống công nghệ giúp hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Cụ thể theo thông tin ghi nhận như sau:

Deloitte triển khai nền tảng Guard.ai (trước đây là Argus), một hệ thống AI ứng dụng phân cụm, học máy và phân tích nâng cao để rà soát các giao dịch tài chính. Guard.ai có thể phát hiện sớm hành vi đáng ngờ, từ gian lận kế toán cho đến vi phạm tuân thủ trong chuỗi cung ứng, nhờ phân tích dữ liệu từ tài khoản khách hàng, thông tin bán hàng, vị trí địa lý và các nguồn mở công khai. PwC sử dụng Risk Detect – nền tảng giám sát liên tục các hoạt động rủi ro cao, áp dụng generative AI và dữ liệu bên thứ ba. Hệ thống này đặc biệt hiệu quả trong phát hiện gian lận bảo hiểm, tham nhũng trong doanh nghiệp. EY kết hợp hai công cụ nổi bật:

EY Helix GL Anomaly Detector (GLAD) – một AI có khả năng rà soát toàn bộ dữ liệu kế toán để phát hiện bất thường, và EY Canvas, nền tảng kiểm toán nội bộ dựa trên AI hợp tác phát triển với Microsoft, giúp kiểm toán viên không chỉ rà soát mà còn hiểu rõ nguyên nhân phát hiện qua bản đồ trực quan.

KPMG phát triển Fraud Intelligence Platform – tích hợp trực tiếp với các hệ thống ERP để phát hiện gian lận theo thời gian thực. Nền tảng này giúp rà soát dữ liệu lớn, đồng thời kết nối các quy trình doanh nghiệp nhằm ngăn chặn hành vi gian lận từ sớm – không chỉ phản ứng mà còn chủ động phòng ngừa.

III. Ứng dụng công nghệ của các công ty chứng khoán: gián tiếp thúc đẩy sự minh bạch

Trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần, các công ty chứng khoán đang trở thành lực lượng tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, không chỉ để nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn gián tiếp góp phần xây dựng một thị trường minh bạch và công bằng hơn. Với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, công nghệ đã trở thành lợi thế cạnh tranh then chốt – tạo nét khác biệt so với các ưu đãi truyền thống như phí giao dịch hay lãi suất margin.

Không còn là những nền tảng giao dịch đơn thuần, các ứng dụng chứng khoán hiện nay được tích hợp toàn diện từ giao dịch, quản lý danh mục đến phân tích tài chính và hỗ trợ quyết định đầu tư. Điều này biến smartphone của mỗi nhà đầu tư trở thành một “trung tâm phân tích tài chính mini”, nơi thông tin minh bạch được cung cấp theo thời gian thực, và dữ liệu được cá nhân hóa theo khẩu vị rủi ro.

Đặc biệt, các công cụ giáo dục kiến thức tài chính tích hợp công nghệ như đang giúp nâng cao dân trí tài chính – điều kiện tiên quyết để thị trường minh bạch thực sự bền vững. Việc các “F0” giờ đây có thể tìm hiểu về phân tích cơ bản, giao dịch thử, tiếp cận khuyến nghị thị trường một cách dễ hiểu không chỉ thu hẹp “khoảng cách kiến thức”, mà còn giảm thiểu tác động của thao túng thông tin – một vấn nạn từng gây tổn thương nghiêm trọng cho niềm tin thị trường.

Sự thật là, khi nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận thông tin một cách chủ động, minh bạch không còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý – mà trở thành kết quả tự nhiên của một hệ sinh thái tài chính công nghệ hóa, nơi từng mắt xích đều góp phần soi sáng thị trường.

IV. Mạng xã hội: Cơ hội giúp doanh nghiệp minh bạch.

Nếu như trước đây, hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp chủ yếu mang tính một chiều, thông qua báo cáo tài chính định kỳ hoặc thông cáo báo chí, thì ngày nay, mạng xã hội đang mở ra một “kênh minh bạch mới” – trực diện hơn, nhanh hơn và gần gũi hơn giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong môi trường đầu tư ngày càng nhanh và phức tạp, mạng xã hội không chỉ là nơi chia sẻ thông tin, mà đang trở thành một công cụ chiến lược để doanh nghiệp chủ động tạo dựng niềm tin.

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã sớm nhận ra điều đó và chủ động nâng cao tính minh bạch qua các nền tảng như Facebook,YouTube, và gần đây là TikTok. Các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Thế Giới Di Động, FPT, Techcombank…đều đã xây dựng đội ngũ nội dung chuyên biệt nhằm cập nhật liên tục tình hình kinh doanh, giới thiệu sản phẩm chiến lược, và đặc biệt là tạo không gian đối thoại mở giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cộng đồng nhà đầu tư.

Những buổi livestream công bố kết quả kinh doanh quý với đội ngũ ban lãnh danh nghiệp, hay những tin tức cập nhật do chính ban lãnh đạo chia sẻ trên nền tảng số… đang giúp xóa mờ khoảng cách giữa cổ đông nhỏ lẻ và người điều hành cấp cao – điều mà trước đây hầu như chỉ giới hạn trong các cuộc họp Đại hội cổ đông kín kẽ.

Không chỉ dừng ở mức truyền thông, việc tương tác qua mạng xã hội còn giúp doanh nghiệp kiểm soát kỳ vọng thị trường, hạn chế tin đồn thất thiệt, và xây dựng hình ảnh một tổ chức chuyên nghiệp, cởi mở. Quan trọng hơn, nó tạo nên cảm giác “đồng hành” – nơi nhà đầu tư không chỉ bỏ tiền, mà còn cảm thấy được lắng nghe, được kết nối, và thực sự là một phần của câu chuyện doanh nghiệp.

Trong một thị trường đang hướng tới chuẩn mực quốc tế, mạng xã hội nếu được sử dụng đúng cách không chỉ là công cụ truyền thông – mà là nền tảng cho một nền minh bạch chủ động, bền vững và lan tỏa.

V. Lời kết: Minh bạch là một khoản đầu tư dài hạn – không thể thay thế

Trong vai trò tư vấn, tôi từng nói với doanh nghiệp rằng: “Minh bạch không phải là gánh nặng, mà là lợi thế cạnh tranh thực sự”. Chi phí cho kiểm toán, công bố thông tin, hệ thống kiểm soát nội bộ… ban đầu có thể khiến doanh nghiệp e ngại. Nhưng đổi lại, họ nhận được niềm tin, nhận được chi phí vốn rẻ hơn, và sự an toàn pháp lý dài hạn cho các ông chủ Doanh nghiệp. Với nhà đầu tư, công nghệ đang giúp họ tiếp cận thông tin một cách trực quan hơn, thông minh, khi họ đã hiểu về doanh nghiệp nỗi sợ hãi vì thiếu thông tin sẽ giảm, tăng sự tự tin khi có hiểu biết, từ đó hướng tới việc đồng hành đầu tư cùng doanh nghiệp trong một chu kỳ dài hơn.

Sau tất cả, công nghệ chỉ là phương tiện. Tư duy minh bạch mới là cốt lõi cần vun trồng trong mỗi tổ chức, mỗi ban lãnh đạo doanh nghiệp.

(*) Đại diện mạng xã hội quan hệ cổ đông IrSocial

Tổ chức Hội thảo Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoánSong song với nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán, nâng cao nhận thức nhà đầu tư cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà các cơ quan quản lý đang tập trung triển khai nhằm phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ yêu cầu phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững; nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền; xây dựng chiến lược đào tạo tổng thể cho nhà đầu tư, xác định mục tiêu, đối tượng và lộ trình phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán.

Nhằm góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước và các thành viên thị trường thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, ngày 17/7 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán”.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, chuyên gia kinh tế - tài chính, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, cơ sở đào tạo, cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.