CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Đứng ở góc độ là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Công nghệ Ô tô Bosch tại Việt Nam (Bosch Automotive R&D), ông Burkhard Michaelis cho biết, trong 10 năm hoạt động ở Việt Nam (với tổng vốn đầu tư cho đến nay là 34 triệu euro) trung tâm này đã mang lại những đóng góp quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong đóng góp cho những công nghệ di chuyển mới.
Tạo ưu đãi cho đầu tư R&D
Theo ông Michaelis, để bắt kịp xu hướng xe điện ngày càng phổ biến trên thế giới, Bosch Automotive R&D với sự quy tụ đội ngũ hơn 125 kỹ sư tài năng ở Việt Nam, đang tập trung phát triển các linh kiện cho hệ thống truyền động điện, hỗ trợ cả hai công nghệ chính trong xe điện hiện nay: Xe điện chạy pin (battery-driven) và xe điện chạy bằng pin nhiên liệu (fuel cell-driven). Ngoài ra, trung tâm cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp cốt lõi cho các phương tiện di chuyển tương lai, bao gồm điện khí hóa, nhiên liệu hydro.
Để Việt Nam xứng tầm là “công xưởng” công nghệ của thế giới, một trong những yêu cầu đặt là cần nâng cao chất và lượng nguồn nhân lực Việt.
“Chúng tôi đang tiên phong phát triển các giải pháp di động tương lai thông qua nghiên cứu về tự động hóa, điện tử hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), điện khí hóa và tính bền vững. Nhân tài Việt Nam là động lực quan trọng để chúng tôi đạt được vị thế hàng đầu toàn cầu về công nghệ ô tô”, vị giám đốc này chia sẻ.
Có thể thấy tính chất hiệu quả của trung tâm R&D như trên thuộc một “đại bàng” về công nghệ đến từ châu Âu là điều rất đáng khích lệ. Chính sự thành công này là minh chứng tốt đẹp về môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam để các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ đến “xây tổ” và củng cố vị thế chiến lược toàn cầu. Điều đó cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh về mặt đầu tư của Việt Nam.
Đó là lý do mà thời gian vừa qua các tập đoàn lớn về công nghệ như Samsung, Apple, Marvell, Nvidia và các tập đoàn khác đã quyết định thành lập các trung tâm R&D ở Việt Nam. Điều này phản ánh xu hướng chuyển đổi kế hoạch phát triển kinh doanh của các “ông lớn” công nghệ toàn cầu.
Đứng trước xu hướng đó, Ts. Chu Thanh Tuấn (Đại học RMIT) nhấn mạnh để Việt Nam xứng tầm là “công xưởng” công nghệ của thế giới với hàng loạt nhà máy lớn thì việc cần làm là nâng cao chất và lượng nhân lực Việt để hỗ trợ các trung tâm R&D này.
Để làm được điều này, ông Tuấn cho rằng Chính phủ có thể đóng vai trò chủ chốt bằng tạo ưu đãi cho đầu tư R&D, tạo ra các chính sách thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, và đầu tư vào các khu công nghệ và vườn ươm công nghệ.
“Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các công ty nước ngoài và địa phương cũng có thể có ích. Bên cạnh đó, chính phủ có thể đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, như hỗ trợ tài chính, nhà ở, bảo hiểm, nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các trung tâm R&D”, vị chuyên gia của RMIT bộc bạch.
Và bản thân các trung tâm R&D của những “đại bàng” công nghệ cũng sẽ giúp góp phần nâng cao nguồn nhân lực Việt. Như chia sẻ của ông Burkhard Michaelis, trung tâm nghiên cứu công nghệ ô tô đóng vai trò then chốt trong mảng ô tô của tập đoàn, là “cái nôi” nuôi dưỡng và phát triển tài năng địa phương.
Để các “đại bàng” không chọn đầu tư nơi khác
Trên thực tế, việc “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn là điều trăn trở của các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ. Điều này có thể thấy trong báo cáo khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh quý 2/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham).
Theo đó, điều mong mỏi của các nhà đầu tư đến châu Âu (với thế mạnh về công nghệ) là Việt Nam cần cải thiện chất lượng và số lượng của lực lượng lao động chuyên môn cao để nâng cao khả năng thu hút dòng vốn FDI. Bởi lẽ, một trong những trở ngại hàng đầu cho hoạt động kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam chính là việc thiếu nhân tài và người có chuyên môn trong những lĩnh vực chuyên ngành tại địa phương.
Đơn cử như trong báo cáo vào tháng 7/2024 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến Chính phủ có nêu rõ trường hợp Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về lao động công nghệ cao có sẵn, nên đã chuyển sang Malaysia.
Ngoài vấn đề thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, theo giới chuyên gia, để Việt Nam không tuột mất hàng tỷ USD đầu tư từ các “đại bàng” FDI và tiếp tục là “công xưởng” công nghệ của thế giới, đòi hỏi chính sách ưu đãi cần phù hợp, rõ ràng với bối cảnh mới và nên cung cấp hệ sinh thái đầy đủ, cơ sở hạ tầng.
Đứng ở góc độ quản lý, gần đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thấy rõ những vấn đề mà các doanh nghiệp FDI gặp khúc mắc và mong rằng Chính phủ cần có giải pháp cấp bách để ứng phó. Nhất là trước tình trạng có không ít “đại bàng” công nghệ tìm đến Việt Nam để khảo sát đầu tư dự án, nhưng khi thấy không đáp ứng được những vấn đề cần thiết nên họ đã chuyển sang quốc gia khác.
Thực ra, vẫn còn đó các cơ hội để Việt Nam tiếp tục thu hút những “đại bàng” công nghệ. Về cơ hội này, mới đây Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset đã liệt kê những trường hợp điển hình từ các “ông lớn” công nghệ như: Công ty Apple có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam; Phó chủ tịch hãng công nghệ Nvidia của Mỹ đã đến thăm Việt Nam vào tháng 4/2024 để thảo luận về hợp tác về hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI); Samsung dự kiến đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam; Alibaba dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam; các DN lớn của Hàn Quốc như Hyundai Motor, Lotte, Doosan Enerbility, Hyosung cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Còn nếu kể về các dự án FDI trong nửa đầu năm nay, như thông tin từ Mirae Asset, cũng là những tên tuổi lớn về công nghệ. Đơn cử như Trina Solar (Trung Quốc): 454,4 triệu USD; Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Gokin Solar (Hong Kong): 274,8 triệu USD; Dự án nhà máy thiết bị điện tử của BOE (Trung Quốc): 275 triệu USD; Dự án nhà máy sợi sinh học Bio-BDO (Butanediol) của Hyosung (Hàn Quốc): 730 triệu USD; Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh (Đài Loan - Trung Quốc): 383 triệu USD; Tập đoàn công nghệ Amkor (Mỹ): 1,07 tỷ USD.
Cho nên, nếu muốn Việt Nam xứng tầm là “công xưởng” công nghệ của thế giới và không để các “đại bàng” chọn đầu tư ở quốc gia khác, rất cần các cơ quan quản lý và những địa phương có thế mạnh về thu hút dòng vốn FDI cần nhìn nhận lại một cách khiêm tốn để điều chỉnh thích hợp các chính sách ưu đãi, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng logistics, chuỗi cung ứng nội địa, cắt gọn các thủ tục hành chính.
Thế Vinh