CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế phát triển công nghiệp bán dẫn

Invest Global 15:48 27/06/2024

Với trữ lượng đất hiếm thứ 2 toàn cầu cùng nhiều lợi thế về địa lý, môi trường đầu tư, Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn. Mặt khác, quốc gia trăm triệu dân cần chú trọng hạ tầng, năng lượng và ngu

Với trữ lượng đất hiếm thứ 2 toàn cầu cùng nhiều lợi thế về địa lý, môi trường đầu tư, Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn. Mặt khác, quốc gia trăm triệu dân cần chú trọng hạ tầng, năng lượng và nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu quốc tế. 5F6D196B-E631-4EC1-ACA8-1CC9FFA93CE1Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VnEconomy

Tận dụng cơ hội

Trả lời Nhadautu.vn về cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, ông David Jackson, Tổng Giám đốc, Avison Young Việt Nam nhận định, quốc gia trăm triệu dân có cơ hội gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu nếu nắm bắt đúng và phát huy thế mạnh sẵn có, đồng thời khắc phục những vướng mắc hiện hữu để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới.

"Việt Nam có lợi thế trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới, đây là nguồn nguyên liệu để sản xuất silicat cho ngành bán dẫn. Do đó, cần tiếp tục tận dụng tốt các lợi thế, nhanh chóng cải thiện các hạn chế để tránh bỏ lỡ cơ hội. Bên cạnh đó, quốc gia trăm triệu dân đã có các nhà máy sản xuất, lắp ráp do một số doanh nghiệp trong ngành như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor; hay các nhà máy gia công khâu đóng gói, kiểm thử chip như Amkor hay Hana Micron Vina…", ông David Jackson nhận định.

Theo đại diện Avison Young, với các lợi thế sẵn có về quỹ đất công nghiệp, giá thuê hợp lý, nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên cho dự án công nghệ cao… điều tiếp theo Việt Nam cần làm là tinh gọn và minh bạch hơn nữa các quy trình và thủ tục hành chính, hạ thấp hơn nữa các rào cản đối với nhà đầu tư. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, tăng tính kết nối liên vùng, nâng cao hiệu quả chuỗi logistic.

Đồng tình quan điểm trên, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills cho biết, về vị trí địa lý, Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.

Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.

"Nhu cầu đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn đã thúc đẩy việc tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp đáp ứng được tốt các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, dịch vụ của ngành bán dẫn. Một số yêu cầu cơ bản từ các doanh nghiệp như nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả… Từ đó đặt ra yêu cầu về nâng cấp chất lượng và hệ thống nhà xưởng đối với các chủ đầu tư tại Việt Nam", đại diện Savills Việt Nam nhận định.

Đưa góc nhìn từ phía KCN, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh, Khu Công nghiệp Long Hậu cho rằng, việc chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn dịch chuyển một phần đến Việt Nam sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành nghề đầu tư theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ cao và tự động hóa. Điều này có thể mang đến lợi thế trong thu hút đầu tư của các Khu công nghệ cao và các KCN có hạ tầng hoàn chỉnh và vị trí thuận lợi, đồng thời mở ra cơ hội phát triển công nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững.

Chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm nhiều công đoạn đa dạng, từ khâu thiết kế, sản xuất đĩa bán dẫn, đóng gói và kiểm tra sản phẩm đến lắp ráp hoàn thiện sản phẩm. Các nhà đầu tư trong các công đoạn này có yêu cầu khác nhau về sản phẩm đất khu công nghiệp hoặc nhà xưởng xây sẵn. Do vậy, các KCN có đa dạng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu chuyên biệt của các nhà đầu tư này sẽ có lợi thế lớn trong việc thu hút đầu tư.

Vượt qua thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ hội là có, song, cũng cần lưu ý về cạnh tranh trong khu vực.

"Những đối thủ trực tiếp như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ đang ráo riết trong cuộc đua bán dẫn. Ấn Độ và Indonesia có lợi thế dân số, Thái Lan và Malaysia là những đối thủ mạnh xét về tốc độ phát triển các ngành công nghệ cao", ông Jackson phân tích.

Theo ông David Jackson, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cấp cơ sở hạ tầng (nhất là các dự án hạ tầng năng lượng cấp quốc gia) để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao. Với các nhà phát triển BĐS công nghiệp – mắt xích quan trọng trong quá trình triển khai các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nên tiến tới xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tích hợp về thủ tục cấp phép, giải phóng mặt bằng, tuyển dụng, quản lý vận hành…

Đồng thời, nâng cao chất lượng cơ sở theo hướng hiện đại, bền vững bằng cách đầu tư vào khu công nghệ cao, KCN công nghệ cao hoặc áp dụng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn ESG. Có như vậy mới đáp ứng mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư là hiệu quả đầu tư (về chi phí, thời gian, nhân lực) và các yêu cầu về kinh tế (môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng), xã hội (CSR, môi trường làm việc).

Một thách thức nữa đặt ra là nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nên biết, tính đến hết quý I/2024, Việt Nam có lực lượng trong độ tuổi lao động lớn với 52,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên và hiện vẫn trong thời kỳ "dân số vàng" đến năm 2037 với hơn một nửa dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, chỉ mới 27% trong số đó đã qua đào tạo và số lao động có tay nghề kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghệ cao là chưa đủ.

"Thực tế cho thấy, không có nguồn nhân lực chất lượng sẽ hạn chế việc dòng vốn đầu tư từ các công ty lớn. Do đó, việc giải bài toán nguồn nhân lực cho lĩnh vực này sẽ nâng cao thêm vị trí của Việt Nam trong các điểm đến đầu tư, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam", ông Thomas Rooney đánh giá.

Theo Hiệp Hội Công Nghiệp Bán dẫn SIA, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.