Việt Nam có hệ thống pháp lý cơ bản hoàn chỉnh cho tài chính xanh
Thời gian qua, thị trường trong nước đã chứng kiến làn sóng về nhu cầu đối với các sản phẩm xanh như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh và khoản vay xanh. Các sản phẩm này đã giúp các doanh nghiệp thêm cơ hội tiếp cận vốn để phát triển, đầu tư các dự án xanh, bền vững.
Lợi ích mà doanh nghiệp, nhà đầu tư thu được từ tài chính xanh là vô cùng lớn. Bởi việc áp dụng tài chính xanh mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG). Điều này giúp nhà đầu tư nâng cao uy tín.
Tài chính xanh sẽ mang lại cho doanh nghiệp cơ hội chuyển đổi xanh. Ảnh: CTVBên cạnh đó, với tài chính xanh, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tốt hơn. Các dự án bền vững thường được hưởng lợi từ các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc được giảm thuế, giúp giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ phát triển.
Ngoài ra, việc đầu tư xanh giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt hơn trong dài hạn, đặc biệt là về mặt pháp lý và môi trường.
Về phía Chính phủ, các nguồn lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được xác định rõ trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -2030, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, khu vực tư nhân, hỗ trợ quốc tế và các nguồn vốn cộng đồng khác.
Đặc biệt, vấn đề huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh cũng là một định hướng được chú trọng trong Chiến lược tài chính đến năm 2030 (Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022). Trong đó, Chiến lược nêu rõ quan điểm, mục tiêu về cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Còn chiến lược tài chính đến năm 2030 cũng đề ra những giải pháp hướng đến huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho các hoạt động kinh tế xanh và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển thị trường vốn, thị trường bảo hiểm xanh…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, tại Việt Nam, hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế.
Ông nhận thấy, cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang rộng mở. Các cam kết, nguồn vốn quốc tế cho tăng trưởng xanh đã sẵn sàng.
Tài chính xanh - Tương lai của Việt Nam
Theo ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao khối khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng UOB Việt Nam thì khẳng định: “Tài chính xanh là yếu tố bản lề, then chốt và là tương lai của Việt Nam”.
Đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh và thương hiệu cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TH“Doanh nghiệp nên đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh hoặc phát triển sản phẩm có tính thân thiện với môi trường. Điều này giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, đồng thời, tạo ra doanh thu bền vững và thúc đẩy sự phát triển kinh doanh”, TS. Nguyễn Kiều Lan Phương, giảng viên, nghiên cứu viên tại Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững (Trường đại học Nguyễn Tất Thành) đưa ra lời khuyên.
Trong tương lai, để doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt được những cơ hội từ tài chính xanh, TS. Nguyễn Kiều Lan Phương cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy các chính sách thuế và phát hành trái phiếu xanh để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp giảm đến mức thấp nhất lượng phát thải carbon.
Song song với đó là hướng dẫn người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng nhằm tăng thu nhập cho các hộ gia đình thông qua hệ thống bán tín chỉ carbon; đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất.
Ngoài ra, bà Lan Phương nhìn nhận, Chính phủ cần hướng doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp xanh, thay vì tập trung quá mức vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Cần ban hành các quy định bắt buộc các công nghệ tài chính (Fintech) như: Momo, VNPay, Finhay… Và phải có công cụ đo lường mức độ phát thải carbon, có chính sách/công cụ hỗ trợ người dùng hoán đổi lượng khí thải carbon tiết kiệm được thành các voucher/code khuyến mãi…
Sự đồng hành của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng triệt để những cơ hội từ tài chính xanh, tăng cường đầu tư và phát triển bền vững.