CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Báo cáo về thị trường trung tâm dữ liệu (data center) của Savill cho biết, tính đến cuối quý 1/2024, Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu do 48 nhà cung cấp dịch vụ vận hành, nằm chủ yếu tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.
Theo CTCK VNDIRECT, 4 doanh nghiệp nội địa là Viettel, VNPT, FPT Telecom và CMC Telecom - nắm giữ 97% thị phần, nhờ việc tận dụng lợi thế từ nền tảng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Các nhà cung cấp quốc tế như AWS, Microsoft và Google chiếm 77,8% thị trường điện toán đám mây nhưng thiếu cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
CUỘC ĐUA TRUNG TÂM DỮ LIỆU: ĐÂU LÀ TRUNG TÂM LỚN NHẤT VIỆT NAM?
Theo thông tin tại lễ khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 của Viettel hồi tháng 4/2024, tổng số tủ rack của các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là 20.000, tổng công suất thiết kế là 145 MW.
Viettel đang là doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường Việt Nam với 14 trung tâm dữ liệu, tổng công suất là 87MW, song quy mô này là mức nhỏ so với trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới, vốn ở mức 100-200 MW. Theo sau đó về số lượng là VNPT và FPT.
Một điều thú vị là các doanh nghiệp đều công bố mình sở hữu “trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam”.
Cụ thể, tháng 4/2024, trung tâm dữ liệu thứ 14 của Viettel tại Hoà Lạc khai trương, có hơn 60.000 máy chủ, hơn 2.400 racks, 21.000 m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30 MW, được giới thiệu lớn nhất Việt Nam. Thực tế chi tiết hơn, đây là trung tâm dữ liệu có CÔNG SUẤT ĐIỆN lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Bởi vì trước đó, vào tháng 10/2023, VNPT khai trương Trung tâm dữ liệu VNPT IDC Hòa Lạc với lời giới thiệu là quy mô lớn nhất Việt Nam. VNPT IDC Hòa Lạc có tổng diện tích sử dụng 23.000 m2 với quy mô 2.000 tủ racks. Tại thời điểm khai trương, đây đúng là trung tâm dữ liệu lớn nhất tính cả về diện tích và số tủ racks (không công bố công suất điện). Nhưng đến thời điểm hiện tại, VNPT IDC Hòa Lạc chỉ còn lớn nhất về TỔNG DIỆN TÍCH sử dụng.
Một doanh nghiệp khác là FPT Telecom, vào ngày 4/5/2020, đã khởi công Trung tâm dữ liệu tại Khu Công nghệ cao, quận 9, TP HCM, được giới thiệu là lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành.
Trung tâm dữ liệu này theo công bố ban đầu có diện tích 10.000 m2 và cung cấp 3.600 Racks. Như vậy có thể hiểu đây là trung tâm dữ liệu có LƯỢNG TỦ RACK lớn nhất Việt Nam.
Mặc dù vậy, đó là trong tương lai, bởi vì dự án đã bị hoãn lại cho đến năm 2025, thay vì ra mắt vào quý 3/2024 như kế hoạch (kế hoạch đầu tiên là ra mắt năm 2021) và được bổ sung thêm 476 tủ mạng, tương đương với mức tăng 13% công suất hiện tại.
Theo thông tin của FPT Telecom, bên cạnh trung tâm dữ liệu đang được xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh, họ có 3 trung tâm dữ liệu đang vận hành (FPT Duy Tân - Hà Nội, FPT Tân Thuận - Q7, tp.HCM và FPT Fornix - Hà Nội). Tổng năng lực đáp ứng hiện tại (chưa bao gồm Trung tâm dữ liệu FPT tại Quận 9, TP.HCM) là 8.000 m2 và 3.400 racks.
Cũng trong năm 2024, VNG và ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) hợp tác thành lập Liên doanh để xây dựng và vận hành 2 Trung tâm dữ liệu tại TP.HCM.
Hợp tác này bao gồm việc tiếp tục vận hành Trung tâm dữ liệu STT VNG Ho Chi Minh City 1 (tên mới của VNG Data Center, khai trương năm 2022) và thành lập 1 Trung tâm dữ liệu mới với tên gọi STT VNG Ho Chi Minh City 2, cũng đặt tại TP.HCM và cách cơ sở đầu tiên 1,5 km.
Dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026, STT VNG Ho Chi Minh City 2 có khả năng cung cấp công suất điện lên đến 60 MW sau khi hoàn thiện. Nếu đạt được, đây sẽ là trung tâm dữ liệu mới lớn nhất Việt Nam về công suất điện.
Bên cạnh đó, GreenNode, đơn vị kinh doanh AI Cloud thuộc VNG đã hợp tác cùng NVIDIA và STT GDC khai trương trung tâm xử lý dữ liệu Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Bangkok (Thái Lan). Đây là một trong những hạ tầng AI Cloud quy mô lớn đầu tiên của Đông Nam Á, do đội ngũ GreenNode tự vận hành.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh ứng dụng AI phát triển và có mức tiêu thụ năng lượng vượt trội ứng dụng truyền thống, công suất điện và khả năng làm mát là chỉ số mà các trung tâm dữ liệu hướng tới, thay vì số lượng tủ rack.
Rack : dùng để chỉ một khung hoặc tủ để chứa và sắp xếp các thiết bị phần cứng như máy chủ, thiết bị mạng (switch, router), thiết bị lưu trữ và các thiết bị khác.
Công suất điện (MW): tổng công suất điện mà trung tâm dữ liệu đó tiêu thụ. Nó cho biết khả năng cung cấp điện cho tất cả các thiết bị và hệ thống trong trung tâm dữ liệu. Một trung tâm dữ liệu có công suất lớn hơn có thể chứa nhiều thiết bị hơn và xử lý khối lượng công việc lớn hơn.
Diện tích: cho biết không gian mà trung tâm dữ liệu có để chứa các thiết bị phần cứng, hệ thống làm mát, hệ thống điện và các thành phần khác. Diện tích lớn hơn cũng cho phép trung tâm dữ liệu có khả năng mở rộng trong tương lai. Khi nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu tăng lên, trung tâm dữ liệu có thể dễ dàng thêm các thiết bị mới mà không cần phải xây dựng một trung tâm dữ liệu mới.
Khi đánh giá công suất điện của một trung tâm dữ liệu, cần xem xét cả các yếu tố khác như hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE), khả năng làm mát và khả năng mở rộng trong tương lai.
Trong khi Viettel, VNPT và FPT quảng cáo về độ lớn của trung tâm dữ liệu thì CMC Corp “đánh” vào tiêu chuẩn an toàn. Tính đến hiện tại, CMC Corp có 3 trung tâm dữ liệu và quảng bá là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn An toàn Hệ thống thông tin Cấp độ 4.
Trong đó, với quy mô diện tích sàn 10.000m2, gồm 1200 tủ racks, trung tâm dữ liệu CMC Tân Thuận được giới thiệu là an toàn và hiện đại nhất Việt Nam năm 2022, do tạp chí IBM bình chọn. Công ty cũng cho biết đang nắm 40% thị phần trung tâm dữ liệu của các ngân hàng, hơn 60% doanh nghiệp OTT là khách hàng thường niên.
NHỮNG TAY CHƠI MỚI SẼ “KHỦNG” HƠN?
Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đã tạo ra doanh thu 685 triệu đô la vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 1,44 tỷ đô la vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,1%.
Được xếp vào 1 trong 10 thị trường DC mới nổi trên thế giới, nhưng quy mô Việt Nam vẫn nhỏ hơn nhiều so với các nước lân cận như Singapore, Indonesia, Thái Lan.
Mặc dù vậy, thị trường đang thu hút những “tay chơi” mới đang ngấp nghé.
Tháng 10/2024, Vingroup và Benya Technologies, doanh nghiệp đại diện cho một nhóm các nhà đầu tư đến từ Trung Đông và châu Phi đã ký biên bản ghi nhớ sẽ cùng đánh giá tính khả thi và xây dựng kế hoạch triển khai các dự án.
Một dự án được đề cập là dự án trung tâm dữ liệu siêu lớn với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 3,5 tỷ USD. Dự án trung tâm dữ liệu siêu lớn sẽ được phát triển trong ba giai đoạn với quy mô ước tính lên đến 300 MW.
Ngày 11/12/2024, tại trụ sở UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, CTCP Đầu tư Xây dựng DCH (DCH) đã trình bày phương án, kế hoạch triển khai Dự án Siêu Trung tâm Dữ Liệu - Digital Hub với tổng vốn đầu tư lên tới 35.000 tỷ đồng, gồm 5 tòa nhà DC Hall với 20MW/tòa, tổng công suất toàn bộ 5 DC Hall lên đến 6.000 tủ racks.
Hãng Reuters đưa tin ngày 29/8/2024 cho biết, Alphabet, công ty mẹ của Google, đang cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu "siêu quy mô" gần Thành phố Hồ Chí Minh. Đây sẽ là khoản đầu tư đầu tiên của một công ty công nghệ lớn của Mỹ vào Việt Nam. Không rõ Google sẽ đưa ra quyết định đầu tư nhanh như thế nào, nhưng nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán nội bộ đang diễn ra và trung tâm dữ liệu có thể sẵn sàng vào năm 2027.
Các trung tâm dữ liệu siêu quy mô lớn trong ngành sẽ có mức tiêu thụ điện năng thường tương đương với một thành phố lớn.
Một trung tâm dữ liệu siêu lớn với công suất tiêu thụ điện năng 50 megawatt (MW) có thể có chi phí từ 300 triệu đến 650 triệu USD, theo ước tính dựa trên dữ liệu do công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle công bố trong báo cáo năm nay về các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Hãng tin Nikkei của Nhật Bản cũng đã đưa tin vào tháng 5 rằng công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đang xem xét xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.