CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đã có những nhận định rất lạc quan về tình hình xuất khẩu rau quả trong 10 tháng qua trong cuộc trả lời phỏng vấn với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy dưới đây.
Thưa ông, được biết năm nay xuất khẩu rau quả đạt những thành tích rất khả quan. Xin ông cho biết về kết quả xuất khẩu rau quả 10 tháng qua?
Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 10/2023 đạt khoảng 699,034 triệu USD tăng 4,7 % với tháng trước (tháng 9/2023 đạt 667,549 triệu USD) và tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022 (tháng 10/2022 đạt 309,663 triệu USD). Lũy kế 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 4.912,627 triệu USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước (10 tháng của năm 2022 đạt 2.752,855 triệu USD.
"Như vậy, tính riêng trong tháng 10/2023, ngành rau quả xuất siêu 547,598 triệu USD. Tính chung 10 tháng, ngành rau quả xuất siêu 3.3060,004 triệu USD"
Về nhập khẩu, ước tính trong tháng 10/2023 nhập khẩu đạt 151,436 triệu USD, giảm 13,3% so với tháng trước (tháng 9/2023 đạt 174,2 triệu USD); giảm 13,4% so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng của năm 2023, nhập khẩu rau quả ước đạt 1.606,623 triệu USD giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sầu riêng đã có sự bứt phá ngoạn mục, ông nhận định thế nào về loại trái cây này?
Có thể thấy, sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bứt phá ngoạn mục. Năm nay, Hải quan Trung Quốc cũng đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép, đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này.
Chúng ta đang chứng kiến giá trị xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng rất mạnh, từ mức kim ngạch chỉ 29,2 triệu USD năm 2016, đã tăng vọt lên 420 triệu năm 2022. Trong 10 tháng của năm nay, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, như vậy chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD trong năm 2023. Với việc tăng cường chất lượng, cùng với việc được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, và mở cửa thêm nhiều thị trường thì con số xuất khẩu sầu riêng 3,5 tỷ USD trong thời gian tới chúng ta cũng hoàn toàn có thể đạt được.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua có sự tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn còn thấp so với Thái Lan và Malaysia. Xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của sầu riêng Việt Nam hiện chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan, Malaysia. Đặc biệt, mới đây Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, cụ thể là tăng độ khô của cơm sầu riêng từ 32% lên 35% và thực hiện giám sát từng lô hàng để đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đề ra. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trồng sầu riêng và doanh nghiệp Việt Nam.
"Sầu riêng Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan và Malaysia.
Thứ nhất, về khẩu vị, người tiêu dùng Trung Quốc thích ăn trái sầu riêng chín mềm. Đây lại là thế mạnh với trái sầu riêng ở Việt Nam, bởi từ lúc ra bông cho đến trái chín là 120 ngày và để xuất khẩu sang Trung Quốc thì chỉ cần đến ngày thứ 110 là nông dân có thể thu hái, vận chuyển nhanh đến tay người mua khi trái vừa chín tới.
Sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ có theo vụ. Tuy sản lượng sầu riêng Việt Nam còn thấp so với Thái Lan nhưng Việt Nam có lợi thế xử lý ra trái nghịch mùa của nông dân trồng sầu riêng Việt Nam. Nếu trước đây, ít địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể trồng sầu riêng cho trái nghịch mùa, thì hiện nay sầu riêng có thể trồng được ở những vùng miền trên cả nước. Đặc biệt, ở những địa phương như Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang…, điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi để phát triển cây sầu riêng, nhưng hiện bà con đã có thể trồng và được người tiêu dùng đánh giá cao về mặt chất lượng.
Thứ hai, lợi thế về khoảng cách vận chuyển gần. Tại Việt Nam, sau khi thu hái, sầu riêng được vận chuyển lên cửa khẩu phía Bắc và ra đến chợ Trung Quốc chỉ mất 1 ngày rưỡi (sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn, gỡ bỏ chính sách Zero Covid). Trong khi đó, vận chuyển sầu riêng từ Thái Lan phải mất ít nhất phải 7 - 10 ngày".
Theo các dự báo, đến năm 2025, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng thế giới trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Như vậy, thời gian tới, thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn rất tốt. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con tính đến yếu tố bền vững, tăng cường chất lượng về sản phẩm và về giống.
Ông dự báo như thế nào về kết quả xuất khẩu rau quả cả năm 2023?
Qua thống kê quý 4/2023, cả nước sẽ có khoảng gần 4 triệu tấn trái cây chủ lực các loại được thu hoạch và đưa ra tiêu thụ. Như vậy trong hai tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể đem về 0,6-0,8 tỷ USD. Với kết quả đã đạt được trong 10 tháng qua, dự báo xuất khẩu ngành hàng rau quả cả năm 2023 có thể đạt 5,5 – 5,8 tỷ USD.
Dù tình hình xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những điểm sáng nổi bật, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần kiểm soát tốt chất lượng các mặt hàng, bảo đảm chặt chẽ các quy định về phía nhập khẩu. Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…
Năm nay, đã có một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Do đó, chúng tôi đề nghị và khuyến cáo các doanh nghiệp và các địa phương cần kiểm soát tốt chất lượng để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu. Có như vậy, ngành hàng rau quả và xuất khẩu rau quả mới đạt được tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2023 phát hành ngày 06-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam