CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Đứng ở góc nhìn của một chuyên gia tài chính, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital, dự báo khả năng rất cao là ông Donald Trump muốn USD mạnh. Điều đó đồng nghĩa lãi suất tại Mỹ duy trì ở mức cao. Thêm vào đó, việc đánh thuế mạnh với hàng hóa Trung Quốc thì khả năng phá giá đồng Nhân dân tệ rất mạnh. Những điều đó khiến cho Việt Nam sẽ gặp những áp lực riêng.
Khó tránh biến động thương mại
Chính vì vậy, ông Tuấn đã nêu rõ hai từ khóa cho năm 2025 sắp tới, đó sẽ là “Trump” và “volatility” (biến động).
Ngành thép Việt thường xuyên đối mặt những cuộc điều tra phòng vệ thương mại từ phía Mỹ.
Cũng nói về tác động từ nhiệm kỳ hai của Donald Trump, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đề cập đến hai từ khóa cho kinh tế Việt Nam và thế giới khi bước vào năm 2025 là “thương mại” và “chiến tranh thương mại”.
Những từ khóa như vậy rất đáng để các nhà xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào Mỹ lưu tâm cho năm 2025 sắp đến khi mà giới quan sát dường như quan ngại chính sách của tân Tổng thống Mỹ có thể sẽ tạo ra không ít biến động về thương mại.
Nhất là khi Mỹ đang là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam (XK vào Mỹ trong 10 tháng năm 2024 đạt 98,4 tỷ USD). Nhưng song song đó, hoạt động XK vào thị trường chủ lực này vẫn canh cánh các rào cản bảo hộ thương mại.
Nếu nhìn lại tháng 10 vừa qua sẽ thấy phía Mỹ tiếp tục một loạt động thái điều tra chống bán giá với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đơn cử như việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm đúc bằng sợi nhập khẩu.
Theo số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), năm 2023, Việt Nam XK sản phẩm đúc bằng sợi khoảng 50 triệu USD và chiếm khoảng 9% trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Từ đầu năm 2024 đến tháng 8 năm nay, Việt Nam đã XK sản phẩm này khoảng 34,5 triệu USD.
Trong cáo buộc bán phá giá này, biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 231,73% - 260,56%. Do Hoa Kỳ coi Việt Nam là nước có kinh tế phi thị trường nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) dự định sử dụng giá trị thay thế của Indonesia.
Hoặc như việc phía Mỹ vừa nhận hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm vỏ viên nhộng cứng và khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép dẫn dầu (OCTG)...
Và tính đến nay Mỹ đã điều tra gần 70 vụ liên quan đến hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025, vốn là người có quan điểm đặt nặng chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất tại Mỹ, liệu rằng việc áp dụng các “đòn” phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng Việt có gia tăng mạnh hay không?
Như lưu ý của ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, các biện pháp PVTM sẽ được thiết lập và các vụ kiện PVTM có thể sẽ nhiều hơn khi Donald Trump có những chính sách bảo hộ với mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, hay “lấy lại việc làm cho người Mỹ”. Cho nên các nhà XK của Việt Nam sẽ phải cẩn trọng, có phương án chủ động sớm với các chính sách mới thời Tổng thống Trump.
Tính toán theo “đường dài”
Còn theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ACB (ACBS), các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị áp thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá, do Việt Nam vẫn đang bị xếp là nền kinh tế phi thị trường và có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Những mặt hàng Việt Nam đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ rất thấp là gỗ (0%), thủy sản (0%), săm lốp (4%). Trong khi đó, dệt may và thép, tôn mạ đều đang có mức thuế nhập khẩu khá cao, từ 8-25%. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng này hiện tại đều chưa bị áp thuế chống bán phá giá.
“Do đó, nếu sự tăng lên đồng loạt của cả thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá có thể triệt tiêu những lợi ích dự kiến tăng thêm từ việc tái phân bổ thương mại. Bên cạnh đó, việc điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có thể trở nên gắt gao hơn để đảm bảo Mỹ không bỏ sót các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia khác. Vì vậy, các chiến dịch điều tra và giải trình có thể trở nên phức tạp hơn đối với các DN xuất khẩu Việt Nam”, phía ACBS lưu ý.
Thực tế cho thấy XK của Việt Nam sang Mỹ có thể gặp thách thức nếu Trump áp dụng thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa như ông tuyên bố. Các ngành XK (thủy sản, dệt may, săm lốp, đồ gỗ, thép...) có thể sẽ đối mặt với khó khăn trong ngắn hạn về chính sách thuế, và khó khăn trong dài hạn về việc suy giảm nhu cầu từ thị trường Mỹ nếu hàng hóa nhập khẩu trở nên quá đắt đỏ.
“Tuy nhiên, khó khăn này có thể bù đắp phần nào nếu các DN Việt Nam có thể lấy được một phần miếng bánh XK từ Trung Quốc”, phía ACBS nêu rõ.
Mặc dù có thể sẽ gặp những tác động ngắn hạn như vậy, nhưng điều kỳ vọng là hàng Việt XK vào Mỹ sẽ được hưởng lợi dài hạn nếu như các DN biết tính toán theo “đường dài”. Với bề dày kinh nghiệm XK vào thị trường Mỹ, bà Phan Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công ty TNHH TMTM, nhấn mạnh các DN Việt cần nắm vững, tính chuyện “đường dài” về pháp lý thương mại ở thị trường Mỹ trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, bà Mai có lời khuyên cho các DN Việt chú tâm đến quản trị rủi ro các tiêu chuẩn đánh giá của nhà bán lẻ Mỹ (như tuân thủ pháp luật, các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường, xung đột lợi ích, tham nhũng…). Nhất là cần tăng quảng bá hình ảnh, có nhiều phương án để đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng Mỹ.
Không chỉ thế, điều kỳ vọng dài hạn là Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Theo chuyên gia kinh tế Phan Minh Hòa (Đại học RMIT), để giành lại sức cạnh tranh cho hàng hóa XK, Việt Nam đã nỗ lực để Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Với những nỗ lực Việt Nam đã thực hiện và sự ghi nhận của những đối tác lớn, Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường.
“Từ phía Việt Nam, sau hơn hai thập kỷ chịu bất lợi trong những vụ kiện chống bán phá giá, việc được Mỹ công nhận sẽ giải phóng những trở ngại cho XK của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các đối tác còn lại công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường”, bà Hòa chia sẻ.
Thế Vinh