CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

6 giải pháp phục hồi doanh nghiệp lữ hành

Invest Global 16:07 13/11/2021

Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế ở Việt Nam, trong đó có ngành du lịch. Doanh nghiệp lữ hành, một trong những lực lượng nòng cốt của ngành du lịch là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề. Định hướng và hỗ trợ để doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành có đủ sức khỏe phát triển trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với ngành du lịch hiện nay.

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức

Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước (Hình 1), trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; từ quý II đến nay chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Ở trong nước, du lịch nội địa liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành điêu đứng, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động; các khách sạn phải đóng cửa. Cụ thể, năm 2020, cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa, nhưng có đến 90%-95% các doanh nghiệp lữ hành phải tạm dừng hoạt động.

Cũng trong năm 2020, có 201 công ty lữ hành xin cấp mới giấy phép, nhưng có tới 338 công ty xin thu hồi giấy phép. Nhiều công ty lữ hành quốc tế chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa. Hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng trên cả nước nhưng công suất phòng chỉ đạt 20% - 25% ở các tỉnh/thành trên cả nước; một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì không cầm cự nổi.

6 giải pháp phục hồi doanh nghiệp lữ hành - Ảnh 1.

Khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021)

 Hoạt động du lịch bị đình trệ dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 ước tính chỉ đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, giảm 59,5% so với năm trước. Một số sự kiện quảng bá, xúc tiến điểm đến trong kế hoạch công tác năm 2020 đã không thực hiện được, như: Năm Du lịch quốc gia 2020 - Ninh Bình; quảng bá nhân sự kiện giải đua xe F1; Hội chợ WTM (Anh)…

Năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước tính đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 50,5 nghìn lượt người, giảm 98,3%.  Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch, khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm nay đạt 31,5 triệu lượt, trong đó có 16,1 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ khách du lịch đạt 136.850 tỷ đồng, giảm 41,27% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi từ tháng 4 đến nay, Việt Nam đóng cửa với khách du lịch quốc tế.

Từ năm 2020 - 2021, chỉ hơn 1 năm đã có đến 90% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Hiện nay chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc với phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa nhưng hầu hết tạm dừng hoạt động trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư này. Người lao động trong ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi nghề khác để kiếm sống, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam cần ít nhất 5 năm để phục hồi.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ

Để đối phó với những tác động từ dịch bệnh đối với ngành du lịch, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, trong đó, doanh nghiệp và lao động ngành du lịch là một trong số những đối tượng được quan tâm và hưởng chính sách hỗ trợ, bao gồm: gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, bảo tàng, khu vui chơi giải trí; giảm giá tiền điện cho các cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp; miễn, giảm lãi suất và lệ phí; tiếp cận các khoản vay ưu đãi không lãi cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên; hỗ trợ tài chính người lao động du lịch bị mất việc hoặc nghỉ không lương bởi đại dịch...

Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID -19 quy định các chính sách cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành du lịch, như: giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020…

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có liên quan đến hướng dẫn viên du lịch và một số cá nhân liên quan đến hoạt động du lịch. Ngành du lịch cũng đã ó các văn bản đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ khác cho các doanh nghiệp du lịch để triển khai trong và sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai và cập nhật các cơ chế, chính sách mới ban hành trong gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

6 giải pháp phục hồi doanh nghiệp lữ hành - Ảnh 2.

Định hướng và hỗ trợ để doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành có đủ sức khỏe phát triển trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với ngành du lịch hiện nay. Ảnh minh họa

 Đại dịch COVID -19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu ngành du lịch, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa. Ước tính doanh thu du lịch lữ hành tháng 5/2021 đạt 387 tỷ đồng, giảm 53,5% so với tháng trước và giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, dịch bệnh bùng phát trở lại lần thứ 4 khiến hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa đã bị ngưng trệ. Do tâm lý lo ngại, lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80 - 90% trong tháng 5 và tháng 6/2021, đây là thời gian cao điểm du lịch hè.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phục hồi và phát triển, cần tiếp tục có các giải pháp sau đây:

Một là, hỗ trợ về tài chính và áp dụng cơ chế miễn, giảm, giãn nộp thuế và hạ lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch.

Các doanh nghiệp lữ hành rất cần Chính phủ hỗ trợ tài chính thông qua việc nới lỏng điều kiện cho vay trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được tiếp cận và vay gói hỗ trợ trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp lữ hành rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của Nhà nước do đặc thù không có tài sản cố định có giá trị lớn để thế chấp tại các ngân hàng, ngay cả khi có tài sản thế chấp cũng khó vay vốn. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động.

Đây là giải pháp mang tính tích cực, tạo ra tiền đề để doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ có thể ổn định lâu dài. Đồng thời, giảm lãi suất, bảo lãnh giãn trả nợ ngân hàng, giãn nộp thuế và các khoản đóng góp cho Nhà nước (miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ, giãn nộp thuế VAT đối với doanh nghiệp chưa quyết toán thuế do ảnh hưởng của đại dịch COVID–19 và các khoản đóng góp liên quan tới lao động...) trong thời gian dịch bệnh cho những doanh nghiệp có nguồn tài chính vững chắc và ổn định nhưng đang gặp khó khăn về dòng tiền tạm thời do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chính quyền địa phương cần xem xét hỗ trợ cắt giảm chi phí đối với tiền vé, phí, lệ phí cho các hoạt động du lịch như miễn vé vào các điểm tham quan,... nhằm tạo điều kiện thu hút khách du lịch. Miễn giảm các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và xã hội cho doanh nghiệp du lịch. Đối với hướng dẫn viên, cần thực hiện ngay việc đơn giản hóa thủ tục, chỉ cần có thẻ hướng dẫn viên du lịch là được hỗ trợ thay vì đòi hỏi phải có hợp đồng lao động như hiện nay.

Hai là, triển khai thí điểm đón khách du lịch nội địa ở một số vùng, đạ phương. Các doanh nghiệp lữ hành cần chủ động sáng tạo các chương trình du lịch mới, đa dạng để thúc đẩy thu hút khách du lịch nội địa.

Thị trường khách nội địa cần được xác định là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động quảng bá, thúc đẩy du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam.

Thực hiện thí điểm đón khách du lịch nội địa ở một số tỉnh/thành phố của các vùng đã kiểm soát tốt dịch bệnh tiến tới nhân rộng ra cả nước khi điều kiện cho phép, ví dụ, các tỉnh trong vùng Đông Bắc (Hà Giang – Tuyên Quang - Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn) hoặc các tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình – Sơn La – Đện Biên – Lai Châu – Yên Bái – Phú Thọ) liên kết tổ chức đón khách du lịch nội địa theo chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức trên cơ sở tuân thủ một số điều kiện về an toàn tại các điểm đến. Sớm mở lại và tăng cường các chuyến bay nội địa cũng như các phương tiện vận tải khác đến các điểm du lịch chính đảm bảo các điều kiện an toàn cho khách du lịch và người dân tại các điểm đến, khu, điểm du lịch. Việc này vừa giúp lưu thông ngành giao thông - mạch máu của nền kinh tế vừa tạo điều kiện thúc đẩy ngành du lịch nội địa khôi phục.

COVID -19 làm thay đổi toàn bộ hành vi tiêu dùng cũng như nhu cầu của khách du lịch. Để thành công trong chương trình quảng cáo, thúc đẩy du lịch nội địa, các công ty lữ hành cần tung ra các chương trình du lịch, tour ngắn ngày, trong khoảng cách gần và bổ sung thêm các chương trình, tour hướng đến các yếu tố thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe và loại hình du lịch thể thao mang tính gắn kết gia đình.

Nguyên tắc cơ bản của chương trình quảng cáo là bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá các dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả du khách có điều kiện đi du lịch, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ; tăng thêm dịch vụ bổ sung nhưng không tăng giá để bảo đảm hấp dẫn cho du khách. Ngoài chuyện giảm giá, làm phong phú chương trình du lịch, các dịch vụ ẩm thực cũng cần được làm mới bởi tâm lý người Việt rất thích được thưởng thức ẩm thực đặc trưng, khác biệt ở các vùng miền. Khi khôi phục được du lịch nội địa, các hoạt động sẽ liên tục tạo việc làm, thu nhập, tạo sự lan tỏa cho nền kinh tế.

Ba là, cùng với chương trình quảng cáo thúc đẩy du lịch theo cách truyền thống, các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu đẩy mạnh quảng cáo du lịch bằng công nghệ số, giảm dần việc tham gia các hội chợ du lịch, roadshow.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, nhất là khi đại dịch COVID-19 diễn ra đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số càng trở nên thiết yếu. Thời gian tới, cần đầu tư nhiều hơn vào giải pháp truyền thông số cho các phương án truyền thông xúc tiến du lịch, thay cho các kênh quan hệ công chúng truyền thống, như: roadshow, hội chợ… cho phù hợp với xu hướng thị trường du lịch trong tình hình mới.

Các công ty đại lý lữ hành trực tuyến cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ đặt vé qua tin nhắn hoặc các nền tảng mạng xã hội để tăng khả năng thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tính đến chuyện áp dụng công cụ số vào những điểm mới trên hành trình của khách hàng. Cần nhìn nhận thực tế rằng, những yếu tố thúc đẩy sự gắn bó của khách hàng đã thay đổi.

Trong bối cảnh mọi thứ đều không chắc chắn, du khách sẽ ưu tiên chọn khách sạn cho phép hủy chuyến hơn là khách sạn có thương hiệu hay giá thành tốt hơn. Trong trường hợp đó, các doanh nghiệp có thể cho phép khách hàng tự lên lịch trình bằng cách sử dụng các công cụ số liên kết với nhau và hỗ trợ khả năng sửa hoặc hủy kế hoạch. Những giải pháp và chính sách cho phép khách hàng có sự lựa chọn và kiểm soát lịch trình của mình sẽ giúp xây dựng niềm tin và sự tin tưởng về lâu dài – vốn là điều kiện cần thiết để sớm kéo du khách trở lại.

Một số ứng dụng cụ thể như: ra mắt trang thông tin điện tử giúp du khách dễ dàng tìm hiểu các chương trình du lịch và điểm đến du lịch; đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube. Ngoài ra, các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch của các địa phương đã đưa vào vận hành hệ thống truyền thông số (Cổng thông tin điện tử, web thông tin chương trình kích cầu du lịch.) để các doanh nghiệp lữ hành có thể thúc đẩy các gói truyền thông trên nền tảng mạng xã hội nhằm lan tỏa thông tin, hình ảnh về điểm đến an toàn của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bốn là, doanh nghiệp lữ hành cần nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc khách hàng bằng việc triển khai quản lý quan hệ khách hàng - CRM ((Customer Relation Management)  trên nền tảng công nghệ số.

Để thiết lập mối quan hệ bền vững với khách hàng và khách hàng tiềm năng, các doanh nghiệp lữ hành cần triển khai CRM với mục tiêu như sau:

- Nắm chắc hành trình của khách du lịch;

- Đưa ra ưu đãi tốt nhất theo thời kỳ cụ thể và nhu cầu của khách du lịch;

- Tạo ra các chiến dịch tiếp thị có lợi nhuận và có mục tiêu;

- Quản lý các khiếu nại của khách du lịch;

- Hiểu được trải nghiệm của khách du lịch;

- Hiểu được cơ chế cạnh tranh từ các đối thủ cạnh tranh.

Việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số được khuyến khích để phát huy hiệu quả tối ưu thông qua triển khai CRM cho đại lý du lịch hiện được coi là một bước thiết yếu để đáp ứng những thách thức này.

Năm là, các doanh nghiệp lữ hành cần đầu tư đa dạng sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch mới.

Ưu tiên các giải pháp sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất để cạnh tranh với các địa phương khác trong khu vực. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể tăng cường chuỗi giá trị dịch vụ và nâng cao hình ảnh điểm đến, tạo dựng liên kết bền vững trong hoạt động du lịch địa phương.

Các doanh nghiệp lữ hành cần nghiên cứu phối hợp với các công ty bảo hiểm để triển khai các gói sản phẩm du lịch kết hợp với bảo hiểm hủy chuyến, bảo hiểm dịch bệnh COVID-19 để đáp ứng nhu cầu du lịch an toàn của du khách, thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng trong nước.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế. Ngành du lịch cần tiếp tục mở rộng sự kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước, nhất là các đơn vị đầu mối ở trung tâm Thủ đô, các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng... để thu hút khách du lịch đến các vùng, địa phương trên cơ sở tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân tại điểm đến.

Theo TS. NGUYỄN ANH TUẤN (Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch)

Nhà đầu tư

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan