CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

AI: trò vui, nỗi lo âu và niềm trắc ẩn - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Invest Global 10:11 28/02/2023

(KTG) – Trí tuệ nhân tạo (AI) đã can dự vào đời sống chúng ta. Dù con người có vô tình hay hữu ý, tỏ ra lo âu hay bông phèng cợt nhả, thì nó cũng đã trở thành một phần của đời sống trong kỷ nguyên này. Có những trò vui ảo, có những lo lắng thực, nhưng cũng có những niềm trắc ẩn bị lãng quên…

Khi trí tuệ nhân tạo lấn sân vào nghệ thuật!Triển vọng cảnh sát trí tuệ nhân tạo

1. Một đôi vợ chồng trẻ từ miền Tây lên làm công nhân ở miền Đông, mong mỗi tháng gửi được chút tiền về quê nuôi con dại và cha mẹ già, thì liệu họ có màng tới AI không? Có thể vì tất bật với tăng ca, giữ việc, vì bận tâm chuyện nhà trọ, giá cả chi tiêu… mà họ không còn thời gian và sức lực quan tâm đến gì ngoài việc tính toán sao cho đủ sống.

ChatGPT ư? Hay mối đe dọa của AI? Chắc họ không quan tâm. Nhưng họ biết một thực tế không mấy dễ chịu nơi công xưởng của họ, đó là máy móc đang dần thay thế con người ở một vài mắt xích của dây chuyền.

Những ông chủ, hơn ai hết, biết rằng đầu tư công nghệ là xu thế tất yếu để giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động. Kỷ nguyên của chúng ta chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ ứng dụng trong sản xuất và dịch vụ.

AI mang lại sự tiện lợi, năng suất, sự chủ động trong tổ chức làm việc…, nhưng trên bình diện nhân văn, nó lấy đi cơ hội sinh nhai của người lao động nghèo, nhất là ở các nước đang phát triển – những nơi vốn dĩ lấy nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ làm tiêu chí cạnh tranh thu hút đầu tư.

Nếu nhìn bằng con mắt trắc ẩn, có thể thấy AI theo một cách âm thầm mà khốc liệt, thử thách từng bữa cơm của đôi vợ chồng công nhân lẫn gia đình ở miền quê của họ, ngay cả khi họ không hay không biết.

2. Thẻ ngân hàng của tôi mỗi tháng tự động bị trừ ít nhất hai khoản chi cho giải trí: nghe nhạc trên Spotify và xem phim trên Netflix.

Ban đầu, tôi là người chống lại xu thế lệ thuộc công nghệ trong thưởng thức nghệ thuật. Nhưng từ lúc nào không hay, tôi bị công nghệ dẫn dắt bởi các tính năng, ứng dụng trên máy tính, điện thoại… quá hiểu nhu cầu, tâm lý tiếp nhận và hành vi tiêu dùng của tôi.

Thời nghe cassette và CD, tôi phải đến cửa hàng dĩa nhạc chọn mua những album mình thích, phải theo dõi tin tức để chờ đón những album mới của nghệ sĩ mà mình ái mộ, và mở rộng phạm vi thưởng thức qua sự giới thiệu của bạn bè. Cảm giác chờ đợi cái mới, cái hay lúc ấy thật sự cần tính kiên nhẫn. Còn bây giờ, không cần quá kiên nhẫn, tôi mở tài khoản Spotify và tìm thấy ở đó một kho nhạc lớn mà có sống hết cuộc đời cũng không thể nghe hết.

Tôi mê Jazz, ứng dụng sẽ cho tôi ngập chìm trong Jazz. Tôi mê một giọng ca, ứng dụng sẽ cho tôi khám phá những giọng ca tương tự. Ứng dụng còn giới thiệu cho tôi những sản phẩm âm nhạc mới phát hành phù hợp với “gu” thưởng thức của tôi chính xác đến 80-90%. Đơn giản, vì AI đã nắm bắt lịch sử nghe nhạc của tôi. AI quá hiểu tôi cần gì.

Cũng vậy, với các ứng dụng phim ảnh, tôi ngập chìm trong kho phim. Tôi cần nhiều cuộc đời để có thể xem cho bằng hết những phim series, phim đoạt giải, phim truyền hình… được chúng liên tục cập nhật và giới thiệu.

Tôi trở thành một kẻ tự nguyện bị lệ thuộc vào những gợi ý của các ứng dụng đã nắm bắt được ý muốn của tôi qua các lựa chọn trước đó. Tôi trở thành kẻ-lệ-thuộc-hạnh-phúc vì có thể nghe lời AI mọi lúc mọi nơi, từ nghe nhạc, học hành, tra cứu tài liệu, mua sách đến xem phim.

Tôi sống với một người vô hình quá hiểu mình, có thể âm thầm tư vấn, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của mình. Dĩ nhiên là tôi phải bỏ tiền hàng tháng để nuôi sự nhiệt tình của “kẻ vô hình” đó.

Khoản tiền hàng tháng cũng đang có nguy cơ nhiều lên vì con số các ứng dụng nghe nhạc, xem phim, thư viện sách nói ngày càng nhiều lên, và cái sau tỏ ra vượt trội hơn cái trước.

3. Như vậy, AI đã lặng lẽ thâm nhập vào cuộc sống của tôi và những người xung quanh tôi từ lâu rồi, dù tôi và họ có ý thức điều đó hay không. Bọn trẻ sinh trưởng trong kỷ nguyên công nghệ sống với màn hình retina, màn hình cảm ứng từ khi tay chân biết cầm nắm đồ vật.

Chúng tìm kiếm trò chơi, giải trí, học hành, dò cơ hội học bổng, học kỹ năng, tìm hiểu thông tin về thần tượng… Sự hiện diện của AI trong đời sống của chúng là mặc nhiên, không cần truy vấn hay suy tư, như con cá không cần đặt câu hỏi tại sao mình bơi trong nước.

Cùng với cuộc sống ngoài đời, những người lớn lên với công nghệ đa số thiết lập cho mình một thứ căn cước ảo. AI nắm bắt, lưu trữ căn cước đó trong khối kiến trúc phức tạp có tên dữ liệu lớn (big data) mà các cá nhân đã chuyên cần góp những viên gạch.

Như vậy, chuyện AI can dự vào đời sống chúng ta đâu có mới. Nhưng khi ChatGPT tỏ ra rất hữu dụng trong việc xử lý các câu hỏi, các yêu cầu đặt ra, người ta lo lắng nó sẽ khiến công việc của các nhà báo, nhà thơ không còn ý nghĩa. Thầy cô cũng bắt đầu lo lắng rồi đây các bài luận văn sẽ do AI viết, các câu hỏi mà học trò đặt ra thì AI sẽ trả lời “trí tuệ” hơn cả thầy cô…

Quả là trong một số trường hợp, các bài thơ và văn bản nghiên cứu của ChatGPT khiến người ta phải “thán phục”. Liệu rằng máy móc sẽ khiến nhiều hoạt động sáng tạo và giáo dục bị thừa thãi trong thế giới này chăng? Những giá trị làm nên ý nghĩa của lao động sáng tạo, đạo đức học thuật và xây dựng đời sống tinh thần mà lâu nay chúng ta ngợi ca, hóa ra lại quá dễ tổn thương trước các thuật toán công nghệ?

Những băn khoăn ấy có tính lây lan khi được phổ quát thành cú sốc trước mối đe dọa của AI. Nhưng đổi lại, trong dòng chảy tâm lý có bề bi quan ấy, người ta gặp một tinh thần trào lộng ở khắp nơi. Vô số câu hỏi được đặt ra để thử thách trí thông minh nhân tạo, và AI không từ chối đối thoại với bất kỳ câu hỏi nào, chỉ là ngắn hay dài, hay hay dở, chính xác hay tào lao…, tùy vào kho dữ liệu nó khai thác được.

Người ta đang gặp một ChatGPT biết tuốt, trả lời tuốt, nhưng dù câu trả lời dồi dào kiến thức đến đâu vẫn không thể giấu được đặc tính “máy móc” của nó. AI không thay thế được nhà thơ ở khía cạnh sáng tạo ngôn ngữ có ý thức, có tư tưởng và đặc biệt là sự rung động của tâm hồn trong khoảnh khắc đặc biệt mà anh ta viết xuống bài thơ.

AI khác với nhà giáo ở giá trị mô phạm, sự quan tâm giải quyết vấn đề trong tương tác giảng dạy, sự linh hoạt và chủ động trong xử lý thông tin hay những suy tư trên nền tảng kiến thức riêng…

Vài năm gần đây có những trang báo trong nước cho thấy việc sử dụng AI làm việc. Người ta có thể nghe một bài báo được đọc theo giọng nam hay nữ, giọng Hà Nội hay Sài Gòn qua một cú nhấp chuột. Các giọng đọc ngày càng hoàn thiện, mềm mại “như thật”.

Thói quen đọc báo, đọc sách biết đâu rồi sẽ chuyển thành nghe báo, nghe sách với những chọn lựa theo yêu cầu: giọng nam hay nữ, giọng kim hay thổ… Nhưng có một điều máy móc không mang lại được, đó là hơi thở, thân phận, sự giao cảm tâm hồn nơi con người đọc cùng ta trang sách, như cách người cha, người mẹ đọc sách cùng con, hay một người tình từng trải mang lại những giờ phút thăng hoa bên trang sách mà ta đã gặp trong tác phẩm Người đọc của Bernhard Schlink.

Trong kỷ nguyên AI, cách hữu hiệu để chúng ta còn được làm người, đó là đừng để tâm hồn mình trở nên máy móc như… máy móc.

4. AI đi vào trong cuộc sống chúng ta, mang lại nhiều hệ lụy bên cạnh những tiện ích, khả năng đáp ứng nhu cầu và dẫn dắt nhu cầu con người. Khi ở chỗ này, người ta có thể “mua vui được một vài trống canh” qua những câu trả lời của AI thì trong căn phòng ọp ẹp của một khu công nhân trọ ở nơi kia, có thể đôi vợ chồng trẻ đang lo lắng bao giờ thì tới lượt họ phải rời công xưởng.

Điều đáng lo là khi ta hài hước, hả hê rằng máy móc không thay thế được trí tuệ xúc cảm và các nền tảng tinh thần của mình, thì đôi khi lại không mấy lưu tâm đến những nỗi khổ rất cụ thể xoay quanh bài toán sinh tồn mà tha nhân yếu thế đang phải đối diện từng ngày từng giờ.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan