CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Chiều 16/7, Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) đã phối hợp với Reatimes và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Vai trò của Hiệp hội, Doanh nghiệp và Cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách”.
Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia nhận định cải cách thể chế đang trở thành đòn bẩy để hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Khát vọng đó được cụ thể hóa qua “bộ tứ trụ cột” gồm 4 nghị quyết then chốt của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57, 59, 66 và 68). Đây không chỉ là kim chỉ nam cho cải cách thể chế mà còn là lời hiệu triệu toàn dân tộc biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tiễn. Để những chính sách, thể chế mới đi vào cuộc sống hiệu quả, các bên liên quan cần phát huy tối đa vai trò của mình.
Trong đó, các hiệp hội là cầu nối giữa chính sách và thực tiễn, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp thực tế với cơ quan quản lý Nhà nước.
Doanh nghiệp, với tư cách là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ chính sách, cần chủ động phản hồi về tính khả thi và hiệu quả của chính sách, nhất là trong quá trình hoàn thiện thể chế, sửa đổi đồng bộ nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Các cơ quan quan báo chí đóng vai trò giám sát, phản biện chính sách và truyền tải những chủ trương, chính sách mới.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên không chỉ là yêu cầu khách quan, mà còn góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của quốc gia.
NHIỀU DOANH NGHIỆP “NÉ” GÓP Ý VỀ CHÍNH SÁCHPhân tích về nội dung trên, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, nhận định: mục tiêu của chính sách hay pháp luật là điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực để đón nhận, thực thi, thì dù chính sách ban hành tốt đến đâu, hành vi doanh nghiệp vẫn có thể đi lệch mục tiêu quản lý, dẫn đến việc doanh nghiệp cảm thấy nặng nề khi thực thi chính sách.

Do đó, để chính sách đi vào cuộc sống, chính doanh nghiệp cần hiểu rõ và chủ động thích ứng. Vậy, muốn doanh nghiệp hiểu được thì có 2 yếu tố. Một là doanh nghiệp đủ năng lực để tự hiểu được các chính sách và thực thi đúng. Hai là nếu doanh nghiệp chưa hiểu, các Hiệp hội ngành nghề phải phát huy vai trò của mình, phải nghiên cứu, giải thích, truyền đạt chính sách để giúp doanh nghiệp hiểu chính sách, thông qua đó, nâng cao năng lực thực thi của doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo ra sự phản hồi có trách nhiệm từ cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng chính sách tới cơ quan quản lý.
“Doanh nghiệp hoàn toàn có quyền phản ánh những vướng mắc khi thực thi để các cơ quan chức năng có cơ sở điều chỉnh. Đây chính là cách cung cấp thông tin, bằng chứng để nhận diện chính sách nào đang phát huy hiệu quả và chính sách nào cần sửa đổi. Báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các bằng chứng khách quan, phản ánh những thuận lợi, bất cập trong thực thi cơ chế, chính sách, đặc biệt phải hướng đến tìm ra giải pháp cụ thể", ông Cường lưu ý.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn, nhiều hiệp hội và cơ quan báo chí cho biết hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp là cơ sở, nền tảng của tiếng nói góp ý, phản biện. Lẽ ra họ là những đối tượng quan tâm nhất về chính sách nhưng khi được đề nghị góp ý thì hầu hết doanh nghiệp đều có tâm lý “né” trả lời. Đây là rào cản lớn cho các hiệp hội trong việc xây dựng nội dung góp ý, phản biện chính sách cũng như để báo chí phản ánh chân thực, sinh động những vướng mắc hoặc thuận lợi trong việc thực thi chính sách.
Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, phân tích: Chúng ta vẫn hay gặp phải tình trạng "nước đến chân mới nhảy", tức là các doanh nghiệp chỉ lên tiếng khi động đến quyền lợi cá nhân, chứ thiếu sự chủ động. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, trưởng thành hơn trong văn hóa góp ý, phản biện. Bên cạnh đó, thực chất năng lực phản biện chính sách của doanh nghiệp còn hạn chế. Nếu không làm rõ được tác động đến lợi ích của mình, họ sẽ không có ý kiến. Còn về sâu xa, doanh nghiệp chưa thực sự có đầy đủ năng lực.
THIẾU CƠ CHẾ PHẢN HỒI MINH BẠCH“Tôi cho rằng với việc vận động chính sách, các doanh nghiệp nên thông qua các hiệp hội để tránh sự xung đột lợi ích. Năng lực nghiên cứu phản biện chính sách là một nhiệm vụ quan trọng của các hiệp hội. Vì thế, các hiệp hội cần nâng cao năng lực này, để bổ trợ thêm cho doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy, vai trò của hiệp hội doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng, không chỉ có năng lực nghiên cứu mà còn có tính chính danh”, ông Dũng nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA, chia sẻ trong quá trình góp ý xây dựng và sửa đổi Luật Đất đai, VNREA đã gửi hàng trăm kiến nghị, góp ý cụ thể, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển thị trường. Sau khi Hiệp hội có ý kiến, thì các Bộ, ngành, cơ quan, thành viên của Chính phủ khá hạn chế phản hồi về việc họ tiếp thu như thế nào.
“Tôi đã dự rất nhiều cuộc họp của Chính phủ và đều có phát biểu với vai trò của Hiệp hội. Ý kiến ngắn gọn và rõ ràng, đi kèm với các đề xuất giải pháp. Bên cạnh đó là rất nhiều văn bản gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành góp ý về Nghị quyết 171, Nghị quyết 201… Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, Chính phủ cũng đánh giá rất cao vai trò của Hiệp hội. Thế nhưng, việc phản hồi lại những ý kiến của Hiệp hội chưa thực sự được đảm bảo. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, câu chuyện tiếp thu và phản hồi là rất quan trọng”, ông Khôi bày tỏ.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo VNREA cho rằng cần có cơ chế phản hồi minh bạch để biết được các nội dung kiến nghị được tiếp thu đến đâu, hay vì sao chưa được tiếp thu.
Trước băn khoăn này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, cho biết: Nghị quyết 68 đã nêu rõ cơ chế tiếp thu và giải trình kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp. Tôi thấy Bộ Tư pháp đã có trang web giải đáp pháp luật, kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có sự tương tác hiệu quả hơn giữa các bên. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng cần nâng cao năng lực của người kiến nghị. Nhiều khi tôi nhận được kiến nghị nhưng không chỉ rõ bất cập nằm ở đâu, cụ thể ra sao. Bên cạnh đó, có những kiến nghị chưa đủ sức thuyết phục.
"Chúng tôi rất mong muốn khi nêu vấn đề kiến nghị cần cụ thể, rõ ràng, có cơ sở thì mới dễ tiếp thu và kiến nghị cũng cần đi kèm giải pháp", ông Hiếu nhấn mạnh.