CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ồ ạt phát hành trái phiếu
Theo Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, trong 11 tháng năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm tới 94,5%. Các tổ chức tín dụng phát hành TPDN nhiều nhất, chiếm 34% tổng khối lượng phát hành của thị trường, tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản với 27,7%, tiếp đến là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, sản xuất và công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại là các nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng mua TPDN riêng lẻ của nhà đầu tư cá nhân giảm so với năm trước. Tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ nắm giữ TPDN phát hành riêng lẻ của các nhà đầu tư cá nhân vẫn rất cao.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%, trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1% (trong đó, trái phiếu do các TCTD và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%).
Trong 11 tháng năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt trên 495.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)
Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
“Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của DN, do đó, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này”, đại diện Bộ Tài chính lưu ý.
Đối với DN phát hành, trên thị trường vẫn có trường hợp DN phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.
Đặc biệt, đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 DN bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 DN ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021; tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các DN bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các DN bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Sự phát triển của thị trường TPDN đã giúp các DN có thêm kênh huy động vốn hiệu quả. Tuy nhiên, trong sự tăng trưởng “nóng” của thị trường lại đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng báo động, đặc biệt là rủi ro đối với các nhà đầu tư cá nhân tham gia mua TPDN.
Ông Nguyễn Nhật Hoàng, Phó phòng Xếp hạng tín nhiệm của Fiin Ratings cho biết, sức khỏe của các nhà phát hành đang có sự phân hóa rất lớn. Fiin Ratings đã thực hiện xếp hạng tín nhiệm sơ bộ đối với 24 nhà phát hành trên thị trường và cho thấy kết quả trải dài từ AA tới CCC, tức là từ mức đáp ứng các nghĩa vụ tài chính rất tốt cho tới mức có nhiều vấn đề.
“Thị trường đang tồn tại tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khi với cùng mức lãi suất nhưng mức độ rủi ro lại khác nhau rất nhiều. Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro nếu mua phải TPDN của nhà phát hành có sức khỏe tài chính yếu”, ông Nguyễn Nhật Hoàng nói, đồng thời cho biết, sự kiện vỡ nợ của Tập đoàn Evergrande tại Trung Quốc chính là minh họa cụ thể về rủi ro khi mua phải TPDN của nhà phát hành có sức khỏe tài chính yếu.
Còn theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Group, dù chưa chứng kiến việc DN phát hành TPDN vỡ nợ, chậm trả gốc, trả lãi ở Việt Nam, tuy nhiên, thị trường mới ở giai đoạn đầu và phải 3-5 năm nữa mới tới thời gian đáo hạn.
“Rủi ro vỡ nợ ở Việt Nam là có, chỉ có điều chưa biết khi nào. Nhiều DN đã phá sản và chủ nợ sau hàng chục năm vẫn chưa thể đòi được nợ, điển hình như Vinashin. Trong ngành ngân hàng, dù chưa có ngân hàng nào phá sản nhưng số lượng ngân hàng trên toàn hệ thống đã giảm từ con số 40 xuống chỉ còn hơn 30 ngân hàng. Nhiều DN lớn gửi tiền tại một số ngân hàng 0 đồng đến nay vẫn chưa thu hồi được tiền”, ông Thuân nêu thực tế.
Đánh giá kỹ rủi ro trước khi “xuống tiền”
Trước nguy cơ rủi ro của thị trường TPDN tăng cao, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2021.
Cùng ngày 3/12, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng có văn bản yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong bối cảnh hoạt động phát hành TPDN không có tài sản bảo đảm tăng nhanh và nóng. Yều cầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đẩy nhanh việc ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo trách nhiệm được giao tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó, phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
“Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, đánh giá đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu. Nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của DN phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu”, đại diện Bộ Tài chính khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối TPDN cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành; tài sản đảm bảo; mục đích phát hành trái phiếu; các cam kết với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp… ./.
Theo Diệp Diệp
VOV