CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Cần tiếp tục có chính sách thúc đẩy NLTT'

Invest Global 10:17 22/12/2021

Trong khi chưa có Luật về năng lượng tái tạo thì việc tiếp tục có các cơ chế chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết trong bối cảnh cơ chế giá FIT đã hết thời hạn áp dụng, đặc biệt đối với điện gió ngoài khơi với tiềm năng và lợi thế lớn.

Trong khi chưa có Luật về năng lượng tái tạo thì việc tiếp tục có các cơ chế chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết trong bối cảnh cơ chế giá FIT đã hết thời hạn áp dụng, đặc biệt đối với điện gió ngoài khơi với tiềm năng và lợi thế lớn.

Screen Shot 2021-12-21 at 11.05.24 PM Ảnh: Internet

Sáng 22/12 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức toạ đàm Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng tái tạo.

Nhadautu.vn xin giới thiệu bài tham luận của ông Phạm Minh Hùng - Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Tình hình phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua

Về nguồn điện, đến hết năm 2020 hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 69.340 MW, đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia), đứng thứ 23 trên thế giới. Trong đó, điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) khoảng 16.510 MW, chiếm 24%; điện gió khoảng 538 MW chiếm gần 1%. Trong năm 2021 đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của điện gió với 3.980 MW được công nhận COD tính đến ngày 31/10/2021.

Tình hình phát triển điện mặt trời, điện gió vừa qua đã vượt xa so với nội dung Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh (theo đó, điện mặt trời khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030; điện gió khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030). Như vậy đến nay, công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt mục tiêu vào năm 2030, công suất lắp đặt điện gió đã đạt mục tiêu vào năm 2025.

Việc phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời (trước 1/1/2021) và điện gió (trước 1/11/2021) là do cơ chế giá FIT cho điện gió và điện mặt trời. Theo đó, với điện mặt trời là các Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; điện gió là Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo các quyết định nêu trên thì cơ chế giá FIT đối với điện mặt trời chỉ áp dụng đến hết ngày 31/12/2020, đối với điện gió áp dụng đến hết ngày 31/10/2021. Do đó, sau các mốc thời gian này việc phát triển điện mặt trời, điện gió đã và đang chững lại, ngoại trừ một số dự án điện gió chưa kịp COD trước ngày 01/11/2021 nhưng đang đầu tư dở dang do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đang được các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và một số tổ chức quốc tế đề nghị gia hạn thời gian áp dụng giá FIT.

Cũng tại các quyết định nêu trên thì sau thời gian áp dụng giá FIT, sẽ phải có cơ chế đấu giá, đấu thầu phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, các cơ chế đấu giá, đấu thầu chưa được ban hành nên đã tạo ra khoảng trống về cơ chế, chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời.

Định hướng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có các nội dung quan trọng đối với việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT).

Cụ thể, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 55 là phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Về năng lượng tái tạo: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Mục tiêu về tỷ lệ NLTT nêu trên đã được khẳng định lại trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiềm năng và quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo

Theo nghiên cứu Quy hoạch điện VIII, tiềm năng NLTT (ngoài thủy điện) của Việt Nam là rất lớn, tiềm năng kỹ thuật lên tới 2.078 GW, gấp nhiều lần so với quy mô tổng công suất nguồn điện toàn quốc hiện nay khoảng 75 GW.

Theo đó, tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật điện gió trên bờ khá lớn 217 GW, tuy nhiên chủ yếu là tiềm năng gió thấp (4,5-5,5m/s) khoảng 163 GW. Mặc dù chi phí đầu tư nguồn điện gió sẽ giảm trong tương lai, nhưng trong giai đoạn đến 2045, chỉ các khu vực gió cao (trên 6 m/s) và trung bình (5,5-6 m/s) mới có thể khả thi về mặt kinh tế. Tổng tiềm năng của khu vực gió cao là 24 GW và gió trung bình là 30 GW. Tiềm năng này chủ yếu tập trung tại Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi khoảng 160 GW, khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế tốt chỉ nằm ở Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) với tổng tiềm năng khoảng 80 GW (tốc độ gió trên 7-9 m/s), các khu vực còn lại ở Trà Vinh, Hà Tĩnh và Quảng Ninh có tốc độ gió thấp hơn (chỉ 6-7 m/s) nên khó cạnh tranh với gió gần bờ.

Tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời rất lớn lên tới 1.646 GW (1.569 GW là tiềm năng mặt đất và 77 GW là tiềm năng mặt nước), tuy nhiên nếu xét thêm về điều kiện khả năng xây dựng và tiềm năng kinh tế theo từng tỉnh thì tổng quy mô tiềm năng có thể phát triển của điện mặt trời quy mô lớn toàn quốc khoảng 386 GW, tập trung chủ yếu tại miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng tiềm năng điện mặt trời áp mái toàn quốc lên tới 48 GW, trong đó chủ yếu nằm ở khu vực miền Nam 22 GW.

Nguồn sinh khối và NLTT khác: Hiện tại điện sinh khối có khoảng 378 MW điện bã mía đang hoạt động cấp điện đồng phát cho các nhà máy đường đồng thời phát điện lên lưới, khoảng 100 MW điện trấu và khoảng 70 MW điện gỗ đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tính đến năm 2030, Quy mô tiềm năng phát triển của điện sinh khối khoảng 5,3 GW, nguồn rác thải khoảng 1,5 GW, nguồn địa nhiệt 460 MW. Các loại hình NLTT còn lại như khí sinh học, thủy triều hiện nay đều trong giai đoạn nghiên cứu.

Với tiềm năng phát triển NLTT rất lớn nêu trên thì không có nghĩa là Việt Nam chỉ cần phát triển NLTT mà không phát triển các dạng năng lượng khác. Chính vì vậy, theo quan điểm tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phải giải quyết được việc “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng” và “khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo” nên việc xác định được quy mô, cơ cấu và kế hoạch phát triển NLTT trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là yêu cầu quan trọng hàng đầu để có căn cứ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển NLTT trong thời gian tới.

Theo kết quả tính toán Quy hoạch điện VIII được báo cáo tại Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII được tổ chức ngày 19/11/2021 tại trụ sở Chính phủ, quy mô phát triển điện gió đạt khoảng 12.070 MW vào năm 2025, khoảng 21.340 MW vào năm 2030, khoảng 74.840 MW vào năm 2045; quy mô phát triển điện mặt trời đạt khoảng 18.040 MW vào năm 2025, khoảng 21.390 MW vào năm 2030, khoảng 63.640 MW vào năm 2045; quy mô phát triển điện sinh khối và NLTT khác đạt khoảng 1.170 MW vào năm 2025, khoảng 1.520 MW vào năm 2030, khoảng 5.250 MW vào năm 2045. Như vậy, trước mắt từ nay đến năm 2030 sẽ cần phát triển thêm khoảng 17.360 MW điện gió, 4.880 MW điện mặt trời. Như đã nêu ở trên thì tình hình phát triển điện mặt trời, điện gió vừa qua đã vượt so với nội dung Quyết định số 428/QĐ-TTg, đặc biệt là điện mặt trời nên sẽ ảnh hưởng nhất định tới việc xác định quy mô và kế hoạch phát triển NLTT trong Quy hoạch điện VIII.

Trên cơ sở thông báo kết luận Hội nghị tại văn bản số 314/TB-VPCP ngày 20/11/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện nội dung Quy hoạch điện VIII; liên quan đến NLTT có một số yêu cầu.

Theo đó, bám sát các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26; trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu nguồn điện phù hợp các giai đoạn đến năm 2045.

Cân nhắc tăng thêm quy mô điện gió ngoài khơi; nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi.

Nghiên cứu các cơ chế, chính sách, giải pháp để sử dụng hiệu quả và hợp lý hơn đối với nguồn năng lượng mặt trời, trong đó có giải pháp công nghệ lưu trữ điện.

Cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo và thu hút nhà đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo

Về pháp luật về đầu tư, Luật đầu tư số 61/2020/QH14 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật đầu tư đã quy định NLTT thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư nên sẽ được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi cao theo các pháp luật có liên quan (pháp luật về thuế, pháp luật về đất đai…).

Với cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương tiếp tục xây dựng chính sách phát triển NLTT, như: Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg yêu cầu có cơ chế đấu giá, đấu thầu phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời sau khi kết thúc cơ chế giá FIT.

Ngoài ra, Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW có đề ra các nhiệm vụ, gồm: Nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo với mục đích tự dùng (ưu tiên mặt trời áp mái); Nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mặt nước; Nghiên cứu xây dựng, đề xuất các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi xa bờ; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ điện lớn.

Cùng với đó, Nghị quyết số 140/NQ-CP cũng yêu cầu “Nghiên cứu, xây dựng Luật về năng lượng tái tạo”.

Như vậy, khi Luật về năng lượng tái tạo được nghiên cứu và được ban hành sẽ là khung pháp lý cao nhất để phát triển NLTT. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, xây dựng Luật về năng lượng tái tạo sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và yêu cầu về thời hạn của Chính phủ là trong giai đoạn 2021-2025. Trong khi chưa có Luật về năng lượng tái tạo thì việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết trong bối cảnh cơ chế giá FIT đã hết thời hạn áp dụng, đặc biệt đối với điện gió ngoài khơi với tiềm năng và lợi thế lớn nhưng là lĩnh vực mới và có nhiều đặc thù so với điện gió trên bờ.

Hiện nay, các tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến các cơ chế chính sách phát triển NLTT trong thời gian tới nên việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa để có thể triển khai thực hiện ngay sau khi Quy hoạch điện VIII (với các mục tiêu, kế hoạch phát triển NLTT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về thu hút nhà đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo, việc phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, điện gió trong thời gian qua cho thấy nếu có quy hoạch các dự án NLTT và cơ chế giá điện NLTT hợp lý thì sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư phát triển NLTT, thậm chí quy mô công suất NLTT được quy hoạch và bổ sung quy hoạch còn chưa đáp ứng hết các đề xuất đầu tư của các nhà đầu tư và các địa phương.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, việc đề xuất đầu tư phát triển NLTT từ các địa phương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng rất lớn, chắc chắn sẽ vượt xa quy mô sẽ phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII sắp tới.

Để đáp ứng đủ năng lượng nói chung và điện năng nói riêng cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, để thu hút các nhà đầu tư phát triển NLTT một cách hợp lý trong thời gian tới, cần xem xét các nội dung như: Quy hoạch điện VIII cần có mục tiêu phát triển NLTT với quy mô phù hợp nhưng phải ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT. Sớm hoạch định chi tiết các nguồn NLTT cho từng địa phương để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện;

Đẩy nhanh việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách phát triển NLTT trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án NLTT, tăng cường tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư.

Phạm Minh Hùng - Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan