CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ngày 6/12/2021 vừa qua, CTCP Pymepharco (PME) đã chính thức hủy đăng ký công ty đại chúng và hủy niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE sau khi Stada Service Holding B.V. (Stada) - Công ty con của Stada Arzneimittel AG - Tập đoàn dược phẩm đến từ Đức và bên liên quan đã sở hữu đến 99,53% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết và tiếp tục chào mua 0,47% còn lại để hoàn tất việc sở hữu 100% tại PME. Đại diện Stada cho biết, việc tăng sở hữu tại PME nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn của Tập đoàn Stada tại thị trường Việt Nam.
Tháng 9/2021, Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) cũng công bố sẽ đầu tư hàng chục triệu USD vào Insmart - doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe tại thị trường Việt Nam. Giữa bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong nước, các thương vụ này phần nào cho thấy sự hấp dẫn của thị trường dược phẩm Việt Nam.
Ảnh minh họaTheo các chuyên gia, là lĩnh vực đặc thù, mất nhiều thời gian để xây dựng tên tuổi và chiếm lĩnh thị phần, thâu tóm doanh nghiệp nội là bước đi nhanh và hiệu quả nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng nguồn lực có sẵn để giảm chi phí và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường Việt Nam. Song ở chiều ngược lại, đây cũng là cơ hội cho phần đông doanh nghiệp dược phẩm nội địa nâng cấp công nghệ để phát triển các loại thuốc mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Ví như CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), việc Abbott (Mỹ) trở thành đối tác chiến lược đã giúp doanh nghiệp thực hiện kế hoạch nâng cấp dây chuyền sản xuất, đầu tư các trang thiết bị mới trong sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-PICs và chuyển giao quy trình công nghệ cho một số sản phẩm chiến lược, từ đó mở rộng xuất khẩu gần 100 sản phẩm cho 11 thị trường các nước thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Hay như sự góp mặt của Tập đoàn dược phẩm Taiso của Nhật Bản đã hỗ trợ CTCP Dược Hậu Giang (DHG) triển khai thành công 2 dây chuyền sản xuất viên nén và viên nén bao phim với gần 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Japan-GMP. Còn với Mekophar, việc hợp tác với Nipro Pharma Coporation đã giúp công ty nâng cấp nhà máy Mekophar lên nhà máy Mekophar BP đạt tiêu chuẩn Japan-GMP và xuất khẩu thành phẩm sang Nhật.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2021-2026, độ lớn thị trường tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026 so với mức 7,7 tỷ USD năm 2021.
Trong khi đó các nhà máy sản xuất dược phẩm của Việt Nam chỉ có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu dược phẩm của thị trường. Thị trường Việt Nam cũng phải dựa vào nhập khẩu đến 60% nhu cầu thuốc thành phẩm và 90% hoạt dược và phần lớn các sản phẩm nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất dược. Hơn thế, các chính sách của nhà nước bảo vệ thuốc sản xuất trong nước. Như Thông tư 15/2019/TT-BYT nêu rõ trong Nhóm 5 và Nhóm 2, các loại thuốc nhập khẩu có thể không được phép chào thầu nếu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn WHO-GMP và EU-GMP tương ứng về cùng một hoạt chất chính (API). Những thông số này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng thêm rộng mở khi Việt Nam đang tập trung khuyến khích sản xuất thuốc và dược phẩm trong nước cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm. Các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết sẽ khuyến khích các công ty dược phẩm trong nước trở thành một phần của chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu với chất lượng cao hơn và cạnh tranh hơn.
Quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài càng thêm rõ khi hợp tác đã được kêu gọi ở tầm chính phủ. Như trong Tuyên bố tầm nhìn chung Ấn Độ - Việt Nam về hòa bình, thịnh vượng và người dân được Thủ tướng hai nước thông qua tại Hội đàm Cấp cao trực tuyến vào ngày 21/12/2020 xác định tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, trong đó chăm sóc y tế toàn diện, vaccine và dược phẩm là những yếu tố quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai nước trong những năm tới. Hay trong khuôn khổ chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Nhật Bản gần đây, cùng với tham gia các hoạt động của đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã dành thời gian hội đàm, tiếp và làm việc với 13 đối tác y dược của Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác quản lý lĩnh vực dược; thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế, thuốc mới, và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số hóa, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị, Việt Nam “học hỏi về tư duy xúc tiến mới” với ngành dược và các lĩnh vực liên quan thông qua nền tảng số mà nhiều nước đang áp dụng. Chẳng hạn Invest in Hollandt với các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến nhằm quảng bá Hà Lan như một trung tâm kết nối, nghiên cứu khoa học về sự sống và các thông tin về môi trường đầu tư trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu và nguồn nhân lực; Invest Korea sử dụng nhiều kênh trực tuyến để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực y tế, bao gồm các công cụ trực tuyến, các hướng dẫn và báo cáo của ngành, cơ hội đầu tư, động lực và dữ liệu về các đối tác tiềm năng.