CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Pháp lý dự án gặp nhiều vướng mắc, công ty bất động sản hết sản phẩm để bán, lãi suất ngân hàng tăng… khiến nhiều công ty phải ăn dần vào tiền tích cóp và có nguy cơ “chết” trên đống tài sản khổng lồ.
Lý giải về tình trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nói rằng, cái khó đầu tiên là các thủ tục pháp lý, quy định pháp luật ách tắc việc phát triển dự án. Thứ hai là việc thiếu dòng tiền có thể làm cho doanh nghiệp bị “ngộp thở” ngay lập tức.
Theo khảo sát của HoREA, phần lớn doanh nghiệp không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động. Nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ, giao dịch bị sụt giảm mạnh. “Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu. Mặc dù doanh nghiệp vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền và có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình”, ông Châu nói.
Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đứng hình vì dự án không xong được pháp lý để xây dựng và bán hàngDo đó, HoREA kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch lần này. Trong đó, đề xuất cho các doanh nghiệp được giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ xấu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cảnh báo, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, giới đầu tư nên cân nhắc khi sử dụng các đòn bẩy tài chính, tránh lặp lại tình trạng chết trên đống tài sản từng xảy ra trong quá khứ. Ông Khương dự báo, trong 9-12 tháng tới, việc một số nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra.