CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cơ chế quản trị chậm đổi mới khiến doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả

Invest Global 09:35 30/09/2022

co che quan tri cham doi moi khien doanh nghiep nha nuoc hoat dong kem hieu qua

Cơ chế quản trị DNNN chậm đổi mới, chưa hiệu quả

Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản trị tại các DNNN” do Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 29/9, ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 700 DNNN, đóng góp hơn 29% GDP của đất nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp).

Hiện khu vực DNNN đóng góp hơn 29% GDP cả nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

"Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả sản xuất - kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả. Một trong những nguyên nhân được xác định là do cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế", ông Quỳnh nói.

Theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực tế cho thấy trong 22 năm gần đây, DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, tăng trưởng xanh, công nghệ 4.0...

Cùng với đó, quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tốt làm cho hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, việc đổi mới quản trị doanh nghiệp triển khai chậm, chưa thực sự tiệm cận theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt.

Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trên, PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng cho biết các DNNN thực hiện sắp xếp, đổi mới trong giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, còn tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, sở hữu nhiều đất đai nên việc triển khai kéo dài. Bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DNNN còn hạn chế; việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về DNNN còn bất cập, chưa kịp thời thay đổi cơ chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản hành chính, khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư mở rộng kinh doanh, đổi mới sáng tạo.

Vì vậy, cần phải hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của DNNN, đặc biệt là nâng cao hiệu quả quản trị tại các DNNN. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp đối với DNNN và đưa ra khung quản trị công ty với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về quản trị DNNN.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản trị công ty

Nhấn mạnh đến việc phải nâng cao hiệu quả quản trị DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN tiệm cận với thông lệ quốc tế theo định hướng và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sửa đổi Luật 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số hướng dẫn nhằm tạo khung khổ để thực hiện quản trị cho khối các DNNN đã được ban hành như hướng dẫn của OECD về quản trị công ty trong DNNN hay bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp dành cho các công ty có vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)…

Nói rõ hơn về nội dung nâng cao hiệu quả quản trị tại DNNN trong dự luật sửa đổi Luật 69, bà Tống Phương Dung - Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết: Tại dự thảo Luật sửa đổi Luật 69, Cục Tài chính doanh nghiệp đang trình Chính phủ, đặt mục tiêu xây dựng chính sách là tăng cường công tác quản trị công ty tại DNNN thay vì tập trung vào quản lý vốn nhà nước như hiện nay.

Theo đó, cho phép DNNN có quyền tự chủ hoàn toàn trong hoạt động để đạt được các mục tiêu đã xác định và hạn chế sự can thiệp vào hoạt động điều hành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn nhà nước, HĐTV/HĐQT, tổng giám đốc doanh nghiệp gắn với quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và lãnh đạo doanh nghiệp.

Đồng thời, quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu về kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh và cho phép doanh nghiệp tự quyết định theo nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, cần triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành. Nên thí điểm sử dụng tổng giám đốc nước ngoài tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty…

Khung khổ pháp lý hiện hành coi DNNN là công cụ điều tiết nền kinh tế và chưa thực sự thừa nhận quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của DNNN.

Tại dự thảo Luật sửa đổi Luật 69, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 4 nhóm chính sách về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, bao gồm: (i) chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; (ii) chính sách về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (iii) chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và (iv) chính sách về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong đó, mục tiêu xây dựng chính sách là tăng cường công tác quản trị công ty tại DNNN thay vì tập trung vào quản lý vốn nhà nước như hiện nay.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan