CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
“Đột phá”, “có tầm nhìn” là hai thông điệp được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc nhiều nhất trong cuộc làm việc với Bộ GTVT về kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, cách làm có nhiều đổi mới, sáng tạo của Bộ GTVT trong 5 năm qua, nhờ đó đã mang lại kết quả khá tốt trên một số lĩnh vực như: xây dựng chính sách pháp luật, xây dựng cơ bản, cải cách thủ tục hành chính, quản lý vận tải, dịch vụ vận tải, đảm bảo ATGT, đào tạo nhân lực…Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông dù kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ đáp ứng khoảng 24% nhu cầu nhưng nhờ biết chọn lọc, ưu tiên phân bổ vốn hợp lý nên Bộ GTVT đã đạt được những kết quả tương đối tích cực.
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng ngành GTVT vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn cần tiếp tục phải quan tâm giải quyết như: dù số vụ tai nạn giao thông có giảm nhưng tai nạn nghiêm trọng vẫn thường xuyên xảy ra; tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 đô thị lớn là Hà Nội, Tp.HCM vẫn rất căng thẳng; công tác đầu tư cho khoa học công nghệ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao vẫn còn hạn chế. Trong lĩnh vực XDCB, vì những lý do khách quan, chủ quan, công tác triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia như Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020; cảng hàng không quốc tế Long Thành… chậm trễ đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Liên quan đến phương hướng công tác giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, GTVT sẽ tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH và cần được ưu tiên đầu tư phát triển. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn ngành GTVT phải có tầm nhìn dài hạn trong việc lập kế hoạch đầu tư, chọn được các dự án đột phá để triển khai nhằm tạo ra động lực phát triển cho đất nước, trước mắt là phải hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng 650 km cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1. Ngoài các dự án đột phá, Bộ GTVT cần ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các dự án kết nối các phương thức vận tải, nhất là các dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn với cảng biển, sân bay lớn
“Trong bối cảnh nguồn lực chung còn khó khăn, Bộ GTVT cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, kiên trì triển khai Luật PPP bởi đây là chìa khóa để phát triển kết cấu hạ tầng”, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở và cho biết là ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT về việc cân đối nguồn vốn riêng cho dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, mặc dù phải đối diện với sự thiếu hụt rất lớn về nguồn vốn; cơ chế chính sách trong việc huy động nguồn vốn tư nhân còn nhiều bất cập, đang trong giai đoạn hoàn thiện, chỉnh sửa nhưng trong giai đoạn 2012 – 2020 – thời điểm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW của Trung ương Đảng, hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đã có những bước tiến dài, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.
Ngay trong kỳ trung hạn 2016-2020, dù nguồn vốn vô cùng khó khăn nhưng Bộ GTVT cũng đã hoàn thành đưa vào khai thác được 468km đường bộ cao tốc, nâng cấp được 600 km quốc lộ, 31 cầu lớn và cầu trung; cải tạo một số tuyến luồng hàng hải, đường nội địa cấp bách, một số cầu yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Hiện nay, ngành GTVT đang khẩn trương hoàn tất công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp để có thể sớm triển khai đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam vừa được chuyển đổi hình thức đầu tư trong tháng 9/2020; khởi công 5 dự án thành phần PPP trong quý II/2021. Cùng với Dự án xây dựng cảng Hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2025; tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ là 2 dự án hạ tầng động lực cho đất nước trong những năm tới đây.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn ngành GTVT, công tác đảm bảo ATGT đã thực sự có rất nhiều chuyển biến rất tích cực trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, năm 2019 có mức giảm sâu nhất kể từ năm 2014 đến nay, số người chết do TNGT ở mức dưới 8.000 người, tương đương với mức năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong giai đoạn 2015 – 2020, dù toàn ngành GTVT đã có nhiều cố gắng nhưng do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tổng nguồn lực quốc gia còn hạn chế nên nguồn lực bố trí cho đầu tư phát triển KCHTGT chưa đáp ứng đủ, chưa tương xứng, đồng bộ so với định hướng, mục tiêu đặt ra. Vốn dành cho công tác duy tu, bảo trì còn thiếu so với nhu cầu[1]. Một số mục tiêu đặt ra trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020 chưa đạt, một số chỉ tiêu thực hiện còn chậm so với mục tiêu tại Nghị quyết 13-NQ/TƯ và quy hoạch đường bộ cao tốc.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thẳng thắn thừa nhận việc hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối vẫn chưa cao, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả khai thác vận tải. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít.
Đối với định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cho biết là trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, quan điểm của Bộ GTVT là phải xác định rõ dự án tạo ra “đột phá”, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững của vùng, quốc gia; đầu tư có “tầm nhìn” trong mỗi kỳ trung hạn và phải chuẩn bị danh mục cho tầm nhìn dài hạn; chú trọng ưu tiên các dự án nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, chương trình chính phủ điện tử; phát huy năng lực vận tải của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT lựa chọn ưu tiên 2 công trình “đột phá” bao gồm: nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau và hoàn thành giai đoạn I cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đối với các lĩnh vực giao thông khác chỉ tập trung cải tạo các điểm nghẽn, nút thắt để đảm bảo an toàn và điều kiện khai thác bình thường của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện hữu.
Tính toán sơ bộ của Bộ GTVT để đầu tư 1.559km để nối thông toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau cần khoảng 188.400 tỷ đồng. Trong đó, Bộ GTVT đầu tư 1.412km, nhu cầu vốn 173.300 tỷ đồng; các địa phương và doanh nghiệp kêu gọi và thực hiện đầu tư theo hình thức PPP 147km, nhu cầu vốn 15.100 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc này, Bộ GTVT đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban Quốc hội ủng hộ quan điểm cân đối nguồn vốn riêng cho dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam không nằm trong tổng nguồn vốn phân bổ để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực GTVT trong giai đoạn 2021-2025 (ước tính khoảng 230.000 tỷ đồng).
“Đây là nguồn lực tối thiểu cần được cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí để hoàn thành mũi đột phá chiến lược, thay đổi đáng kể diện mạo giao thông Việt Nam”, lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận.
Nguồn Báo Đầu Tư