CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ có thế mạnh là nông nghiệp mà với hơn 750 km tiếp giáp biển và bức xạ nhiệt ở nhiều nơi rất cao, thích hợp trong phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, đây cũng là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Điện mặt trời giúp cho Tập đoàn Sao Mai vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Ảnh: NQ
Điện mặt trời giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19
Với tầm nhìn chiến lược, từ năm 2015, Tập đoàn Sao Mai đã ký kết hợp tác với Công ty Koyo Corporation trực thuộc tập đoàn Koyo Group của Nhật Bản để xây dựng nhà máy điện mặt trời (ĐMT) và sản xuất pin năng lượng mặt trời trong tương lai.
Năm 2017, khi mà ĐMT còn chưa phổ biến tại Việt Nam thì Tập đoàn Sao Mai đã đưa công trình ĐMT áp mái nhà công suất 1.07 MWp, lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ đi vào hoạt động, giúp nhà máy chế biến thủy sản tại Cụm công nghiệp Sao Mai tiết giảm được đáng kể chi phí điện năng.
Tiếp theo đó, trong 2 năm 2019 và 2020, Tập đoàn Sao Mai đã thần tốc đầu tư hoàn thành và phát điện thương mại (COD) Nhà máy ĐMT Sao Mai công suất 210 MWp tại An Giang và Nhà máy ĐMT Europlast công suất 50 MWp tại Long An. Toàn bộ lượng điện sản xuất ra được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao tiêu trong 20 năm, áp dụng đơn giá cố định 9.35 uscent/kWh cho 154 MWp COD vào tháng 6/2019 và 7.09 uscent/kWh cho 106 MWp còn lại COD vào tháng 12/2020.
“Lĩnh vực ĐMT mỗi năm đóng góp cho Tập đoàn Sao Mai Group gần 1.000 tỷ đồng doanh thu và gần 400 tỷ đồng lợi nhuận. Ngay trong đại dịch COVID-19, 2 nhà máy ĐMT này cũng đã mang về nguồn thu ổn định, góp phần giúp doanh nghiệp trụ vững, từng bước vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành chia sẻ.
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, năng lượng tái tạo là yếu tố làm thay đổi “cuộc chơi” để phát triển ở khu vực sông Mekong. Khu vực này đang có một số quỹ đất và tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, đây là những lợi thế mà nhiều công ty thành viên của AmCham rất mong muốn được hợp tác để phát triển năng lượng tái tạo từ việc cung cấp các tấm pin mặt trời hoặc turbines gió đến phát triển dự án và sản xuất năng lượng.
Điện gió - động lực mới của vùng
Trong những ngày đầu tháng 10 đã có 4 nhà máy điện gió tại tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đóng điện hòa lưới với tổng công suất gần 200 MW. Cùng với đó, hàng chục dự án điện gió khác tại các tỉnh, thành ven biển khu vực ĐBSCL cũng đang hối hả đẩy nhanh tiến độ bất chấp khó khăn do dịch COVID-19.
Dự án điện gió số 7 tại tỉnh Sóc Trăng vừa đóng điện hòa lưới. Ảnh: TN
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Sóc Trăng có 20 dự án điện gió được đưa vào quy hoạch trong giai đoạn này, với tổng quy mô công suất 1.435 MW.
Tính đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án với tổng công suất hơn 1.095 MW, 4 dự án còn lại đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh đề mời gọi và cấp chủ trương đầu tư. Trong số 16 dự án được chấp thuận chủ trương đã có 3 dự án phát điện hòa lưới, 8 dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, địa phương có hơn 65 km bờ biển, đây là một lợi thế trong phát triển điện gió. Để khai thác tiềm năng này, địa phương đã được Trung ương phê duyệt 19 dự án điện gió với công suất trên 1.000 MW, trong đó có 6 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Ngoài ra, địa phương cũng đang trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch 7 dự án điện mặt trời với công suất 336,98 MW và 2 Nhà máy điện LNG với công suất 7.050 MW. Với lợi thế về đường dây truyền tải (do gần TP.HCM) nên Bến Tre sẽ không gặp khó khăn trong giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo được quy hoạch mới, đây là một lợi thế rất lớn.
Mới đây, khi trình bày tham luận tại cuộc họp lấy ý kiến quy hoạch vùng ĐBSCL, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cũng đề xuất bổ sung 19 dự án điện gió công suất 7.508 MW vào quy hoạch điện VIII nhằm khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch tại địa phương.
Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có nguồn nguyên liệu cho điện sinh khối rất dồi dào với gần 50 triệu tấn rơm rạ/năm. Nguồn nguyên liệu gạo tấm và rơm rạ có thể sản xuất trên 10 triệu lít cồn ethanol vừa làm nguyên liệu thay thế dầu mỏ trong phương tiện giao thông, vừa thay thế nguồn nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu D.O.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành năng lượng của vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây và vùng này đang dần trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, tính đến giữa năm 2020, tổng công suất đặt là trên 5.624 MW.
Báo cáo kinh tế thường niên 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ĐH Fulbright thực hiện cho biết, ĐBSCL là nơi hội tụ điều kiện lý tưởng về mặt tự nhiên cho phát triển cụm ngành công nghiệp năng lượng bao gồm năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối) và nhiệt điện khí. Về tiềm năng từ điện mặt trời, có mức tiềm năng từ 1.387 - 1.534 Kwh/KWp/năm. Bên cạnh đó, các tỉnh ven biển bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có tiềm năng về năng lượng gió rất tốt với vận tốc gió dọc bờ biển rất ổn định 6.5 - 7 m/s.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khai thác hiệu quả tiềm năng năng lượng “trời cho” thì cần phải giải tỏa được 3 nút thắt, đó là đầu tư mạnh cho hệ thống truyền tài, tiếp tục có chính sách ưu đãi ổn định về giá mua điện từ dự án năng lượng tái tạo và phải xem việc cắt giảm công suất là rủi ro bất khả kháng để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần minh bạch trong quá trình đấu thầu lựa chọn, phê duyệt, cấp phép dự án; hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận đất đai một cách thuận lợi, có như thế thì các dự án năng lượng mới hấp dẫn nhà đầu tư.
(Còn Tiếp)
THEO NHÀ ĐẦU TƯ