CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Để kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trỗi dậy - Bài 3: Kinh tế biển tiềm năng lớn

Invest Global 15:26 19/10/2021

Nhàđầutư: Diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng hơn 360.000 km2, chiếm 37% tổng diện tích vùng đặc quyền kinh tế của cả nước và hàng trăm đảo lớn nhỏ thuộc hai ngư trường trọng điểm là Đông và Tây Nam bộ nên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. 

[Để kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trỗi dậy - Bài 1: Hàng chục tỷ đô la đang nằm ở đồ bỏ đi
Để kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trỗi dậy - Bài 2: Động lực mới từ của 'trời' cho]

Điện khí, năng lượng sóng biển hấp dẫn nhà đầu tư

Ngày 14/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã họp trực tuyến để “xốc lại” dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD. Cùng với đó, 2 nhà máy điện khí công suất 3.000 MW, tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỷ USD ở tỉnh Long An cũng đang được khởi động. Cả 3 nhà máy điện khí này đang giữ sứ mệnh thay thế cho các dự án nhiệt điện than được lập trước đó.

Phối cảnh nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu.

Vào tháng 4/2021, Đại diện Công ty TNHH MTV Millennium Energy Việt Nam (thành viên Tập đoàn dầu khí Millennium, Mỹ) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án nhiệt điện khí công suất lên đến 9.600 MW, tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 15 tỷ USD tại địa phương này.

Nắm bắt xu hướng đầu tư mới, các địa phương khác trong vùng như Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau cũng đã đề xuất Chính phủ đưa vào quy hoạch từ 1 - 2 dự án nhà máy điện khí xây dựng tại địa phương mình.

“Theo tính toán sơ bộ mỗi một nhà máy điện khí công suất lắp đặt khoảng 3.000 MW thì mỗi năm sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương không dưới 3.000 tỷ đồng, đây là một nguồn lực quý giá giúp các địa phương tiến tới tự chủ ngân sách”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết kỳ vọng của mình về nhà máy điện khí Bạc Liêu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự báo nhu cầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng 50% từ năm 2014 đến năm 2040, tăng nhanh hơn các loại nhiên liệu khác và tăng gấp đôi so với dầu. IEA cho rằng khu vực châu Á sẽ là động lực tăng trưởng chính về nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên trong tương lai với tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 3,0% - 4,3%.

Theo nhận định của nhóm chuyên gia VCCI và Đại học Fulbright, ĐBSCL có lợi thế  nằm gần bể dầu khí Cửu Long, Nam Côn Sơn và xa hơn là Malay - Thổ Chu, nơi có các mỏ khí dồi dào có thể cung cấp làm nguồn nguyên liệu cho điện khí.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nhiên liệu đầu vào phong phú cho ngành năng lượng tái tạo là lợi thế rất quan trọng làm cơ sở tiền đề cho sự phát triển của cụm ngành công nghiệp năng lượng.

Đại diện liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ (đơn vị lập quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL theo đơn đặt hàng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, nếu có giải pháp đồng bộ về nguồn lực, đầu tư hạ tầng cấp khí, truyền tải điện và chính sách giá điện hấp dẫn thì khả năng đến 2030 nhiệt điện khí LNG, điện gió, mặt trời, sinh khối có thể đạt khoảng 19.000 MW, tương đương với công suất quy hoạch nhiệt điện than nên hoàn toàn có thể thay thế cho nhiệt điện than tại khu vực này.

Nghề nuôi biển chờ “khai phá”

TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện kinh tế và Quy hoạch thủy sản cho biết, ĐBSCL rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng trên các vùng sinh thái: nuôi ngọt, nuôi lợ, nuôi biển, khai thác thủy sản biển và nội đồng tạo ra nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu có giá trị cho quốc gia. 

Nghề nuôi biển còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: HH

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), nhiều nước trên thế giới đang hướng đến việc nuôi biển xa bờ. Tại Việt Nam, nhận thấy được tiềm năng này, Nhà nước cũng đã đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế biển.

Mới đây, vào ngày 4/10, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt hơn 1.4 triệu tấn, trong đó, nuôi gần bờ là chủ yếu; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD; tầm nhìn đến năm 2045 nghề nuôi biển trở thành ngành công nghiệp nuôi biển với phương thức quản lý hiện đại có mức đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4 tỷ USD trở lên.

Theo TS Dũng, cả nước có trên 3.000 km bờ biển, trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế và hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ, đó là tiềm năng rất lớn cho nghề nuôi biển. Riêng ÐBSCL, với hơn 800.000 ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản; 750 km bờ biển, nhiều sông lớn, nhiều cửa sông, bãi triều rộng, rừng ngập mặn; có trên 150 đảo lớn nhỏ, tập trung ở biển Tây là tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả 3 hình thức, ngọt, lợ và mặn.

Tiềm năng là thế nhưng cho đến nay, diện tích nuôi biển trên cả nước chỉ khoảng 260.000 ha, với sản lượng trên 600.000 tấn, nghề nuôi biển chủ yếu tập trung ở vùng biển miền Trung, ở khu vực ĐBSCL chỉ có một vài địa phương đang phát triển mạnh nghề này như Kiên Giang, Cà Mau nhưng quy mô rất nhỏ.

“Để nghề nuôi biển đủ sức vươn xa thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến hải sản đầu tư xây dựng trại nuôi biển công nghiệp; mở rộng chuỗi giá trị theo hướng tạo nguồn nguyên liệu và hậu cần dịch vụ phục vụ nuôi biển công nghiệp tại ÐBSCL. Ðồng thời, các hộ nuôi cũng cần đẩy mạnh liên kết ngang với nhau, liên kết dọc với viện, trường, địa phương và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh hướng đến sự phát triển hiện đại và bền vững”, TS Dũng đề xuất.

Theo nhận định của các chuyên gia, với đặc thù biển bùn, nồng độ mặn không cao, vùng biển khu vực ĐBSCL còn thích hợp nuôi trồng các loại nhuyễn thể, rong biển... Ðây là các dòng sản phẩm đang được thị trường trong nước lẫn quốc tế ưa chuộng, có nhu cầu nhập khẩu cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Anh (Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ), sản lượng rong biển tự nhiên ở ÐBSCL từ 4 - 10 triệu tấn, cho thấy nguồn lợi rong biển ở vùng này rất lớn. Trong đó, rong câu là loài có tiềm năng phát triển, nuôi trồng. Trên thực tế, rong biển đóng vai trò trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, làm nhiên liệu sinh học, cải thiện môi trường nước, làm thức ăn cho thủy sản nuôi…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nghề nuôi biển đã có sự tăng trưởng bình quân 23% trong 5 năm trở lại đây nhưng vẫn chưa thoát khỏi quy mô nhỏ, lẻ tự phát, chủ yếu nuôi ven bờ, số lồng nuôi tập trung quá dày ở một nơi nên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh.

“Để vực dậy nghề nuôi biển thì phải có hạ tầng nghề cá theo hướng công nghiệp. Cùng với đó, cần có công nghiệp hỗ trợ về lồng, tàu, sà lan để phục vụ cho nuôi biển như các nước phát triển. Ngoài cơ sở hạ tầng còn có nguồn vốn, ưu đãi về thuế. Khi có lồng bè phù hợp, hiện đại, không ô nhiễm môi trường, gắn với sơ chế và chế biến tốt, chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm xuất khẩu”, Thứ trưởng Tiến nêu định hướng.

(Còn Tiếp) 

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan