CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 của hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU nhằm mục đích tận dụng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA chưa đạt được mức kỳ vọng.
Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 của hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU nhằm mục đích tận dụng ưu đãi thuế quan chưa đạt được mức kỳ vọng.
"Quy định phức tạp về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA cũng như hạn chế về năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước để phục vụ sản xuất xuất khẩu là những thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA", nhận định Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay.
Năm 2020, Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ 6 vào thị trường EU, với thị phần đạt 3,06% về lượng và 4,02% về trị giá; tăng so với 2,79% về lượng và 3,90% về trị giá của năm 2019
Trong ngắn hạn, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ với hàng dệt may xuất sang EU để được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA vẫn là hạn chế với ngành dệt may Việt Nam. Trong dài hạn, khi mức thuế suất tiếp tục giảm sâu tạo động lực cho ngành hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ nguyên liệu thô đến thành phẩm hoàn thiện, nhằm tận dụng tốt hơn nữa ưu đãi từ EVFTA.
Theo Cơ quan này, tính từ ngày 1/8/2020 (ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực) đến 31/12/2020, kim ngạch hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU cấp C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA đạt 216 triệu USD. Trong quý 1/2021, con số này đã đạt hơn 199 triệu USD.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong năm 2021 có sự gia tăng so với năm 2020, nhưng con số này vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nói chung sang thị trường EU (chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu quý 1/2021)
Như vậy, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 của hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU nhằm mục đích tận dụng ưu đãi thuế quan chưa đạt được mức kỳ vọng.
Quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong Hiệp định EVFTA được đánh giá là chặt chẽ hơn so với nhiều Hiệp định mà Việt Nam đang tham gia (như Hiệp định ATIGA hay các Hiệp định ASEAN+). Chính sự chặt chẽ về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA được xem là thách thức lớn cho ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu và hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này.
Cụ thể, tiêu chí xuất xứ hàng dệt may trong Hiệp định EVFTA được xây dựng trên quy tắc “hai công đoạn” (“fabric forwards”), nghĩa là vải sử dụng để cắt may thành quần áo phải có xuất xứ từ EU hoặc Việt Nam theo EVFTA.
Đối với hàng hóa là nguyên liệu dệt may, Hiệp định EVFTA quy định cụ thể các công đoạn cần thực hiện để hàng hóa được coi là có xuất xứ, không đơn thuần là tiêu chí Chuyển đổi mã số hàng hóa như tại một số Hiệp định khác mà Việt Nam đang tham gia.
Trong khi ngành dệt may của Việt Nam nhập khẩu kim ngạch lớn vải nguyên liệu từ nhiều thị trường trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… thì lượng vải nguyên liệu nhập khẩu từ EU lại rất khiêm tốn (133,55 triệu USD, chiếm 1,12% kim ngạch nhập khẩu vải năm 2020).
Như vậy, sản phẩm dệt may của Việt Nam chỉ có thể dùng vải có xuất xứ EU hoặc vải được sản xuất trong nước để làm nguyên liệu sản xuất hàng dệt may xuất khẩu đi EU. Tuy nhiên, công suất sản xuất vải trong nước hiện vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất xuất khẩu của ngành dệt may đi EU nói riêng cũng như đi toàn thế giới nói chung.
Một nguyên nhân được chỉ ra là ngoài ra, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA không chỉ có thêm quy định mới mà cách diễn đạt các tiêu chí xuất xứ cũng khác so với các Hiệp định mà Việt Nam đang tham gia.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp mới xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA, đã gặp phải nhiều bỡ ngỡ trong việc đọc và hiểu các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định này.
Chẳng hạn, việc áp dụng hạn mức linh hoạt cho sản phẩm dệt may trong Hiệp định EVFTA được thể hiện qua chú giải cuối trang tại danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR). Thêm vào đó, chỉ có những dòng hàng có ghi chú cuối trang về hạn mức linh hoạt mới được phép áp dụng, không tự động áp dụng cho toàn bộ nguyên liệu và sản phẩm dệt may như một số Hiệp định FTA khác.
Do vậy, để có thể áp dụng một cách chuẩn xác, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải hiểu rõ và hiểu đúng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.
THEO BÁO ĐẦU TƯ