CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Tin tốt đã được dự báo, trong khi tin xấu lại khó lường, nên thị trường chứng khoán có thể sẽ dao động lình xình, tích lũy.
Tiền chảy vào đâu?
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi dân cư chỉ tăng thêm 120.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2021, thấp nhất trong vòng 6 năm và chỉ bằng một nửa so với trước khi có dịch Covid-19.
Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ở mức thấp. Thực tế, từ cuối năm 2019 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5 - 2,5%/năm, hiện lãi suất tiết kiệm 1 năm của các ngân hàng phổ biến quanh mức 5%/năm.
Trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, ngân hàng dư thừa thanh khoản, mặt bằng lãi suất khó có thể kéo lên cao. Đây chính là điểm giảm trừ sức hấp dẫn của tiền gửi tiết kiệm. Người dân tìm đến các kênh đầu tư sinh lời tốt hơn như chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Nhìn nhận về triển vọng của các kênh đầu tư, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI cho rằng, với kênh trái phiếu doanh nghiệp, có mặt bằng lãi suất dao động quanh 8 - 8,5%/năm cũng không hấp dẫn bằng việc đầu tư và lựa chọn bỏ vốn vào cổ phiếu tốt.
Trong 5 năm tới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, kênh chứng khoán vẫn mang lại cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Chứng khoán tốt là các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh và không quá đắt về định giá.
Khó có thể đo lường liệu một phần dòng tiền gửi tiết kiệm có chảy sang chứng khoán hay không, nhưng thực tế cho thấy, kênh chứng khoán vẫn đang hút tiền.
Số tài khoản chứng khoán mở mới hàng tháng tăng mạnh kể từ cuối năm 2020 và liên tiếp lập các kỷ lục mới. Riêng trong tháng 5/2021 có hơn 113.000 tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở, cao nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý, theo một số công ty chứng khoán, hầu hết nhà đầu tư mở tài khoản rồi nạp tiền vào để giao dịch ngay, chứ không phải chủ yếu là “mở cho có” như những giai đoạn trước.
Đây là một trong những yếu tố giúp giá trị giao dịch trên thị trường tăng mạnh, tổng giá trị giao dịch của ba sàn chứng khoán trong tháng 5/2021 đạt hơn 531.000 tỷ đồng, trong đó sàn HOSE chiếm 448.500 tỷ đồng và tăng gần 20% so với tháng 4.
Số liệu từ một số công ty chứng khoán cho biết, tiền gửi để trên tài khoản chứng khoán của khách hàng tăng 20 - 30% so với cuối tháng 4.
Đo lường cơ hội ngắn hạn
Cơ hội dài hạn đã được giới chuyên gia như ông Lê Chí Phúc nhìn nhận, vậy cơ hội ngắn hạn với chứng khoán như thế nào, sau khi VN-Index lập đỉnh mới sát ngưỡng 1.400 điểm?
TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách khi tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát. Tương tự, một số địa phương khác cũng vậy.
Trong bối cảnh như vậy, cơ hội đầu tư, kinh doanh bị hạn chế. Vì thế, dòng tiền từ kênh đầu tư chứng khoán ít có khả năng sẽ rút ra, mà tiếp tục quay vòng trên thị trường, hoặc tạm để yên trong tài khoản để chờ cơ hội giải ngân.
Mức định giá P/E của VN-Index hiện là gần 19 lần, thấp hơn so với đỉnh năm 2018 (25 lần). Ở mức định giá này, nhiều chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, cơ hội đầu tư vẫn còn, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải lựa chọn cổ phiếu kỹ càng hơn.
Có 3 yếu tố được cho là sẽ tác động không nhỏ đến thị trường trong thời gian tới. Thứ nhất, hệ thống giao dịch tại HOSE đang được Sở và FPT IS sửa đổi để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 7/2021.
Nếu hệ thống mới hoạt động trơn tru, thị trường có thể tăng thanh khoản, từ đó có lực đẩy cho một đợt tăng mới.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp bao gồm ngân hàng, công ty chứng khoán đang tiến hành tăng vốn điều lệ, tuy tạo ra quan ngại về “pha loãng”, nhưng cũng tạo ra tâm lý tích cực, vì tăng vốn nhiều khả năng sẽ phải tạo lập thị trường để giữ giá, hoặc đẩy giá cổ phiếu lên.
Thứ ba là kết quả kinh doanh bán niên 2021. Kết quả này dự kiến khả quan, tác động tích cực đến thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố lớn, nổi trội, bởi phần lớn đã được dự báo và từng bước phản ánh vào giá.
Nhìn chung, tin tốt đã được dự báo, trong khi tin xấu lại khó lường. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, kết quả kinh doanh quý II và những quý tiếp theo của nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Những cổ phiếu vừa qua tăng giá mạnh, khi kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng, hoặc hiệu ứng “tin ra là bán” có thể khiến giá điều chỉnh giảm. Thời điểm nhạy cảm - kết quả kinh doanh bán niên “bung ra” - thường là 2 tuần giữa tháng 7.
Trước mắt, tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7, thị trường được nhận định sẽ tiếp tục trạng thái lình xình, tích lũy, thanh khoản duy trì ở mức thấp so với những phiên trước đó.
Biến động trong danh sách VN30 là yếu tố mà các nhà đầu tư cần lưu ý. Theo đó, 30/6/2021 sẽ là ngày chốt số liệu rổ VN30, ngày công bố là 19/7/2021, ngày chỉ số mới có hiệu lực là 2/8/2021.
Các chỉ số vốn hóa và chỉ số ngành của bộ chỉ số HOSE-Index, bao gồm VN30 và VNFIN Lead, sẽ thực hiện đổi rổ với các thay đổi về thành phần. Trong khi đó, chỉ số VNDiamond, VNFIN Select và bộ chỉ số VNX-Index chỉ cập nhật số liệu và tính toán lại tỷ trọng danh mục.
Dựa trên số liệu cập nhật ngày 18/6/2021, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, cổ phiếu ACB có thể được thêm vào chỉ số VN30 do đã đạt thời gian giao dịch 6 tháng trên HOSE cùng các điều kiện yêu cầu; SAB có thể quay lại chỉ số do thanh khoản cải thiện đáng kể so với kỳ trước; GVR có thể được thêm vào chỉ số do vốn hóa tự do tăng đáng kể và đạt yêu cầu; TCH, SBT và REE là các cổ phiếu sẽ bị loại ra khỏi chỉ số.
Hiện tại, có 3 quỹ ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu là VFM VN30, SSIAM VN30, Mirae Asset VN30, với tổng tài sản ước tính 10.300 tỷ đồng. Theo đó, khi rổ VN30 được thay đổi như dự báo, ACB sẽ là cổ phiếu được các quỹ mua vào nhiều nhất, với khối lượng 18,5 triệu đơn vị, bên cạnh VIC, VHM, VRE, SAB và GVR, trong khi các cổ phiếu còn lại sẽ giảm tỷ trọng để cân đối danh mục. Ước tính, tỷ trọng nhóm ngân hàng sẽ tăng lên 42,7%, với 10 cổ phiếu trong danh mục.
(Theo Đầu tư chứng khoán)