CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
ASEAN là một trong những thị trường cung cấp dịch vụ chính của doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với khoảng 75% doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường ASEAN.
Khoảng 75% doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN.
Diễn đàn giao thương trực tuyến logistics Việt Nam – ASEAN 2020 do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các nước ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC) vừa tổ chức thu hút sự tham gia của gần 100 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và các nước ASEAN hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, sau 25 năm gia nhập ASEAN, thương mại hai chiều Việt Nam – ASEAN đã tăng lên từ vài tỷ đến hàng chục tỷ USD, đạt 57,3 tỷ USD vào năm 2019 và 48,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020, sụt giảm 9,06% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của đại dịch Covid-19.
Đóng góp đáng kể vào kim ngạch thương mại là vai trò của ngành logistics, giúp năng cao năng lực cạnh tranh của thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dich vụ Logistics Việt Nam (VLA), ASEAN là một trong những thị trường cung cấp dịch vụ chính của doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 75% doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN và 73% DN cung cấp dịch vụ cho hàng nhập khẩu từ thị trường ASEAN sang Việt Nam.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19 và một số yếu tố khác, nền kinh tế ASEAN nói chung, tổng thể chuỗi cung ứng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nội khối và lĩnh vực logistics của khu vực này nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký VLA cho biết, 5 năm trở lại đây, Việt Nam và nhiều quốc gia trong khối ASEAN có thế mạnh xuất khẩu như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… đều xem các thị trường nội khối chính là thị trường nội địa nối dài.
"Lợi thế của doanh nghiệp các nước ASEAN khi đưa hàng vào nội khối là sự thuận lợi về khoảng cách địa lý, không hạn chế phương tiện vận chuyển. Đối với Việt Nam, ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi về địa lý, mà còn có sự tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng, có số dân đông tới trên 622 triệu người và còn nhiều dư địa tăng trưởng thương mại với Việt Nam", ông Tương nói.
Để thương mại trong khối phát triển, một xu hướng đang được các DN trong ASEAN, trong đó có Việt Nam triển khai là "bắt tay" thực hiện các dự án trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ logistics .
Thông tin từ ông Law Chung Ming – Vụ trưởng Vụ Giao thông và Logistics, Tổng vụ Doanh nghiệp Singapore cho biết, một lĩnh vực tiềm năng mà các DN Singapore và Việt Nam có thể hợp tác là logistics xuyên biên giới. Gần đây, tập đoàn YCH của Singapore và Tập đoàn T&T của Việt Nam đã cho ra mắt Trung tâm Kho vận Container nội địa Vĩnh Phúc (ICD). Đây là dự án thí điểm của Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN (ASLN), đóng vai trò điểm nút chính cho thương mại khu vực giữa Việt Nam, ASEAN và các thị trường quốc tế khác.
Đại diện cho các DN logistics Việt Nam, ông Nguyễn Tương cho rằng, các nhà đầu tư ASEAN có thể tham gia vào Việt Nam như phát triển cảng biển, kho bãi, bao gồm cả kho lạnh, chuỗi cung ứng lạnh phục vụ cho việc xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản cũng như các trung tâm logistics vùng và khu vực để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trong thị trường ASEAN
NGUỒN BÁO ĐẦU TƯ