CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Tới năm 2026, hàng loạt nhà máy bao bì nhựa ở Việt Nam có nguy cơ đóng cửa nếu Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua.
Không bỗng nhiên, mới đây, chủ tịch 11 hiệp hội doanh nghiệp của nhiều ngành hàng lớn của Việt Nam cùng 2 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đồng loạt gửi kiến nghị tới Chính phủ và bộ trưởng của 10 bộ, ngành. Các hiệp hội cho rằng, phiên bản chỉnh lý sau buổi họp thẩm định tại Bộ Tư pháp về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn quá nhiều bất cập, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư của Việt Nam.
Sản xuất nhựa của doanh nghiệp ở TP.HCM
Bài 2: Chuẩn nội “kinh” hơn chuẩn ngoại, nguy cơ xóa sổ nhà máy
Tới năm 2026, hàng loạt nhà máy bao bì nhựa ở Việt Nam có nguy cơ đóng cửa nếu Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua.
Bốn năm nữa, hàng loạt nhà máy phải đóng cửa
Khoản 5, 6, Điều 66 của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: “Bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch”. Liên quan nội dung này, tại khoản 14, Điều 3 của Dự thảo có nêu định nghĩa “sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, nhưng không nêu cụ thể sản phẩm nào.
Hai quy định trên đã khiến cả 11 hiệp hội doanh nghiệp trong nước ngỡ ngàng, bởi sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì từ nhựa PE, PP, PVC, PET rất phổ biến với thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, dụng cụ y tế cho đến hàng tiêu dùng ở Việt Nam. Nếu quy định như vậy, thì đến năm 2026, không chỉ các nhà máy ngành bao bì liên quan sẽ đóng cửa hàng loạt, mà các nhà máy của doanh nghiệp sử dụng cũng không có bao bì để đóng gói sản phẩm, bệnh nhân không có nhiều loại thuốc và dụng cụ y tế để dùng.
Ngay cả Hiệp hội Thương mại Mỹ tại TP.HCM và Đà Nẵng (AmCham Việt Nam), trong văn bản riêng gửi bộ, ngành liên quan cũng “sửng sốt” trong ngôn từ văn bản hành chính: “Nếu quy định như bản Dự thảo hiện nay, có nghĩa là từ năm 2026, các chai nước từ nhựa PVC, PET và các bao bì thực phẩm, hàng hóa tương tự sẽ không được bán/lưu hành tại Việt Nam? Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho sản xuất - kinh doanh khi các bao bì từ nhựa PVC, PET là rất phổ biến từ lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm cho đến hàng tiêu dùng. Trên thế giới cũng không ghi nhận quy định cấm như đã nêu tại khoản 6, Điều 66. Trên thực tế, các nước châu Âu (EU) có quy định, danh mục cụ thể các loại nhựa sử dụng một lần bị cấm, như đĩa nhựa dùng một lần, cốc nhựa dùng một lần…, còn các loại bao bì nhựa để đóng gói thực phẩm vẫn được dùng, nhưng nhà sản xuất nhập khẩu phải trả phí tái chế, chứ không cấm sử dụng như Dự thảo”.
Cả 11 hiệp hội doanh nghiệp và Amcham Việt Nam đồng kiến nghị, cần liệt kê rõ danh mục “sản phẩm nhựa sử dụng một lần” vào Dự thảo chỉ bao gồm một số sản phẩm khó thu gom, bỏ quy định “bao bì nhựa khó phân hủy”, điều chỉnh lộ trình cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Khoản 1, Điều 66 của Dự thảo quy định: “Sản phẩm hàng hóa là bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa phải được dán nhãn hàng hóa (nhãn gốc hoặc nhãn phụ, nhãn cảnh báo) bằng tiếng Việt ghi rõ “bao bì nhựa khó phân hủy” và “sản phẩm chứa vi nhựa” trước khi lưu hành ra thị trường theo quy định của Chính phủ về nhãn hàng hóa”.
Bên cạnh đó, Điều 39 của Dự thảo quy định: “Dán nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy”.
Theo phân tích của Amcham Việt Nam, quy định này không chỉ gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp khi phải thay đổi toàn bộ nhãn sản phẩm, mà còn trái thông lệ quốc tế và không phù hợp với Nghị định số 43/2017/NĐCP về nhãn hàng hóa, trong đó không có bắt buộc ghi các thông tin này.
Quy định này cũng trái với các hiệp định thương mại tự do như EVFTA quy định không được dùng nhãn hàng hóa làm rào cản thương mại.
Không phân tách mới cũ, doanh nghiệp bất ổn
Điều 52 của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư quy định, cơ sở, kho tàng không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và không được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong phạm vi khoảng cách an toàn về môi trường, thì phải dừng hoạt động, di dời.
Theo phân tích của các chuyên gia pháp lý, điều khoản này không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp cũ và mới, từ đó dễ dẫn tới nghịch lý là, doanh nghiệp đã xây từ trước đây, bây giờ dân ra xây nhà bên cạnh, thì phải dừng hoạt động, di dời. Vậy chi phí này ai sẽ đền bù cho doanh nghiệp?
“Quy định này tạo nguy cơ bất ổn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất. Nên chăng, cần điều chỉnh quy định, nội dung ai (có thể là người dân, dự án dân cư hoặc doanh nghiệp sản xuất -PV) đến sau mà vi phạm khoảng cách an toàn, hoặc không phù hợp với quy hoạch mới đã được phê duyệt, thì phải di dời”, một doanh nghiệp kiến nghị.
Cũng liên quan môi trường, Dự thảo quy định, từ ngày 1/1/2025, dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục có mức lưu lượng xả nước thải ra môi trường… phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.
Các doanh nghiệp thắc mắc, không biết bộ phận soạn Dự thảo dựa vào căn cứ nào để đưa ra các mức phải quan trắc tự động như trên, bởi Dự thảo lần đầu (ngày 20/7 doanh nghiệp góp ý) đưa ra mức nước thải 500 m3. Tới Dự thảo sửa đổi lần sau (ngày 10/8) giảm xuống còn 200 m3 và tới lần này thì đưa trở lại 500 m3.
Trong khi đó, theo cộng đồng doanh nghiệp, quan trắc tự động rất tốn kém về chi phí đầu tư, vận hành, nhưng không có phân biệt giữa các loại nước thải ít ảnh hưởng đến môi trường (như nước rửa cá) với nước thải ảnh hưởng nhiều đến môi trường (sơn mạ).
Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, cần có căn cứ khoa học để đưa ra các mức phải quan trắc tự động, tính đến mức độ ảnh hưởng đến môi trường ít hay nhiều, chứ không chỉ căn cứ vào số lượng như vậy.
Ngược chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, dự án sử dụng đất, đất có mặt nước quy mô trung bình lớn hơn 100 ha được xếp vào nhóm I, từ 50 ha đến dưới 100 ha được xếp vào nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Theo phân tích của các doanh nghiệp, quy định này không phân tách loại hình dự án, mà bao gồm cả nhóm ngành sản xuất nông nghiệp như trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, vốn yêu cầu sử dụng đất rất lớn.
Và “cánh đồng mẫu lớn” bị xếp vào nguy cơ tác động xấu tới môi trường để hạn chế thì… đi ngược với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn của Chính phủ. Vì vậy, quy định này chỉ áp dụng cho các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang các mục đích khác.
Dự thảo quy định chi tiết rằng, dự án có yêu cầu sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng từ 20 ha đất trồng lúa trở lên được xếp vào nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng, cần phải nâng lên 50 ha, bởi thực tế hiện nay, các dự án sử dụng đất lúa 20 ha trở lên rất phổ biến. Nếu quy định đây là nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
(Còn tiếp)
THEO BÁO ĐẦU TƯ