CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp vẫn loay hoay trong chuyển đổi số

Invest Global 10:53 05/09/2022

Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện tiến trình chuyển đổi số đang rất chậm do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực và cả đơn vị cung cấp giải pháp. Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, hiện các nền tảng chuyển đổi số do các cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ.

Đồng quan điểm, ông Lưu Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Vải sợi Thái Thành cho biết, đơn vị rất muốn chuyển đổi số nhưng gặp khó về vốn và nhân lực nên bước đầu chỉ mới tiến hành số hóa dữ liệu tại một số khâu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa như công ty rất cần được hỗ trợ về nhiều mặt. Chỉ khi doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực quản trị, cải tiến hệ thống máy móc và tiếp cận được vốn thì mới chuyển đổi số thành công.

doanh nghiep van loay hoay trong chuyen doi so Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Qua khảo sát của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có hơn 80% doanh nghiệp trong ngành mong muốn chuyển đổi số để tăng hiệu suất làm việc và giảm chi phí quản lý... Việc chuyển đổi đòi hỏi thiết bị, máy móc của các dây chuyền sản xuất phải đồng bộ, tương thích hệ thống phần mềm quản trị, không thể đầu tư chắp vá.

Một vấn đề nữa khiến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp gặp khó và thậm chí không thành công là việc tìm kiếm đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp. Ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành (hệ sinh thái Lê Thành) dẫn chứng, công ty đã một lần thất bại vì lý do này. Công ty ký hợp đồng trị giá 3 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi số trong vòng 1 năm nhưng hợp đồng đã phải dừng lại do phát sinh quá nhiều chi phí so với dự toán ban đầu. Hiện tại, công ty đang thuê một đơn vị khác để làm lại.

“Nhà sản xuất, kinh doanh cần có lộ trình chuyển đổi số, từ việc thuê đơn vị tư vấn đến chuẩn bị nguồn lực, dự trù kinh phí phát sinh”, ông Nghĩa chia sẻ.

Qua khảo sát của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có hơn 80% doanh nghiệp trong ngành mong muốn chuyển đổi số để tăng hiệu suất làm việc và giảm chi phí quản lý...

Thấu hiểu những thuận lợi và khó khăn, đồng thời khẳng định quyết tâm của chính quyền TP.HCM trong chuyển đổi số, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết trong năm 2022, thành phố thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Hiện kinh tế số chiếm hơn 14% GRDP của TP.HCM, mục tiêu đến năm 2025 tăng lên 25% và đến năm 2030 là 40%. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này.

UBND TP.HCM đã giao Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, Hội Tin học thành phố tham mưu kế hoạch phát triển chuyển đổi số cho doanh nghiệp địa phương trong thời gian tới. Dự kiến sắp tới, Sở và hai tổ chức hội này sẽ kết nối các mạng lưới, nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. TP.HCM cũng sẽ ra mắt cổng chuyển đổi số trong thời gian sớm nhất.

Thông tin thêm cho các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, chuyển đổi số trước tiên là cần tư duy lại định hướng kinh doanh. Đối với doanh nghiệp, đây là phương thức mới để có nhiều khách hàng, giúp quản lý khách hàng và quản trị nội bộ hiệu quả hơn.

Bộ cũng sẽ đánh giá, lựa chọn những nền tảng số Việt Nam xuất sắc để giới thiệu đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những nền tảng này sẽ được miễn phí 6 tháng dùng thử và nếu ký hợp đồng 1 năm trở lên sẽ hỗ trợ miễn phí 6 tháng. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập hợp được 23 nền tảng số xuất sắc tham gia chương trình.

“Dù được hỗ trợ nhưng các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công thì luôn cần xác định phải tự đi trên đôi chân của chính mình”, ông Dũng nói.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan