CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh thu nhiều ngân hàng bất ngờ tăng mạnh nhờ phân phối bảo hiểm, 3 'ông lớn' ngân hàng được gọi tên

Invest Global 12:09 15/09/2021

Bảo hiểm nhân thọ phân phối qua kênh ngân hàng (bancassurance) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu dịch vụ của các ngân hàng trong thời gian gần đây. Theo đó, nhiều ngân hàng có doanh thu từ phân phối bảo hiểm lên hàng nghìn tỷ đồng.


Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, nhóm các ngân hàng dẫn đầu thị trường về mức thu nhập từ hoa hồng và phí phân phối bảo hiểm gồm: Vietcombank, VietinBank, ACB, Techcombank, MSB, HDBank, SCB,..;

Nhiều ngân hàng có doanh thu từ phí bảo hiểm tăng mạnh (ảnh minh họa).

Cụ thể, MSB vừa ghi nhận ngay 1,6 nghìn tỷ đồng thu nhập từ phí phân phối bảo hiểm trong quý 2/2021 nhờ ký hợp đồng độc quyền 15 năm với Prudential trong quý 1/2021. Khoản thu nhập cực khủng này chính là nguyên nhân giúp cho thu nhập thuần từ phí doanh thu của MSB trong quý 2 tăng mạnh 575% lên 2,2 nghìn tỷ đồng. Nếu không bao gồm khoản thu nhập bất thường này thì thu nhập thuần từ phí của MSB đạt 600 tỷ đồng, tăng 83,5% so với cùng kỳ. Dự kiến ngân hàng MSB sẽ tiếp tục ghi nhận 400 tỷ đồng thu nhập từ phí phân phối bảo hiểm trong năm 2022.

Đó là khoản tiền phí bảo hiểm trả trước mà Prudential trả cho MSB theo hợp đồng, ngoài ra ngân hàng MSB cũng thu về hơn 140 tỷ đồng hoa hồng từ các hợp đồng BHNT bán được trong quý 2, tăng 84,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, MSB thu về hơn 200 tỷ đồng (tăng 120%) hoa hồng từ phân phối bảo hiểm, bất chấp việc chịu ảnh hưởng từ giãn cách xã hội do đại dịch.

Trong khi đó, “ông lớn” Vietcombank thu về 400 tỷ đồng hoa hồng từ phân phối bảo hiểm trong quý 2 vừa qua. Khoản thu nhập bất ngờ này khiến ngân hàng phải “suy nghĩ lại” về kế hoạch doanh thu từ hoa hồng bán bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, Vietcombank đã nâng kế hoạch thu phí hoa hồng từ phân phối bảo hiểm 500 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm lên mức 700 tỷ đồng trong năm nay.

Ngân hàng kỳ vọng thu nhập từ phân phối bảo hiểm sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 60% so với cùng kỳ trong 5 năm tới, và là động lực tăng trưởng chính cho thu nhập phí.

Một “ông lớn” khác là VietinBank dù chưa ghi nhận mức thu nhập phí trả trước từ việc phân phối bảo hiểm do thương vụ Manulife mua Aviva Việt Nam chưa hoàn tất, nhưng ngân hàng ước tính bắt đầu ghi nhận khoản này trong quý 4/2021 hoặc muộn nhất là quý 1/2022. Việc ghi nhận thu nhập từ phí từ phân phối bảo hiểm và gia tăng hoa hồng bán bảo hiểm trong những năm tới cũng sẽ đóng góp vào lợi nhuận chung của ngân hàng này.

Mặc dù vậy, VietinBank cũng đã ghi nhận mức thu nhập phí hoa hồng từ phân phối bảo hiểm trong quý 2 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp không nhỏ trong tổng thu nhập thuần từ phí các loại đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (tăng 26,5% so với quý 2/2020).

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, VietinBank đạt 10,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 45,4% so với cùng kỳ trong bối cảnh ngân hàng chưa ghi nhận thu nhập từ phí trả trước đối với nghiệp vụ từ phân phối bảo hiểm.

Với ngân hàng TPBank, báo cáo quý 2 năm nay ghi nhận doanh thu phí đến từ dịch vụ thanh toán tăng 62,2% so với cùng kỳ, trong khi đó hoa hồng từ phân phối bảo hiểm tăng mạnh 95,5 so với cùng kỳ.

Như vậy, phân phối bảo hiểm tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho thu nhập phí của TPBank, với doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 444 tỷ đồng (tăng 94%) và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Trong đó, lãi thuần từ phí dịch vụ phân phối bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2021 tăng lên 176 tỷ đồng, tương đương mức tăng 487% so với 6 tháng đầu năm ngoái.

Không thể không nhắc đến Techcombank khi thu nhập từ phí phân phối bảo hiểm của nhà băng này tăng 48% trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, mức thu nhập này lại giảm nhẹ 4% trong quý 2 so với quý liền trước do ảnh hưởng từ giãn cách xã hội kéo dài do làn sóng bùng phát Covid-19 thứ 4. Mặc dù vậy, tổng thu nhập ngoài lãi 6 tháng qua của Techcombank vẫn đạt đạt 5,43 nghìn tỷ đồng, tăng 43,7% so với cùng kỳ.

Techcombank vừa gia hạn hợp đồng 15 năm với Manulife Việt Nam và dự kiến thu về một khoản phí khoảng 6.900 tỷ đồng từ việc gia hạn này.

Không như các ngân hàng nói trên, ngân hàng MB lại “làm tất ăn cả” với việc sở hữu công ty con chuyên về mảng bảo hiểm nhân thọ là MBAgeas Life. Tuy nhiên thực tế cho thấy không dễ cho ngân hàng trong mảng kinh doanh này.

Trái ngược với bức tranh chung trong quý 2, thu nhập thuần từ phí tại MB lại giảm do chi phí tăng mạnh hơn thu nhập trong ba quý liên tiếp. Điều này chủ yếu do dự phòng toán học tăng đối với mảng bảo hiểm nhân thọ tại MBAgeas Life, cũng như hoa hồng tăng cho đại lý, do ngân hàng tăng tỷ trọng kênh bán hàng đại lý truyền thống từ cuối 2020. Dự kiến gánh nặng chi phí này sẽ tiếp diễn đến cuối 2021 do môi trường lãi suất thấp và chi phí cho đội ngũ bán hàng tiếp tục tăng.


Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam về ngành ngân hàng, công ty này cho rằng việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ phân phối bảo hiểm độc quyền và doanh thu từ việc phân phối bảo hiểm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021.

Ngoài ra, làn sóng tái đàm phán của các thương vụ phân phối bảo hiểm độc quyền được kỳ vọng sẽ diễn ra trong giai đoạn 2021-2022. Đơn cử, HDBank đang trong quá trình tái đàm phán thỏa thuận với Dai-ichi Life. VPBank cũng sẽ tái đàm phán với đối tác để ghi nhận khoản phí “trả trước” cao hơn, giá trị có thể sẽ tương đương như các ngân hàng khác.

Theo thống kê, VPBank có thể tái đàm phán bancassurance với khoản phí 8.000 tỷ đồng, HDBank có thể đạt 7.000 tỷ đồng, dựa trên các thương vị trên thị trường hiện nay.

CTCK Yuanta Việt Nam cũng ước tính, Vietcombank có thể sẽ nhận phí trả trước 9.000 tỷ đồng từ hợp tác độc quyền việc phân phối bảo hiểm với FWD; còn ACB sẽ nhận được khoảng 8.500 tỷ đồng từ việc hợp tác với Sun Life,...

(Theo Infonet)

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan