CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG) – Những trăn trở của doanh nghiệp về chuyển đổi số như bắt đầu từ đâu, đầu tư ra sao để tối ưu hóa chi phí, đạt hiệu quả… đã được các diễn giả trong buổi tọa đàm “Cơ hội và Thách thức cho doanh nghiệp chuyển đổi số trong bình thường mới” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào tuần vừa qua, giải đáp và đưa ra những lời khuyên thiết thực.
Cấp thiết chuyển đổi số!
Tại buổi tọa đàm, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM (HCA), cho rằng môi trường kinh doanh trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi, không còn điều hành theo kiểu truyền thống như trước, đòi hỏi doanh nghiệp làm sao tăng được hiệu năng quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, doanh nghiệp cũng đang bị áp lực lớn từ sự chuyển đổi của phía đối tác cũng như từ những hệ lụy của dịch Covid-19, buộc họ phải thu xếp doanh nghiệp sao cho có thể sống lâu dài với chúng. Do đó, câu chuyện chuyển đổi số hiện nay, theo ông Tuấn, là một yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp. “Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp rất nhỏ nhưng nếu biết ứng dụng công nghệ mới kịp thời thì hoạt động hiệu quả cao”, ông Tuấn nói.
Tương tự, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM, cho rằng việc chuyển đổi số là xu hướng khách quan và dịch Covid-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp diễn ra quyết liệt hơn. “Trong bối cảnh hiện nay dù không muốn, doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi số để tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Trinh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Trinh, trong các giải pháp tham mưu cho thành phố về chuyển đổi số, Sở TTTT thúc đẩy chuyển đổi số trong chính quyền. Chính quyền số sẽ cung cấp nhiều dịch vụ công số hóa để tạo môi trường cho các doanh nghiệp chuyển từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ứng dụng công nghệ số. “Việc cung cấp dịch vụ hành chính công số hóa này không chỉ giảm tiếp xúc trực tiếp, công khai minh bạch với người dân và doanh nghiệp mà còn gián tiếp thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số”, bà Trinh nói.
Ngoài ra, TPHCM đang tập trung phát triển một nền tảng dữ liệu và chia sẻ dữ liệu từ chính phủ để có một nền tảng dữ liệu dùng chung của thành phố và sẽ công bố cho doanh nghiệp sử dụng. Dựa trên nền tảng dữ liệu được chia sẻ này, các doanh nghiệp có thể khai thác các ý tưởng kinh doanh của mình để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp. “Chúng tôi hướng tới đây sẽ dành cho các ý tưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cho các bạn sinh viên mới ra trường có các ý tưởng kinh doanh trên môi trường số. Các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ gia tăng trên đó”, bà Trinh chia sẻ.
Theo bà Trung Trinh (người ngồi bìa trái), TPHCM đang phát triển một nền tảng dữ liệu dùng chung và sẽ công bố để doanh nghiệp sử dụng.
Chuyển đổi từ đâu?
Có thể thấy rằng việc chuyển đổi số để thích ứng, để tồn tại và để phát triển được xem là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chia sẻ không biết bắt đầu thực hiện từ đâu, cần trang bị những gì để đầu tư cho đúng đắn, tiết kiệm chi phí,…
Ở góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông Phí Anh Tuấn cho rằng doanh nghiệp đừng nghĩ mình chưa làm gì trong chuyển đổi số. “Thực chất là doanh nghiệp đã làm rồi, như trong kế toán đã được số hóa trên Excel, hoặc số hóa văn phòng… Có điều doanh nghiệp chưa làm giàu tài nguyên và ứng dụng công nghệ mới vào”, ông nói và cho rằng các doanh nghiệp cần hiểu rõ vấn đề, nắm được định hướng quản lý của nhà nước để từ đó cùng nhau khai thác tiềm năng từ việc số hóa dữ liệu.
Theo ông, chuyển đổi số không phải là làm cái gì quá lớn mà làm sao để xây dựng được mô hình kinh doanh và vận hành doanh nghiệp trên môi trường số trên nền tảng tài nguyên số và làm giàu nó trong tương lai. Trong đó, bản thân doanh nghiệp phải kết hợp các nguồn dữ liệu khác để khai thác nó. Mọi công đoạn và các thành viên trong một tổ chức đều có cơ hội chuyển đổi số. Với doanh nghiệp nhỏ nguồn lực yếu thì cần lựa chọn đúng một nền tảng để áp dụng, kết nối liên thông điều hành, tạo hệ sinh thái để tăng cường hiệu năng trong doanh nghiệp khi áp dụng. Với doanh nghiệp quy mô lớn thì cần phải có hoạch định bài bản, cần có nền tảng số để đi đường dài hơi hơn.
Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng chuyển đổi số là phải xuất phát từ nhu cầu của người lãnh đạo doanh nghiệp. Một khi người lãnh đạo mong muốn ưu tiên thay đổi (như giảm chi phí, giảm nhân sự, muốn dẫn đầu thị trường về sản phẩm và dịch vụ,…) thì doanh nghiệp sẽ có hướng đi và lộ trình thực hiện chuyển đổi số phù hợp với nguồn lực của mình. “Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của người chủ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số. Đây phải là mong muốn thực sự của người lãnh đạo để thực hiện bài toán sống còn của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh hiện nay, môi trường đổi mới công nghệ đang được tính bằng giây”, bà Trinh lưu ý.
Từ thực tế rút ra ở các dự án cung cấp giải pháp chuyển đổi số, bà Phạm Ngọc Mai Anh, nhà sáng lập AIONtech, cho biết tại AIONtech luôn khảo sát thực tế và lên phương án chi tiết để tư vấn giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp, từ đó xây dựng và thiết kế quy trình chuyển đổi số cho khách hàng dựa trên thực trạng, khả năng và nhu cầu. Tiếp đến là lắp đặt và thi công thiết bị dựa trên phương án chuyển đổi số, rồi thiết lập và hướng dẫn sử dụng các phần mềm, hệ thống quản lý cho doanh nghiệp.
Chi phí đầu tư lớn?
Vấn đề trăn trở đối với nhiều doanh nghiệp khi chuyển đổi số là chi phí đầu tư lớn cũng như nguồn lực để hoàn thành. Nhiều doanh nghiệp nhỏ còn đắn đo việc chưa chắc chắn được kết quả sau khi áp dụng chuyển đổi số và những rủi ro nếu như thất bại.
Về vấn đề này, các diễn giả cho rằng cốt lõi là nhận thức về chuyển đổi số trong lãnh đạo chứ không phải nền tảng kỹ thuật hoặc chỉ doanh nghiệp lớn mới có thể chuyển đổi số thành công, còn doanh nghiệp nhỏ chưa đủ điều kiện thì không thể. Thậm chí với các doanh nghiệp nhỏ việc ứng dụng số hóa sẽ đơn giản, gọn lẹ và đạt được hiệu quả nhanh hơn. Trong khi các doanh nghiệp quy mô lớn phải số hóa từng phần, chia làm nhiều giai đoạn khác nhau rất phức tạp.
Liên quan đến các ý kiến lo ngại hạ tầng viễn thông, thiết bị cần vốn đầu tư lớn, bà Mai Anh cho rằng doanh nghiệp nhỏ có thể áp dụng chuyển đổi số với chi phí thấp. Cụ thể, thay vì tự đầu tư một hệ thống riêng lẻ nhiều tiền thì doanh nghiệp nên sử dụng hạ tầng thiết bị chung, chia sẻ trên hệ thống đó thì sẽ giảm chi phí rất nhiều. Về phần mềm, hiện các công ty cũng tạo ra nhiều sản phẩm, giải pháp linh hoạt phù với doanh nghiệp trong nước với chi phí rất thấp. Nhà cung cấp tính phí theo quy mô của doanh nghiệp. Có những phần mềm mà doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra 500.000 đến 2 triệu đồng cho một tháng sử dụng. Đáng chú ý, doanh nghiệp với 10 nhân sự nhưng có thể sử dụng hệ thống có nhiều tính năng như những tập đoàn lớn. Đây là hướng đi tiếp cận khách hàng của AIONtech và các nhà phát triển giải pháp công nghệ trong nước hiện nay.
Tương tự, ông Tuấn khuyên doanh nghiệp nên chọn giải pháp thuê điện toán đám mây để giảm chi phí, không nên tự đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ trước mắt cần nghĩ đến việc tập trung tăng năng lực bán hàng và cung cấp dịch vụ. Nếu khâu bán hàng tốt rồi thì mới tính đến khâu quản lý doanh nghiệp, tiếp đến là khâu quản trị hiệu quả.
Còn theo bà Trinh, hiện TPHCM tập trung nhiều vào việc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Có hai cơ chế để doanh nghiệp có kinh phí chuyển đổi số, trong đó đáng chú ý là sử dụng tối đa quỹ phát triển khoa học công nghệ để doanh nghiệp đầu tư hợp lý. Ngoài ra, thành phố cũng có Trung tâm tư vấn và dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số (DXCenter) để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc việc hoạch định và triển khai chiến lược chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.