CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Người tiêu dùng thế giới ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, có lợi cho sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhu cầu tiêu dùng cao với rau quả, các loại hạt tốt cho sức khỏe, gỗ nội thất… dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.
XUẤT KHẨU TRIỆU USD QUA “CHỢ ONLINE”Theo Sở Công thương TP.HCM, dự báo trong 5 năm tới (từ 2024-2028), nhu cầu trái cây Việt Nam tại những thị trường: Mỹ, EU, Trung Quốc sẽ tăng 1-2%, riêng cà phê dự báo 4,8%.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu và quảng bá cho nông sản Việt tới những thị trường tốt cần có những phương thức mới, hiệu quả. Trong khi đó, với sự phát triển của thương mại điện tử, việc bán hàng “online” không còn xa lạ mà ngày càng phổ biến hơn. Việc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt hướng tới kết nối trên môi trường số, "chợ online"… giúp giảm các chi phí cũng như nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng hơn đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Doanh nghiệp Việt tích cực quảng bá nông sản Việt - Ảnh: PA.Theo TS. Huỳnh Kim Tước, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và công nghệ - Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), kinh doanh trực tuyến không chỉ là nhỏ lẻ, mà là "nền kinh tế mới online". Thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu triệu USD qua chợ online.
Ông Tước cho biết tới đây AmCham sẽ cùng Sở Công Thương TP.HCM đào tạo, tập huấn cụ thể về thương mại điện tử, "nắm tay" doanh nghiệp đi từng bước để sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là điều cần quan tâm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group, cho rằng để xây dựng được thương hiệu mạnh, yếu tố cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm. Cần xây dựng vùng trồng đủ lớn và xây dựng trạm sơ chế ngay tại vùng trồng, thay vì xây dựng nhà máy rồi đi thu mua sản phẩm ở các vùng trồng như nhiều doanh nghiệp vẫn làm. Vì khi vận chuyển sản phẩm thì phần hao hụt rất nhiều, chất lượng cũng không còn đảm bảo tươi ngon nhất. Đặc biệt, khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, công ty mở một văn phòng tại nước này để kịp thời xử lý những trường hợp một vài trái trong cả chuyến hàng bị hư hỏng, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp...
Ngoài ra, ông Tùng cho biết thêm về vấn đề truyền thông đối với hàng hoá của Việt Nam còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, khi xuất khẩu gạo ST25, lô hàng còn chưa qua tới nơi thì truyền thông trong nước rộ lên nghi vấn gạo ST25 hiện sản xuất không đủ tiêu thụ trong nước, lấy đâu ra xuất khẩu… Niềm tin về chất lượng sản phẩm một khi đã mất đi sẽ khó lòng lấy lại được.
Ngoài ra, việc đầu tư chế biến sản phẩm sâu, không chỉ xuất khẩu thô, tạo giá trị cao hơn cho trái cây đang được tỉnh Bình Thuận kêu gọi. Ông Phạm Thuỵ Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện tỉnh có diện tích sầu riêng đang cho quả trên 2.300 ha, phát triển được 8 mã vùng trồng để xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường.
“Đây là loại cây trồng rất khó, để đảm bảo chất lượng, chúng tôi khuyến cáo bà con nên tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết, đẩy mạnh cấp mã vùng trồng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác”, ông Thuỵ nói.
TP.HCM NÊN LÀ “ĐẦU TÀU” KẾT NỐI CHUỖI CUNG ỨNG XUẤT KHẨUĐến nay, nông sản Việt Nam có mặt ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng một thực tế đáng buồn là tình trạng nông sản Việt vẫn khó cạnh tranh với các nước bạn dù mẫu mã, chất lượng tốt.
Để khắc phục những điểm yếu của nông sản Việt như: phát triển vùng trồng thiếu quy hoạch; sản phẩm nhiều nhưng không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; chưa xây dựng được thương hiệu nông sản Việt… cần xây dựng chuỗi cung ứng nông sản. Theo các chuyên gia, TP.HCM hội tụ đầy đủ điều kiện là “đầu tàu” kết nối chuỗi cung ứng xuất khẩu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn và Hội chợ xuất khẩu TP.HCM năm 2023, tại hội nghị kết nối thông tin thị trường xuất khẩu, chủ đề “Nông sản Việt Nam vươn xa”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hàng hóa xuất khẩu nói chung và nông sản của Việt Nam nói riêng sẽ có nhiều lợi thế hơn khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) với hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn.
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, tại thành phố hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hàng nghìn văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài và nhiều cơ quan thương vụ nước ngoài đóng trên địa bàn. Do đó, thành phố có thế mạnh là nơi hội tụ, kết nối các chuỗi cung ứng xuất khẩu.
TP.HCM hiện là vùng nuôi trồng nông nghiệp lớn nhất cả nước. Hầu hết nông sản, thủy sản của khu vực phía nam được doanh nghiệp thành phố tập kết và xuất khẩu thông qua các cảng tại TP.HCM.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố đạt 47,6 tỷ USD; riêng nhóm hàng nông-lâm-thủy sản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm trước; chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước.
TP.HCM có lợi thế để phát triển thị trường hàng hóa, có hệ thống phân phối hiện đại, đa dạng như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống… là đầu mối giao thương hàng hóa nội địa và quốc tế.
Ý thức được vai trò của mình trong việc đưa nông sản Việt vươn xa, những năm qua, TP.HCM đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất và cơ chế chính sách, từ đó xây dựng được nhiều vùng trồng đạt chuẩn. Chương trình kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa TP.HCM với các địa phương có vùng nguyên liệu là đột phá đi đầu của TP.HCM, tạo lợi ích hai chiều. Chuỗi cung ứng mạnh giúp TPHCM tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chủ động, bền vững.
Theo các chuyên gia, việc kết nối hai chiều giữa vùng nguyên liệu và doanh nghiệp xuất khẩu với TP.HCM sẽ là tiền đề quan trọng để nông sản Việt vươn xa. Muốn kết nối này thông suốt và nhanh chóng thì cần có cơ chế đột phá, đi đầu, sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự góp sức từ nhiều ngành.