CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
EVFTA mở ra cơ hội mới cho nông sản Việt, song cần khắc phục yếu điểm bảo quản, kết nối đầu ra với doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước
Với mong muốn hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân, dự án kết nối với các doanh nghiệp lớn như Liên Hiệp HTX mua bán Tp.HCM - Saigon Co.op (Coopmart), nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood… để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa song song với việc kết nối các các nhà phân phối hàng đầu thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu sang Châu Âu và Trung Đông.
Sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, thuế xuất của ngành hàng rau, củ, quả từ nước ta sang châu Âu sẽ về mức 0%. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt khi cạnh tranh tại thị trường này. Tuy nhiên, để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang các thị trường hàng đầu như châu Âu, Trung Đông… chúng ta phải khắc phục những điểm yếu về sản xuất, nguyên liệu, bảo quản, chế biến và logistic.
Theo đó, kho bảo quản cũng như kết nối đầu ra cho nông sản Việt là một trong những bài toán tiếp theo cần hoá giải. Mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh phối hợp với quỹ khởi nghiệp xanh Việt Nam đã công bố dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường Châu Âu, Trung Đông và khởi công kho lạnh thông minh tại Trà Vinh: Kỳ vọng góp phần chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề, hỗ trợ tài chính, giống, kỹ thuật… cho nông dân trong việc sản xuất, bảo quản để nông sản Việt đạt chuẩn xuất khẩu đến các thị trường hàng đầu thế giới.
Nguồn kinh phí tài trợ từ uỷ ban FinExpo (Bỉ) do IceLoft làm đơn vị đầu tư phi công. Toàn bộ nguyên liệu, máy móc xây dựng được nhập khẩu từ Bỉ. Mô hình trình diễn này là hình mẫu tối ưu trong kỹ thuật bảo quản nông sản, tích hợp công nghệ IoT, mô phỏng hoàn hảo, chân thực phương thức xây dựng, vận hành kho lạnh thông minh.
Dự án xây dựng chuỗi 5 kho lạnh được triển khai song song với chương trình hỗ trợ nông dân nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón vi sinh, tài chính… giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, sản xuất nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nông dân sẽ đóng vai trò trung tâm để hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao toàn cầu. Dự án này không chỉ hạn chế tình trạng nông sản dư thừa, đổ bỏ, điệp khúc "được mùa mất giá", mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, việc định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu, Trung Đông nhằm mục đích thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, từ tài chính, thị trường đến khoa học, công nghệ cũng quan trọng không kém, từ đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng logistic hiện đại.
Với mong muốn hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân, dự án kết nối với các doanh nghiệp lớn như Liên Hiệp HTX mua bán Tp.HCM - Saigon Co.op (Coopmart), nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood… để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa song song với việc kết nối các các nhà phân phối hàng đầu thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu sang Châu Âu và Trung Đông. Trong đó có công ty Green Yard, một trong những nhà phân phối nông sản dẫn đầu thị trường toàn cầu với mạng lưới hoạt động trên 25 quốc gia và doanh thu lên đến 4,18 tỷ Euro. Mỗi năm, Green Yard cung cấp ra thị trường 1,7 triệu tấn trái cây, rau tươi cùng 770 nghìn tấn rau quả đông lạnh và chế biến sẵn từ những vùng trồng trên toàn thế giới và cũng là nhà cung cấp các sản phẩm rau củ quả cho 20 nhà bán lẻ hàng đầu của EU. Đây chính là một trong những khách hàng lớn đồng hành cùng đưa nông sản Việt bước đến châu Âu.
Ông Frédéric Rosseneu, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu, tập đoàn Green Yard chia sẻ: "Chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt là khi hiệp định EVFTA được thông qua. Điều này sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh lớn cho nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu".
Nguồn CafeF