CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Bên cạnh nhiều doanh nghiệp phải “vật lộn” với khó khăn do đại dịch COVID-19 thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp tìm được “cơ” trong “nguy” khi tích lũy thêm một khoản lợi nhuận quý giá làm động lực vượt qua đại dịch.
Dù khó khăn do COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn báo lãi. Ảnh: TL
Nhiều doanh nghiệp có “sức đề kháng” tốt
Những tháng đầu năm 2021, nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác đã bắt đầu gia tăng sản lượng nhập khẩu. Niềm vui chưa “tày gang” thì đợt dịch COVID-19 lần thức tư bùng phát. Đáng lo ngại hơn là đợt dịch lần này đã ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh, thành phía Nam, khởi đầu từ TP.HCM rồi lan rộng xuống 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa nông sản lớn nhất nước, nơi chiếm 70% thủy sản, trái cây, 90% gạo xuất khẩu.
Với diễn biến của đợt dịch bất ngờ và biến thể virus Delta độc lực mạnh, nhiều doanh nghiệp gần như “trở tay” không kịp buộc lòng phải đóng cửa nhà máy.
Vượt lên khó khăn đó, tại khu vực ĐBSCL vẫn còn nhiều doanh nghiệp vẫn bám trụ vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, và tìm kiếm được lợi nhuận làm động lực cho phục hồi sản xuất.
Điển hình như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL-HoSe). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 đơn vị này vừa công bố, lợi nhuận đạt trên 11,2 tỷ đồng, tăng 74,47% so với cùng kỳ. Theo giải trình của HĐQT ACL, lợi nhuận quý II tăng cao là do chi phí bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 40%, trong khi chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp giảm. Tổng lợi nhuận sau thuế giữa niên độ kế toán hợp nhất hơn 22 tỷ đồng.
Theo bà Trần Thị Loan Vân, Chủ tịch HĐQT ACL, thế mạnh của doanh nghiệp là đa dạng được thị trường, vượt qua hàng rào kỹ thuật khắt khe để đưa hàng vào hệ thống siêu thị lớn nhất thế giới Walmart.
“Hiện nay chỉ riêng sản phẩm chủ lực cá tra phi lê chúng tôi đã có mặt ở 70 quốc gia, hiện diện hầu hết các thị trường đông dân cư nhất và các thị trường truyền thống khu vực Nam Mỹ, Trung Đông, Châu Á”, bà Vân cho biết.
Là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) báo doanh thu trong quý II đạt 2.344 tỷ đồng, lãi ròng quý 2/2021 đạt 261 tỷ đồng, tăng 17% cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 7 quý trở lại đây. Luỹ kế 6 tháng doanh thu đạt 4.134 tỷ đồng, tăng gần 24%, lợi nhuận sau thuế 392 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần đầu Đa quốc gia IDI (mã: IDI) cũng báo lợi nhuận sau thuế quý II của công ty đạt trên 11 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt trên 21,5 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ.
Tại kỳ họp cổ đông gần đây, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Minh Phú - cho biết, doanh nghiệp đã ghi nhận những kết quả khả quan khi giá trị xuất khẩu 5 tháng tăng trưởng gần 60% và thu lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng, ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm có thể đạt trên 300 tỷ đồng - tăng hơn 11% so với cùng kỳ.
Một doanh nghiệp lớn trong ngành là Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex) dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng doanh thu thuần nửa đầu năm 2021 vẫn tăng 34% lên 2.129 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 113 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Nhìn chung trong 2 quý đầu năm nay, ngành xuất khẩu thủy sản đã có sự trổi dậy so với cùng kỳ năm 2020 nhờ thị trường nhập khẩu hồi phục. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7 đến nay các doanh nghiệp lại đối mặt với khó khăn mới khi mà đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát.
Do phải thực hiện các quy định về phòng chống dịch nên việc vận chuyển thức ăn thủy sản phục vụ cho vùng nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: An Hòa
Tăng trưởng của doanh nghiệp phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm vắc xin
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 4,12 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều tăng trưởng dương khả quan: Tôm đạt 1,73 tỷ USD (tăng 13,7%); cá tra đạt 780,8 triệu USD (tăng 17%); cá ngừ đạt 355 triệu USD (tăng 21,3%), nhuyễn thể đạt 332 triệu USD (tăng 15%), kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các doanh nghiệp thủy sản và chuỗi sản xuất.
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, thị trường xuất khẩu trong những tháng cuối năm đang khá tốt. Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất do chưa kiểm soát được dịch bệnh nên nuôi trồng thủy sản có nhiều khó khăn, sản lượng xuất khẩu đã giảm 50%.
Theo đó, nguồn cung tôm thiếu hụt nghiêm trọng và giá cả tăng liên tục từ tháng 5, dự kiến tăng mạnh vào tháng 8 – 10. Thế nhưng hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đối mặt với 2 khó khăn lớn nhất, đó là dịch COVID-19 bùng phát mạnh làm cho việc tổ chức sản xuất rất khó khăn, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng 20-50%. Vấn đề thư 2 là chi phí cước biển đã tăng gấp 4-5 lần đã tác động đến hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu.
Mới đây, sau khi gửi phiếu lấy ý kiến đến 270 doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổng hợp gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Công văn của VASEP cho biết, sức bật ở nửa cuối năm của các doanh nghiệp thủy sản đã mau chóng thay bằng sự lo lắng khi COVID-19 đã tấn công vào nhiều nhà máy. Và giải pháp và niềm mong mỏi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản lúc này chính là cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp sớm được tiêm vắc xin. Đồng thời Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể thực hiện phòng dịch theo phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” cho doanh nghiệp và kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Trong khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài, tình trạng nhiều người lao động tự kéo nhau về quê trong mấy ngày qua là một điều phải suy nghĩ. Người lao động bị mất việc, đặc biệt là lao động tự do tại các tỉnh, thành phố có dịch là đối tượng bị tổn thương rõ rệt nhất, đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 khi thu nhập bị sụt giảm. Chính phủ đã công bố các chính sách hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19. VASEP thấy rõ đây là những chính sách lớn và hết sức ý nghĩa, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh việc phối hợp Công-Tư, bao gồm cả các tổ chức thiện nguyện được chọn để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ hết sức ý nghĩa vào bối cảnh hiện nay”, công văn của VASEP kiến nghị.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ