CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện

Invest Global 15:32 17/05/2023
Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 1Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 2

“Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo mức tăng giá điện phù hợp để giảm thiểu tác động ở mức thấp nhất có thể đối với nền kinh tế. Do đó, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân tối đa ở mức 3% so với hiện hành. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 10% sẽ tác động vào CPI là tăng 0,33%; tăng 5% sẽ kéo CPI tăng 0,17%. Hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ.

Khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 1.920,3732 đồng/kWh, tăng 3% so với mức giá hiện hành, sẽ giúp tổng doanh thu của tập đoàn trong năm nay tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tăng giá điện chỉ là một trong nhóm các giải pháp để giảm thiểu khó khăn tài chính. EVN cũng đã có các giải pháp nội tại như tiết giảm chi phí.

Cụ thể, năm 2022, EVN đã tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm 20-30% chi phí sửa chữa lớn, nhờ đó đã tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỷ đồng; thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền đạt hơn 7.900 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, giúp giảm chi phí mua điện gần 15.845 tỷ đồng… Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng. Năm 2023, EVN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết kiệm như cắt giảm 15% các chi phí thường xuyên, cắt giảm 40% chi phí sửa chữa lớn; chi phí nhân công, tiền lương cũng phải cắt giảm; đồng thời, huy động tối đa nguồn điện giá rẻ để đảm bảo cung ứng điện cho đất nước.

EVN cũng sẽ làm việc với nhà cung ứng nguyên liệu khí, than để giảm giá nguyên liệu đầu vào sản xuất điện, góp phần giảm chi phí đầu vào của tập đoàn; tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo về giá mua điện để đảm bảo hài hòa lợi ích EVN và chủ đầu tư. Bên cạnh đó, EVN tiếp tục đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm bằng các khoản giảm phí, lệ phí...Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, vừa giảm áp lực cho ngành điện, vừa đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia”.

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 3

“Giá điện tăng 3% tuy không lớn nhưng trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, khi đơn hàng giảm mạnh thì việc tăng giá điện cũng là một thách thức lớn về chi phí cho doanh nghiệp.

Thực tế, việc tăng giá điện lần này tác động mạnh tới doanh nghiệp dệt sợi nhiều hơn doanh nghiệp may. Theo tính toán, khoảng 23% tổng năng lượng sử dụng được tiêu thụ trong lĩnh vực dệt, 34% trong kéo sợi, 38% trong xử lý hóa chất và 5% cho các mục đích khác. Như vậy, điện là nguồn năng lượng chính trong mô hình tiêu thụ năng lượng trong kéo sợi và dệt. Còn với các doanh nghiệp may, đa số đã cải tiến nâng cao công nghệ, máy móc hiện đại nên tiêu hao năng lượng điện ít hơn; hơn nữa, các doanh nghiệp may mặc hiện nay chủ yếu tiêu thụ điện mặt trời áp mái.

Điều lo ngại hiện nay là tình trạng “té nước theo mưa” của các nhà cung cấp nguyên, phụ liệu cho dệt may. Tuy nhiên, do giá điện mới tăng nên chúng tôi vẫn chưa có đánh giá cụ thể về tác động. Theo tôi, ngành sợi sẽ chịu ảnh hưởng nhiều của giá điện, nhưng hiện giá sợi không tăng được do nhu cầu sử dụng sợi trong nước và ngoài nước hạn chế. Điều này sẽ khiến ngành sản xuất sợi hoạt động không có hiệu quả.

Trước tình hình thị trường khó khăn, sức mua chưa khởi sắc, cộng thêm giá điện tăng, tôi cho rằng giải pháp đầu tiên của doanh nghiệp là phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tượng khách hàng và đa dạng hóa nhãn hàng, bởi hiện nay chúng ta vẫn sản xuất theo đơn đặt của một hay hai nhãn hàng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đang thúc đẩy tổ chức các hội thảo chuyên đề về các giải pháp công nghệ tự động hóa, tiên tiến, môi trường xanh, phát triển bền vững, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Riêng đối với doanh nghiệp dệt may có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên nên tham gia ký kết và thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải điện.

Với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và kim ngạch xuất khẩu, ngành may mặc đang khẳng định vị thế lớn trong ngành công nghiệp của cả nước. Bên cạnh những nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, mỗi doanh nghiệp phải tự nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, tự động hóa.

Đối với doanh nghiệp có hệ thống máy móc cũ, cần thực hiện kiểm soát năng lượng, bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến tiết kiệm điện và vận hành linh hoạt theo tải… Biện pháp xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời cũng đang được cơ quan chức năng khuyến khích doanh nghiệp áp dụng, giúp tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường, giảm áp lực cho ngành điện”.

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 4

“Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 232 doanh nghiệp xay xát và lau bóng gạo, với năng lực chế biến hơn 3 triệu tấn/năm, sản lượng điện tiêu thụ để phục vụ cho chế biến gạo lên đến hơn 250 triệu kWh/năm, chiếm hơn 10% sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, giá mua điện của các nhà máy, cơ sở xay xát gạo tuân theo giá điện phục vụ sản xuất, thay đổi theo thời điểm trong ngày. Cụ thể, giờ thấp điểm khoảng 1.200 đồng/kWh, giờ cao điểm lên tới gần 3.200 đồng/kWh, trung bình khoảng 1.860 đồng/kWh. Năm 2022, riêng việc mua điện phục vụ cho lĩnh vực xay xát gạo của Đồng Tháp khoảng 500 tỷ đồng. Ngày 4/5 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện tăng lên 3%, với giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) thì lĩnh vực xay sát gạo trên địa bàn tỉnh sẽ tốn thêm 15-20 tỷ đồng cho chi phí điện.

Vì vậy, để giảm giảm chi phí điện trong xay xát lúa gạo, cũng như giảm giá thành trong sản xuất gạo, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện như: xây dựng mô hình quản lý năng lượng; hạn chế vận hành giờ cao điểm và tận dụng giờ thấp điểm; định kỳ vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị; nâng cao hiệu quả hoạt động máy bóc vỏ và sử dụng máy bóc vỏ tích hợp biến tần; tắt giảm gàu tải hoạt động không cần thiết; điều chỉnh lưu lượng quạt hút cám, quạt sấy phù hợp; nâng cao hiệu quả quản lý vận hành máy xát trắng và máy lau bóng; sử dụng động cơ công suất phù hợp và hiệu suất cao; sử dụng máy nén khí tích hợp biến tần; lắp đặt điện năng lượng mặt trời.

Chúng tôi cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xay xát gạo nên hạn chế tối đa sản xuất vào giờ cao điểm, tăng cường hoạt động sản xuất giờ thấp điểm để tiết kiệm điện, vì nếu sản xuất vào giờ cao điểm thì điện tiêu thụ của các thiết bị sẽ tăng do lưới điện cung cấp dễ bị sụt áp, đồng thời giá điện sản xuất vào giờ cao điểm cũng rất cao”.

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 5

“Giá điện tăng chắc chắn sẽ tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Đối với ngành phân bón, giá điện hiện chiếm từ 1 – 3% chi phí đầu vào. Việc giá điện tăng 3% sẽ khiến giá thành sản phẩm phân bón cũng phải tăng từ 0,15% - 0,5% tùy theo nhà máy, công nghệ sản xuất và sản phẩm.

Trong bối cảnh giá phân bón đang rất thấp như hiện nay, cộng với việc giá điện tăng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, dẫn đến lợi nhuận và hiệu quả sản xuất giảm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các doanh nghiệp chỉ biết “kêu ca”. Theo tôi, đây là lúc mà các doanh nghiệp ngành phân bón cần phải có sự điều chỉnh sản xuất theo hướng đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hơn, sản xuất xanh hơn, từ đó tiết giảm được các chi phí, năng lượng đầu vào để tăng hiệu quả kinh tế và giảm giá thành, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Về vấn đề giá điện, theo quan điểm của tôi, nếu không tăng thì nguy cơ thiếu điện sẽ còn lớn hơn, bởi điện là nguyên liệu đầu vào cho tất cả các ngành sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than, dầu, khí… đang tăng cao, thủy điện cũng khó khăn do thiếu nước để phát điện, việc EVN tăng giá điện 3% là cần thiết, các ngành khác cũng nên chấp nhận, kể cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Việt Nam đã hội nhập sâu với kinh tế thế giới, đang đi theo cơ chế thị trường, nhưng ngành điện vẫn được “bao cấp”. Đây là điều khó chấp nhận. Trong khi đó, ngành lương thực, thực phẩm cũng quan trọng không kém, bởi nó liên quan đến an ninh lương thực, nhưng nhiều năm nay đã phải tự “xoay xở” để thích nghi với thị trường.

Theo tôi, an ninh năng lượng và an ninh lương thực đều quan trọng. Vì vậy, cần phải thay đổi tư duy “bao cấp” đối với ngành điện, nếu không sẽ tiếp tục thiếu điện”.

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 6

“Giá điện tác động rất lớn đối với lĩnh vực chế biến thủy sản. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản luôn phải sử dụng nhiều điện để hoạt động cấp đông, trữ đông... Vì vậy, việc giá điện tăng sẽ kéo mọi chi phí sản xuất khác tăng theo, giảm khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng nhu cầu thị trường sụt giảm, thiếu đơn hàng, thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng và lãi suất còn duy trì ở mức cao. Việt Nam với độ mở của nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với rủi ro từ diễn biến khó lường ở bên ngoài.

Năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều, nên cần tránh tạo cú sốc về giá điện cho các doanh nghiệp sản xuất. Nếu việc tăng giá điện là khó tránh khỏi, cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản mong cơ quan chức năng, ngành điện tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin. Mức tăng và lộ trình phải bảo đảm tác động nhỏ nhất tới các đối tượng chịu tác động khi điều chỉnh giá, đảm mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định hoạt động của doanh nghiệp, cần phân nhóm khách hàng hợp lý, quy định bậc cụ thể cho từng đối tượng và chọn thời điểm tăng hợp lý. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương có Chính sách hỗ trợ giá điện cho các ngành sản xuất đang khó khăn như chế biến thủy sản, để giúp các doanh nghiệp cầm cự vượt qua giai đoạn hiện nay”.

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 7

“Trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi là khu vực tiêu thụ điện với quy mô lớn hơn nhiều so với trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Chi phí tiền điện để vận hành trại chăn nuôi quy mô 1.000 heo thịt khoảng 5 triệu đồng/tháng. Một lứa heo nuôi 1.000 con mất thời gian 4 tháng, như vậy chi phí tiền điện hết khoảng 20 triệu đồng.

Đặc biệt vào mùa hè, những ngày nhiệt độ tăng cao, chi phí điện càng tăng. Trong khi chăn nuôi heo đang ở mức hòa vốn, nếu có lãi thì lãi rất thấp, thậm chí nhiều trang trại đang thua lỗ. Vì thế, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng giá điện 3% đã khiến phần lớn chủ các trang trại chăn nuôi rất lo lắng.

Để ứng phó với việc tăng giá điện, chúng tôi khuyến nghị hệ thống trang trại của nông dân chăn nuôi gia công cho công ty CP nói riêng, nông dân chăn nuôi nói chung thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm điện. Cụ thể, các chủ hộ cần quy hoạch chuồng trại phù hợp với diện tích, triệt để sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, hạn chế sử dụng các loại bóng đèn sợi đốt để chiếu sáng và sưởi ấm trong các trang trại chăn nuôi. Đồng thời, cần xây dựng và phát triển công trình, thiết bị khí sinh học (biogas) để xử lý chất thải chăn nuôi, tạo nguồn năng lượng sinh học.

Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi của nông dân gia công cho CP, với quy mô chăn nuôi rất lớn đã đầu tư xây dựng phát điện khí sinh học. Chỉ với quá trình phân hủy yếm khí đơn giản, từ chính phân của vật nuôi có thể thu được hỗn hợp khí chứa tới 60% mê-tan, cho phép sản xuất điện. Điện sản xuất từ chất thải chăn nuôi sẽ được sử dụng cho hoạt động của trang trại chăn nuôi, sẽ giúp giảm lượng điện phải mua từ ngành điện lực, thậm chí có những trang trại chăn nuôi không còn phải mua điện từ bên ngoài”.

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 8

“Cả năm trước ngành điện cũng khó khăn nhưng đã không tăng giá, năm nay vẫn còn rất khó nhưng không tăng thì ngành điện càng khó. Doanh nghiệp hiểu Chính phủ cũng đã cố gắng rất nhiều. Với mức tăng 3%, tôi nghĩ là chấp nhận được. Doanh nghiệp dù có khó khăn nhưng phải đồng thuận với ngành điện trong bối cảnh tất cả đầu vào đã tăng mạnh.

Ngành giấy là một trong những ngành có tiêu hao năng lượng cao, chiếm từ 20 - 40% giá thành sản phẩm. Hiệu suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm về giấy ở nước ta luôn cao hơn từ 1,5 đến 2,5 lần so với sản phẩm cùng loại do các nước trong khu vực. Tuy nhiên so với sản xuất thép, xi măng, chi phí điện cho sản xuất giấy chiếm tỷ trọng thấp hơn, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Hơn nữa, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy đã lắp đặt Powerboss (thiết bị điều chỉnh công suất động cơ) cho máy thủy lực, lắp đặt biến tần cho động cơ bơm hút chân không, lắp đặt hệ thống khí nén, sử dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng và tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Song, trong bối cảnh xuất khẩu dệt may, giày dép giảm như hiện nay cũng khiến việc tiêu thụ sản phẩm giấy bao bì (vốn chiếm tới 85% tổng sản lượng toàn ngành giấy) cũng bị giảm theo. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ còn duy trì công suất 50 – 65%. Chỉ khi nào các ngành sản xuất khôi phục đơn hàng, doanh nghiệp giấy mới có cơ hội “vượt đáy”.

Ngành giấy đang là giai đoạn rất khó khăn, nhưng trong bối cảnh này vẫn phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường cải tiến kỹ thuật công nghệ và quản trị, hợp lý hóa quy trình, tiết giảm chi phí, cố gắng duy trì sản xuất”.

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 9

“Hiện nay, điện đang chiếm khoảng 5 - 6% và là một trong những chi phí chính của sản xuất thép. Vì thế, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện 3% chắc chắn sẽ tác động đến Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành thép nói chung.

Năm 2022, VNS sản xuất 1,6 triệu tấn phôi và 2,6 triệu tấn thép xây dựng. Theo tính toán, để sản xuất 1 tấn phôi bằng lò điện thì tiêu hao khoảng 550 kWh điện, còn sản xuất 1 tấn thép xây dựng thành phẩm sẽ tiêu hao khoảng 110 kWh điện. Như vậy, với việc tăng giá điện từ ngày 4/5/2023 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất thép của VNS trong thời gian tới. Ngoài ra, giá điện tăng cũng sẽ đẩy giá các loại nguyên vật liệu khác tăng theo.

Trong khi đó, thị trường thép năm nay được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ thép suy giảm. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong quý 1/2023 giảm từ 25 – 30% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản khó khăn. Không chỉ giảm mạnh về sản lượng tiêu thụ, mà giá thép cũng đang có chiều hướng giảm sâu, cùng với đó là tồn kho tăng cao tại các doanh nghiệp thép. Điều này sẽ càng gây thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thép trong quý 2 và quý 3/2023.

Với tình hình thị trường khá xấu như hiện nay, cộng với việc tăng giá điện, VNS đã chỉ đạo các đơn vị thành viên “thắt lưng buộc bụng” tiết giảm tất cả các chi phí, đồng thời có giải pháp để giảm tồn kho, từ đó chi phí tài chính cũng sẽ tiết giảm được.

Về giá điện, theo tôi được biết, Chính phủ cũng đã giữ khá lâu (khoảng 4 năm) không tăng giá; hiện EVN cũng đã lỗ khá nặng, hơn 26 nghìn tỷ đồng, nếu tiếp tục để lỗ thì sẽ ảnh hưởng đến cân đối tài chính của EVN và hệ lụy thiếu điện là khó tránh khỏi. Vì vậy, việc tăng giá điện trước sau cũng phải thực hiện. Theo tôi, mức tăng 3% không phải quá lớn, mức tăng này chắc chắn đã được Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét thận trọng và thấu đáo rồi.

Xét về mặt doanh nghiệp, tăng chi phí thì không ai muốn nhưng cũng cần chia sẻ trong bối cảnh khó khăn chung. Mức tăng 3% là Chính phủ cũng đã rất chia sẻ với ngành điện. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần ủng hộ chủ trương này”.

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 10

VnEconomy 17/05/2023 07:00

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2023 phát hành ngày 15-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giải pháp ứng phó với tăng giá điện - Ảnh 11

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan