CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội thời gian qua phát triển khá sôi động với nhiều dự án lớn gắn với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản. Xung quanh vấn đề này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
GS Đặng Hùng Võ cho biết, thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội trong thời gian qua khá khởi sắc với sự xuất hiện của nhiều dự án, khu đô thị chất lượng. Ví dụ như dự án Vinhomes Ocen Park ở Gia Lâm, một trong những dự án chất lượng nhất tại vùng ven Hà Nội trong những năm gần đây.
Giáo sư đánh giá thế nào về tình hình phát triển của thị trường bất động sản ven Hà Nội thời gian qua?
GS. Đặng Hùng Võ: Với một dự án bất động sản mang thương hiệu Vinhomes, Vinhomes Ocen Park chắc chắn đã làm cho khả năng phát triển bất động sản tại khu vực này mạnh hơn. Không chỉ vậy, đây cũng là một dự án được nhiều người quan tâm, do Vinhomes Ocen Park là một khu đô thị rất là hoàn chỉnh cũng như đảm bảo đầy đủ các điều kiện về môi trường, cảnh quan, dịch vụ.
Ngoài ra, khu phía Tây và phía Đông cũng đang có những dự án bất động sản vùng ven chất lượng. Chẳng hạn như phía Tây, chúng ta hiện có đường đua công thức 1. Đây chính là một điều kiện để làm cho thị trường bất động sản vùng ven sôi động và hấp dẫn hơn.
Trong thời gian vừa rồi, vùng trung tâm đã kín hết đất. Do đó việc triển khai, đẩy mạnh các dự án vùng ven cũng là một xu hướng tất yếu. Những dự án vùng ven chất lượng kết hợp với điều kiện hạ tầng tương đối tốt đã và đang hỗ trợ cho sự phát triển khu vực, qua đó tăng tính hấp dẫn cho thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội.
Theo ông, xu hướng mở rộng thị trường bất động sản ra vùng ven sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới?
GS. Đặng Hùng Võ: Theo tôi, xu hướng mở rộng thị trường bất động sản ra vùng ven cũng nên có một mức độ nhất định, với phương án tối ưu chính là tạo thành từng đô thị loại I. Đừng phát triển theo kiểu "vết dầu loang".
Vào tháng cuối năm 2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 6170/QĐ-UBND phê duyệt đề cương Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Đề cương đã được giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, nghiên cứu trên phạm vi toàn bộ địa giới hành chính TP. Hà Nội, các đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 3.344,6km2, bao gồm: 1 đô thị trung tâm TP. Hà Nội và 5 đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc; 3 đô thị sinh thái: Thị trấn Quốc Oai, thị trấn Phúc Thọ, thị trấn Chúc Sơn; 11 thị trấn huyện lỵ của các huyện.
Theo quy hoạch, cũng như theo chỉ đạo, Hà Nội sẽ phát triển tập trung vào các thành phố vệ tinh. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, tôi vẫn chưa thấy một thành phố vệ tinh nào được hình thành cả.
Có thể nói rằng, quy hoạch vùng ven Hà Nội theo 5 thành phố vệ tinh chắc chắn sẽ tốt hơn, chứ không nên phát triển theo kiểu "vết dầu loang".
Việc mở rộng thị trường bất động sản ra vùng ven là hoàn toàn hợp lý do vùng trung tâm đã kín hết đất. Trên thực tế, cũng có nhiều dự án đã góp phần thúc đẩy việc phát triển cơ sở hạ tầng tại vùng ven, nhưng nó vẫn chưa đúng với định hướng 5 thành phố vệ tinh của Hà Nội. Đây chính là điều mà chúng ta cần phải tư duy tiếp để làm sao có thể đi đúng quy hoạch cũng như phát triển vùng ven đúng cách.
Giáo sư đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại?
GS. Đặng Hùng Võ: Dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua đã gây ra những tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường bất động sản. Đặc biệt, chúng ta đang phải đối mặt với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh, với một mức độ nghiêm trọng hơn. Điều này chắc chắn sẽ làm cho thị trường bất động sản bị chững lại.
Hiện tại, những hoạt động xây dựng mà đảm bảo giãn cách tốt thì vẫn có thể được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý rằng, nhằm đảm giãn cách tốt, đảm bảo an toàn, thì chắc chắn tiến độ xây dựng của những dự án này sẽ chậm lại đáng kể.
Thị trường bất động sản là một trong những thị trường không bị rơi vào tình trạng "đóng băng" do tác động của dịch bệnh, nhưng chắc chắn nó vẫn sẽ bị chậm lại. Hoạt động tạo lập thì vẫn có thể triển khai với tốc độ chậm, còn đối với hoạt động giao dịch thì chắc chắn là không có triển vọng gì trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn, đặc biệt là với rủi ro cao hơn đợt đầu.
Tuy nhiên, tôi vẫn vô cùng lạc quan với triển vọng của thị trường bất động sản nói chung và bất động sản vùng ven nói riêng. Với sự đồng lòng của toàn dân, chắc chắn Việt Nam chúng ta sẽ sớm kiểm soát được dịch COVID-19 thêm một lần nữa. Và tất nhiên, sau đại dịch, thị trường bất động sản sẽ còn phát triển tốt hơn.
Chắc chắn xu hướng sắp tới sẽ tập trung vào vung ven, nhưng nó sẽ phát triển được tới đâu thì vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như quy hoạch và hướng chỉ đạo.
Để phát triển được thành phố vệ tinh, thì chắc chắn đầu tư công phải được sớm triển khai với mục đích phát triển các hệ thống kết nối, ví dụ như đường tàu điện trên cao, đường tàu điện ngầm, cũng đường giao thông trên bộ. Tất cả những cái đó là chúng ta phải bỏ ngân sách nhà nước ra để thực hiện.
Sau đó mới có cơ hội để phát triển thị trường bất động sản tại các khu đô thị vệ tinh. Nếu không làm hệ thống kết nối thì các khu đô thị vệ tinh tại vùng ven sẽ mãi nằm trên quy hoạch.
Và với một xu hướng rõ ràng như vậy, tôi chắc chắn giá đất tại các khu vực vùng ven Hà Nội sẽ tăng. Hiện tại, có thể nói rằng, hạ tầng tại các khu vực này đã phần nào được hoàn thiện, do đó, với quy luật của thị trường, giá sẽ vẫn tăng khi cơ sở hạ tầng tiếp tục được phát triển. Câu chuyện đô thị đến đâu là giá đất tăng đến đấy là điều tất yếu.
Nguồn Nhà Đầu Tư