CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

GS-TSKH. Nguyễn Mại: 'Việt Nam đang được nhiều tập đoàn dược phẩm lớn của thế giới quan tâm'

Chuyên Gia 14:46 22/01/2021

"Với tiềm năng to lớn của ngành sản xuất và thị trường dược phẩm, cũng như môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang được nhiều tập đoàn dược phẩm lớn của thế giới quan tâm", GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết. 


GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Với nỗ lực thúc đẩy thương mại và đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam, Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp với Liên minh Xúc tiến Đầu tư Quốc tế (INVESTGLOBAL), Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức "Hội thảo Xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam". Sự kiện được sự hỗ trợ của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của 25 đại diện các công ty dược phẩm Ấn Độ tại Việt Nam đã có bề dày kinh nghiệm tại Việt Nam trong nhiều năm qua, trong đó có những công ty dược phẩm lớn nhất tại Ấn Độ. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các bộ, các tỉnh và các công ty Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: "Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp, đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, ngày càng phát triển trên cơ sở hợp tác cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo".

GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng nhấn mạnh rằng, tiềm năng mở rộng quan hệ giữa hai nước còn rất lớn, cần có nhiều sáng kiến, nhiều hội thảo, tọa đàm để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân hai nước dề dàng kết nối và thuận lợi trong việc giao lưu, hoạt động đầu tư và thương mại.

"Thương mại và đầu tư về dược phẩm, thuộc thế mạnh của cả hai nước, có thể thông qua hợp tác để hổ trợ lẫn nhau, phát huy lợi thế của mỗi bên, khai thác có hiệu quả tiềm năng để tăng thêm kim ngạch thương mại hai chiều và hợp tác đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam", Chủ tịch VAFIE khẳng định.

Theo thống kê của BMI Research, năm 2018, quy mô thị trường ngành dược Việt Nam đạt 5,9 tỉ USD, tăng 11,5% so với năm trước, trở thành thị trường dược phẩm lớn thứ hai tại Đông Nam Á, thuộc nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất trên thế giới.

Ngành dược trong nước đã tăng trưởng mạnh mẽ, hiện có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) nhưng mới đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu thị trường nội địa, số còn lại phải nhập khẩu; 10 tháng của năm 2020, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6,7%, nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm đạt 338 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

BMI Research đánh giá, dù gặp nhiều khó khăn về sản xuất và công nghệ nhưng với trên 97,7 triệu dân và mối quan tâm của cả Chính phủ và người dân đến vấn đề sức khỏe ngày càng cao, sẽ là động lực cho ngành dược phẩm tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Trong 5 năm sắp đến, ngành dược Việt Nam dự báo sẽ tăng 11%/năm, thuộc diện ổn định nhất thế giới, đạt 7,7 tỉ USD năm 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026.

"Với tiềm năng to lớn của ngành sản xuất và thị trường dược phẩm, cũng như môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam đang được nhiều tập đoàn dược phẩm lớn của thế giới quan tâm", GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết.

Trong bối cảnh mới, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển 2021- 2030 và Kế hoạch 2021- 2025 với mục tiêu vừa tiếp tục ứng phó có kết quả với dịch, vừa tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao 6,5- 7,0% và bền vững theo hướng chuyển đổi sang kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số và chính phủ số.

Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, trong đó có việc thực thi nhiều FTAs thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA.

EVFTA quy định dược phẩm là một trong những nội dung rất quan trọng của hiệp định.

Theo Chủ tịch VAFIE, dược phẩm luôn nằm trong số các mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của EU sang thị trường Việt Nam, được dự báo sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu dược phẩm chất lượng ở một thị trường đông dân như Việt Nam ngày càng tăng cao và EU được xem là khu vực sản xuất dược phẩm uy tín trên thế giới.

Tại Phụ lục 2C về dược phẩm, các bên thống nhất khái niệm chung về dược phẩm, các vấn đề có liên quan đến giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, các phân biệt đối xử đối với dược phẩm.

Đồng thời, các bên cam kết sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, các hướng dẫn quốc tế đối với những vấn đề kỹ thuật trong mặt hàng dược phẩm. Những quy định khác về thuế, về quyền kinh doanh dược phẩm, đăng ký dược phẩm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu đối với các sáng chế dược phẩm được quy định tại các chương liên quan trong EVFTA và trong biểu cam kết mở cửa thị trường của Liên minh châu Âu và Việt Nam.

Các quy định mới về dược phẩm trong EVFTA và các FTAs khác cũng sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ thương mại giữa các bên ký kết, đem lại lợi ích cho công dân Việt Nam khi được tiếp cận nguồn dược phẩm chất lượng cao, đồng thời cũng đem đến cơ hội xuất, nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng này thuận lợi hơn tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, luật pháp và thực thi để đáp ứng yêu cầu các cam kết quốc tế của Việt Nam tại FTAs thế hệ mới, trong đó có dược phẩm.

NGUỒN NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan